Giữ Thủ đô sạch - góp sức chống dịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2020 | 1:32:00 Chiều

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn ngày đêm miệt mài bám đường để quét dọn, thu gom rác tại các ngõ phố, khu dân cư... Hiểu được rằng, giữ cho Thủ đô luôn sạch sẽ chính là hành động chung tay, góp sức phòng chống dịch, là giải pháp quan trọng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, họ đã vững tâm công tác, bất chấp việc đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao do thường xuyên tiếp xúc với rác thải.

Vượt qua khó khăn, công nhân vệ sinh môi trường nỗ lực giữ sạch đường phố, bảo đảm vệ sinh môi trường trong giai đoạn dịch Covid-19.

Không quản ngại khó khan

Tối 7-4, Hà Nội vẫn đang trong những ngày mưa rét do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh. Chị Đỗ Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ môi trường số 9, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - chi nhánh Ba Đình cùng 8 công nhân khác trong tổ mặc thêm chiếc áo mưa, cần mẫn tới từng ngõ, ngách khu dân cư của phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) thu dọn từng bịch rác thải do người dân mang ra tập kết. Phụ trách địa bàn rộng 1,1km2, cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan lớn như: Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương…, nên công việc của các chị rất vất vả.

"Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, công nhân môi trường đô thị vẫn phải bám đường, bám các ngõ xóm, thu gom hết rác thải sinh hoạt trong ngày. Vì chúng tôi đều hiểu, giữ vệ sinh môi trường là góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Nhiều khi cũng chạnh lòng, song nghĩ tới trách nhiệm với công việc, mọi người lại động viên nhau cùng cố gắng”, chị Hoa chia sẻ.

Trong ánh sáng của ngọn đèn đường buổi tối, theo chân chị Nguyễn Thanh Vân (Tổ môi trường số 8, URENCO - chi nhánh Ba Đình) từ phố Liễu Giai ra đến Vạn Phúc, chứng kiến chị thoăn thoắt lia từng nhát chổi, nhặt từng túi rác người dân bỏ ở rìa đường lên xe đẩy, chúng tôi thầm cảm phục sự cần mẫn của những công nhân môi trường đô thị. Chị Vân tâm sự: "Nghề của công nhân vệ sinh môi trường là vậy, công việc kết thúc khi hết rác chứ không phải hết ca. Những ngày dịch bệnh diễn ra, nhiều nơi người ta còn bỏ cả khẩu trang ở lòng đường, vỉa hè. Chúng tôi phải gom lại để riêng, xử lý như rác thải nguy hại”.

Khi được hỏi, liệu dịch Covid-19 có khiến chị lo lắng về nguy cơ bị nhiễm, chị Vân nói: "Dịch bệnh diễn ra, chúng tôi vất vả hơn, nhất là trong việc bảo đảm an toàn cho mình và gia đình sau mỗi ca lao động. Song do đã được trang bị các kiến thức về cơ chế lây nhiễm bệnh, cách phòng tránh nên anh em công nhân đều yên tâm công tác. Chúng tôi chỉ mong, mỗi người dân cùng chung tay giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Giữ gìn nhà cửa, ngõ phố sạch sẽ là cách thức góp phần ngăn ngừa dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng lây lan”.

Vững vàng tâm lý, chung tay phòng chống dịch

Phụ trách địa bàn phường Kim Liên và phường Phương Mai (quận Đống Đa), nơi có ổ dịch là Bệnh viện Bạch Mai, anh Đặng Đức Hiệp, Tổ môi trường số 7, URENCO - chi nhánh Đống Đa chia sẻ, hoang mang, lo lắng là tâm tư có thật của các anh chị em công nhân trong tổ khi xuất hiện ổ dịch tại khu vực mình làm việc hằng ngày. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ngoài việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, ngõ, phố của 2 phường Phương Mai, Kim Liên, Tổ môi trường số 7 còn đảm trách cả công tác thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày của Bệnh viện Bạch Mai (khoảng 3-4 tấn/ngày) và một số bệnh viện, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. "Chúng tôi được hướng dẫn cách phòng dịch bệnh, cũng như được cấp phát đầy đủ phương tiện phòng hộ bảo đảm như với nhân viên y tế làm việc trong khu vực cách ly, nên rất yên tâm nhận nhiệm vụ"- anh Hiệp cho hay.

