Nỗi lo của công nhân vệ sinh môi trường giữa mùa dịch Covid-19

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/4/2020 | 8:42:35 Sáng

Do tính chất công việc, các công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là những căn bệnh truyền nhiễm.

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19), nhiều công nhân vệ sinh không khỏi lo lắng do có khả năng tiếp cận với nguồn lây bệnh.
 
Công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Huy Hoàng thu gom rác thải tại đường Đinh Liệt. Ảnh Báo Lạng Sơn
Hàng ngày từ 18h chiều, những người công nhân này bắt đầu ca làm việc của mình. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ đều phải mặc những đồ bảo hộ kín người, nhưng bây giờ đang trong mùa dịch, dù rất nóng nhưng vẫn phải hóa trang kỹ hơn thường lệ. Có theo chân họ mới thấu hiểu được phần nào nỗi khó khăn, vất vả. Với nhiệm vụ làm sạch, đẹp cho phố phường nên khi bước vào ca làm việc, họ cần mẫn quét dọn lòng đường, hè phố, thu gom từng túi rác đặt sẵn trên vỉa hè về điểm tập kết để chuyển lên ô tô đưa về các bãi rác thải.

Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như rất đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả và những nguy hiểm luôn cận kề. Đặc biệt là trong đợt dịch này, họ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh có thể lây lan khi nguồn rác thải không được người dân phân loại.

Chị Vi Thị Vinh, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH Huy Hoàng thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Từ khi có dịch, công việc cũng vất vả thêm khi các gia đình đều tăng cường quét dọn, vứt bỏ những đồ cũ không cần thiết để phòng, chống dịch nên lượng rác thải tăng cao, chúng tôi càng phải làm thường xuyên hơn để tránh tình trạng ùn ứ. Nhiều lúc nghe về dịch bệnh cũng hoang mang lắm, muốn hạn chế ra ngoài nhưng không đi làm thì rác thải ứ đọng bẩn cả khu phố, rồi nghĩ đến những năm tháng gắn bó với nghề và được công ty tuyên truyền, hỗ trợ các biện pháp phòng tránh… nên tôi bớt lo hơn và tiếp tục công việc.

Cùng chung quan điểm với chị Vinh, anh Phạm Văn Dũng, người có thâm niên 20 năm lái xe chở rác của Công ty TNHH Huy Hoàng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Mặc dù lo lắng về dịch bệnh nhưng do đặc thù công việc nên hằng ngày, tôi vẫn cùng các đồng nghiệp bám địa bàn được giao để thu gom rác thải. Trong lúc làm việc, chúng tôi đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, sử dụng bảo hộ lao động, thường xuyên vệ sinh bằng nước sát khuẩn… để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Thấu hiểu những tiềm ẩn, nguy cơ luôn thường trực đối với công nhân nên thời gian qua, Công ty TNHH Huy Hoàng đã hướng dẫn cụ thể cho người lao động về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Theo đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thông báo các khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh tới từng công nhân. Cùng với đó, công ty cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động, đo thân nhiệt mỗi ngày, hướng dẫn cán bộ công nhân viên giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo găng tay, khẩu trang… trong quá trình lao động. Đặc biệt, công ty còn hỗ trợ trực tiếp 4 hộp sữa và 1 kg thịt lợn/công nhân/tháng nhằm tăng cường sức khỏe cho người lao động. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức xuống địa bàn thăm hỏi; cung cấp khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn, xà phòng…; nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi phát hiện nghi ngờ.

Ông Đinh Trọng Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giữ gìn cho bộ mặt của thành phố luôn sạch đẹp, khang trang. Đồng thời, quyết tâm bảo vệ sức khỏe của mọi công nhân, nhất là trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh như hiện nay.

Trong những ngày trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhiều gia đình đã tăng cường quét dọn vệ sinh nhà cửa, thay thế hoặc loại bỏ những vật dụng không cần thiết. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường thời điểm này tăng nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, thời gian và ca làm việc của công nhân môi trường cũng không thay đổi quá nhiều. Với tinh thần trách nhiệm, những công nhân môi trường vẫn ngày đêm tận tụy với nghề để giữ gìn môi trường. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định… để góp sức cùng cả nước chung tay chống dịch Covid-19.

"Người dân không nên vứt bỏ khẩu trang y tế và rác thải ra lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Điều này ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, gây bất an cho người dân. Bởi lẽ, trường hợp người dân không nhiễm bệnh thì đây là rác thải thông thường nhưng nếu không may nhiễm thì lại là nguồn lây bệnh”.Ông Đinh Trọng Cảnh khuyến cáo.
 
ĐINH THỨC
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.