Chuyện về công việc của những công nhân vệ sinh trong mùa dịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/4/2020 | 11:04:51 Sáng

Do đặc thù công việc, những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, nguy hiểm tới sức khỏe. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 thì càng phải cẩn trọng hơn.

Nỗi lòng người thu gom rác

Nghề thu gom rác rất vất vả, hằng ngày tiếp xúc nhiều nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Rác thải sinh hoạt thì cơ man các loại: thức ăn ôi thiu, thủy tinh vỡ, kim loại sắc nhọn, vật dụng chứa nguồn bệnh, đôi khi là cả những kim tiêm không rõ từ đâu lăn lóc trên đường, buổi tối đi không khéo là đạp trúng… Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những nguy cơ tiềm ẩn lại càng nhiều hơn. Ngày thường, chị N. (người làm công việc thu gom rác tại thành phố Phủ Lý) bắt đầu công việc quen thuộc với chiếc nón, chiếc khẩu trang vải che đủ mặt, đôi găng tay cao su và bộ quần áo bảo hộ lao động. Thế nhưng trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, hành trang đi làm của chị N. có thêm lỉnh kỉnh nhiều thứ đồ. Một chiếc khẩu trang y tế ôm vừa mặt đeo bên trong khẩu trang vải, một chiếc găng tay ni-lông bọc ngoài găng tay cao su, một chai nước súc họng, chai nước rửa tay có cồn… Chị N. trải lòng: "Ngày thường, nhìn thấy chiếc khẩu trang y tế lẫn trong đống rác thải thì thấy bình thường, nhưng vào mùa dịch thế này, chúng tôi ai cũng ái ngại, không biết chúng có lưu chứa mầm bệnh hay không. Hy vọng người dân sau khi sử dụng khẩu trang y tế hãy gói gọn vào túi rác và để đúng nơi quy định, đừng xả ra lòng đường, hè phố để công việc thu gom của chúng tôi đỡ vất vả, nguy hiểm”.


Công nhân vệ sinh công nghiệp thực hiện phun khử khuẩn tại nhà để xe công ty.
Không chỉ trong công việc, giây phút nghỉ ngơi của những người thu gom rác cũng trở nên căng thẳng hơn giữa mùa dịch. Chị L. (một đồng nghiệp của chị N.) chia sẻ: "Thường thì sau vài tiếng thu gom rác trên các tuyến phố, chúng tôi giải lao ở một con phố vắng, tháo nón, tháo khẩu trang, gỡ găng tay, uống ngụm nước, lấy tay quệt mồ hôi trên mặt. Nhưng những thói quen ấy giờ đây khiến chúng tôi "giật mình thon thót”. Qua đi hơn một tháng, bây giờ thì tôi đã quen với việc dùng nước rửa tay có cồn và súc họng mỗi khi giải lao rồi. Lỉnh kỉnh một chút nhưng an toàn cho bản thân và gia đình”.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những công nhân vệ sinh môi trường đều được công ty trang bị tăng cường bổ sung đồ bảo hộ lao động, những kiến thức, kỹ năng, vật dụng phòng dịch cần thiết, cũng như theo dõi sức khỏe thường xuyên...

Tuy nhiên, thấu hiểu trước sự vất vả, nguy hiểm của những người thu gom rác thải, mỗi người dân cần có ý thức hơn nữa trong và sau mùa dịch. Từ việc sử dụng hợp lý khẩu trang y tế, xử lý khẩu trang và những dụng cụ phòng dịch khác sau khi sử dụng… để bảo đảm an toàn cho người thu gom rác và vệ sinh môi trường.

Những công nhân vệ sinh công nghiệp

Theo chân đội ngũ nhân viên của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và nhân lực Thành Đô (thành phố Phủ Lý), chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp, bệnh viện, công sở... trong một ngày làm việc giữa "cơn bão dịch bệnh” mới thấy khối lượng công việc của họ lớn đến mức nào. Được biết, trong mùa dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên sử dụng dịch vụ sát khuẩn, khử trùng môi trường làm việc của các đơn vị vệ sinh công nghiệp chuyên nghiệp, xem đây là một giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Giám đốc công ty, từ đầu mùa dịch tới nay đã có trên 120 doanh nghiệp, cơ quan sử dụng dịch vụ vệ sinh công nghiệp của công ty. Bình thường, nhiều đơn vị cũng sử dụng dịch vụ này nhưng chỉ duy trì 1-2 lần/năm, nhưng thời điểm hiện tại với yêu cầu phun dung dịch sát khuẩn khử trùng 2 lần/tuần nên khối lượng công việc của anh em công nhân trong công ty tăng lên rất lớn, có hôm nhân viên phải làm việc từ sáng đến tối muộn.

Với những công nhân vệ sinh công nghiệp, công việc vệ sinh, khử trùng mang tính chuyên nghiệp, bài bản, hệ thống hơn, việc bảo hộ lao động vì thế cũng chuyên nghiệp hơn. Mỗi công nhân sẽ được trang bị quần áo phòng dịch có mũ trùm, khẩu trang y tế than hoạt tính bốn lớp, găng tay, giày, ủng chuyên dụng. Tại các đơn vị sử dụng dịch vụ vệ sinh công nghiệp, công nhân vệ sinh công nghiệp sẽ thực hiện phun dung dịch khử trùng ở toàn bộ khu vực nhà xe, nhà ăn, văn phòng, xưởng sản xuất, lối đi… Đồng thời thực hiện sát khuẩn bằng dung dịch Cloramin B các vị trí, như: tay nắm cửa, cửa ra vào nhà ăn, nhà vệ sinh… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm dịch bệnh. Sau khi kết thúc công việc, mỗi công nhân đều thực hiện đầy đủ quy trình sát khuẩn đối với cá nhân trước khi ra về, bảo đảm an toàn tối đa trước những nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, định kỳ công ty đều có chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên. Trong mùa dịch Covid-19, công ty còn bổ sung thêm những kỹ năng phòng dịch cho cá nhân cũng như cập nhật diễn biến tình hình của dịch bệnh cho mỗi công nhân để bảo đảm an toàn cho anh em khi phải làm thêm giờ, tăng ca. Ngoài ra, công ty cũng thực hiện nghiêm việc theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của công nhân, kiểm tra thân nhiệt hằng ngày và phun thuốc khử khuẩn tại công ty thường xuyên.

Dịch SARS-CoV-2 đã khiến nhiều người dân lo lắng và với những công nhân vệ sinh cũng không nằm ngoài tâm lý đó. Nhưng do đặc thù công việc, họ phải vượt lên trên nỗi sợ hãi, lo lắng để thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. Dù được công ty chủ quản cung cấp nhiều biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhưng trên hết vẫn cần sự hợp tác tích cực từ mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ý thức và trong từng hành động cụ thể thường ngày.

Theo báo Hà Nam

 

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.