Theo anh Hiệp, mặc dù công việc đang làm có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng không phải không có cách phòng, chống. Chỉ cần mỗi công nhân chấp hành nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện đầy đủ công tác bảo hộ thì sẽ bảo đảm an toàn sức khỏe. Để bảo vệ mình và những người xung quanh, anh luôn đeo khẩu trang, găng tay cao su, kính mắt và liên tục rửa tay, xịt khử khuẩn khi làm việc. "Trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, nhiều khẩu trang y tế sử dụng một lần bị vứt ra đường phố không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguồn phát tán, lây nhiễm nhiều loại bệnh tật. Chúng tôi mong người dân hãy sử dụng khẩu trang đúng cách, khi sử dụng xong hãy tìm nơi có thùng rác để vứt bỏ khẩu trang. Đây cũng là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng", anh Hiệp bày tỏ.

Cũng như anh Hiệp, chị Lê Hải Hậu, công nhân Tổ môi trường số 1, URENCO - chi nhánh Ba Đình cũng không khỏi e ngại khi nhớ lại những ngày đầu khi Hà Nội khởi phát ca bệnh thứ 17 tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Là công nhân trực tiếp đi thu gom rác thải tại phố Trúc Bạch, chị Hậu kể: "Chiều tối 6-3, tôi đang làm việc dọc tuyến phố, thì đến 22h nghe tin một phần khu phố bị phong tỏa vì có bệnh nhân Covid-19. Hoang mang là tâm trạng của tôi khi đó, cộng thêm một phần tác động từ gia đình, nói thật là trong đầu tôi đã có ý nghĩ xin nghỉ việc...”. Tuy nhiên, nhờ các đồng nghiệp trong tổ động viên, ban lãnh đạo công ty quan tâm, chia sẻ kịp thời, cũng như được các nhân viên Trung tâm Y tế quận Ba Đình giải thích về cơ chế lây lan, trang bị thêm các kiến thức phòng dịch, chị Hậu đã vượt qua rào cản tâm lý, yên tâm nhận nhiệm vụ. "Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng, nỗ lực, góp một phần công sức vào "cuộc chiến" này. Chúng tôi rất cần một sự chung tay góp sức từ cộng đồng, thiết thực nhất là mọi người đừng xả rác bừa bãi. Mỗi người chịu khó một chút, cùng chung tay góp sức, thì thành phố sẽ sạch đẹp, môi trường được an toàn và công nhân vệ sinh chúng tôi bớt nhọc nhằn, bớt nguy hiểm” - chị Hậu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc URENCO cho biết: "Xác định chỉ một công nhân nhiễm bệnh là cả hệ thống bị ảnh hưởng, nên ở URENCO, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn ở mức cao nhất". Do đó, đơn vị thực hiện tăng cường xe cơ giới hỗ trợ lao động thủ công; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang, găng tay, ủng, nước xúc miệng, nhỏ mắt, dung dịch rửa tay diệt khuẩn..), đồng thời kiểm tra thân nhiệt, trích quỹ phúc lợi mua bảo hiểm bệnh viêm đường hô hấp cấp cho hơn 2.200 công nhân viên...

Việc ngày đêm bám trụ đường phố để quét dọn, thu gom rác đang được các công nhân của URENCO và nhiều công ty vệ sinh môi trường khác miệt mài thực hiện không chỉ là công việc, trách nhiệm của họ mà còn đóng góp hiệu quả vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn Thủ đô.
 
Theo Báo Hà Nội mới
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.