Sự hy sinh thầm lặng của những người gom rác y tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/4/2020 | 8:03:05 Sáng

Tự cách ly để bảo vệ sức khỏe gia đình và hàng xóm, các công nhân thu gom rác y tế xứng đáng là những người hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Những công nhân thu gom rác, đặc biệt là rác thải y tế tại các khu cách ly, bệnh viện xứng đáng được coi là người hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Họ rất có ý thức trong việc bảo vệ gia đình, hàng xóm nên đã tự cách ly tại chỗ làm nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh.
"Gác lại chuyện gia đình để chung sức chống dịch”

Đó là chia sẻ của rất nhiều công nhân thu gom, vận chuyển rác thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (viết tắt là Công ty Môi trường đô thị). Hằng ngày, cứ khoảng 4 giờ sáng là các anh chị lại bắt đầu công việc. Họ đi đến những khu cách ly, các bệnh viện để thu gom rác thải y tế.

Biết rõ công việc này rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm bệnh có thể xảy ra nhưng vì trách nhiệm với công việc nên các công nhân đã cống hiến bằng tất cả sức lực của mình.

"Đơn giản nếu không có những người xung phong làm công việc này thì ai sẽ là người gánh vác? Tôi biết công việc này rất nguy hiểm trong thời điểm hiện nay do dịch bệnh dễ lây lan. Nếu chúng tôi không làm thì ai làm đây?” - anh Trần Văn Điệp (công nhân vận chuyển rác thuộc Công ty Môi trường đô thị) tâm sự với PV.

Cũng như anh Điệp, không ít người ý thức được rằng mình có khả năng lây nhiễm bệnh trong quá trình thu gom rác thải y tế. Điều này sẽ làm ảnh hưởng gia đình và hàng xóm. Do vậy, khá nhiều công nhân đã gác lại chuyện gia đình để vừa làm việc vừa tự cách ly tại công ty.

Anh Võ Vương Vinh (công nhân vận chuyển rác thuộc Công ty Môi trường đô thị) chia sẻ: "Gia đình tôi ở trọ, nhà có con nhỏ, mẹ già. Không gian sống chật hẹp, không có phòng riêng để tự cách ly nên tôi ở lại chỗ làm. Mặc dù chúng tôi tự bảo vệ rất kỹ trong quá trình làm việc nhưng tự cách ly là biện pháp phòng xa nhằm chung tay cùng cộng đồng chống dịch hiệu quả nhất”.

Xa gia đình nhiều ngày thì ai cũng nhớ, nhất là những người có con nhỏ nhưng anh Vinh và các công nhân khác cũng ý thức được rằng sức khỏe của gia đình, cộng đồng là quan trọng hơn cả. "Có nhiều bữa gọi điện thoại về cho con, nó khóc đòi ba, mình cũng ứa nước mắt” - anh Vinh tâm sự.

Nhiều người chia sẻ họ đã ở lại công ty từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ và sẽ ở lại đến khi hết dịch.

"Tôi không biết là dịch COVID-19 khi nào kết thúc nhưng chúng tôi sẽ cùng chiến đấu đến cùng với dịch. Khi nào hết dịch, cách ly thêm một thời gian chúng tôi sẽ về với vợ con” - anh Vinh quả quyết.

Cần bảo vệ sức khỏe người lao động

Trong quá trình làm việc, các anh chị công nhân cũng được sự động viên rất lớn từ lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị.

"Cả nước đang đoàn kết chống dịch thì những người như chúng tôi cũng sẵn sàng chung sức. Những ngày đi làm chúng tôi cũng nhận được không ít những niềm vui, những sự quan tâm của công ty. Ngoài ra, sự chia sẻ chai nước, hộp cơm,… của những bạn tình nguyện viên, những chiến sĩ làm việc trong khu cách ly làm chúng tôi rất ấm lòng. Đó cũng là một trong những động lực để chúng tôi tích cực làm việc….” - anh Vinh kể.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị, cho rằng công việc thu gom rác thải là quan trọng đối với cộng đồng nhưng sự bảo vệ sức khỏe cho người lao động cũng quan trọng không kém.

Theo tìm hiểu của PV, công việc của các công nhân thu gom rác thải y tế rất vất vả, luôn đối mặt với những hiểm nguy. Tuy nhiên, họ quả quyết không đòi hỏi thêm bất cứ chế độ đãi ngộ nào.

Các công nhân chỉ bày tỏ ở thời điểm này họ rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của doanh nghiệp, các cấp chính quyền TP. Từ đó, họ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo đó, công ty luôn trang bị bảo hộ lao động tốt nhất cho công nhân. Cụ thể, trang bị đồ phòng hộ chống dịch, khẩu trang y tế, găng tay, giày bảo hộ, mặt nạ chống tia bắn nước bọt…

Ngoài ra, công ty còn thường xuyên động viên, tập huấn để người lao động thực hiện tốt quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly tập trung… nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm cho người lao động.

"Mặc dù các công nhân luôn tuân thủ nghiêm ngặt về quy định bảo hộ nhưng hầu hết họ đều rất có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng nên đã chủ động ở lại công ty để cách ly với gia đình. Do đó, ngoài các chế độ dành cho công nhân, công ty còn tổ chức nơi ăn uống và động viên tinh thần các anh chị em. Chúng tôi sẽ cùng nhau chung sức vượt qua dịch COVID-19” - ông Sơn bày tỏ.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày lượng rác thải y tế nguy hại thải ra từ các khu cách ly tập trung là không nhỏ. Do đó, sở đã có văn bản gửi Sở Y tế hướng dẫn cho quận, huyện cách lưu trữ và tiêu hủy.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi các quận, huyện, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải, các đơn vị xử lý chất thải trên địa bàn TP để hướng dẫn cách xử lý khẩu trang y tế, rác thải y tế sau khi sử dụng nhằm phòng, chống COVID-19.

Đối với các cơ sở cách ly tập trung hoặc các cơ sở y tế được chỉ định chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, sở đề nghị UBND quận, huyện tham khảo quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 7-2-2020 của Bộ Y tế.

Theo PLO

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.