Hơn 900 bãi chôn lấp rác, Việt Nam xử lý cách nào?
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/4/2020 | 10:25:30 Sáng
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT), tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.
Trong hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, ngoài 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Một số bãi rác này hiện đã "đóng cửa”.
Việt Nam có hơn hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Nói về việc hình thành các bãi rác này, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phản ánh: "Người dân vẫn có thói quen vất rác bừa bãi, người này bỏ rác được thì người khác cũng bỏ rác được. Vô hình chung, tạo thành các bãi rác vô chủ. Đây chính là các điểm ô nhiễm tồn lưu”.
Ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện rác chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, với tỷ lệ lên tới 90%. Thậm chí, tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, một số có hệ thống thu gom khí, một số không; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
"Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh”, Tổng cục Môi trường đánh giá.
Để xử lý, cải tạo các bãi rác này, theo Quyết định 807/QĐ-Ttg ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020, một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
"Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa xử lý được các bãi chôn lấp này do thiếu nguồn lực”, ông Nguyễn Thượng Hiền cho hay.
Để xử lý các bãi chôn lấp chất thải, ông Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của tư nhân tham gia xử lý rác ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Để thu hút được các nhà đầu tư, phải có cơ chế chính sách rõ ràng, các ưu đãi cụ thể như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...
Dẫn chứng cho sự thành công cải tạo bãi rác đã "đóng cửa”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin, đã có những mô hình xử lý bãi rác thành mặt bằng sạch để phục vụ cho phát triển, như cải tạo bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) trở thành Khu đô thị Mễ Trì; cải tạo bãi rác thành công viên ở Quảng Ninh hay xử lý bãi rác Soi Nam ở TP. Hải Dương…
Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc xã hội hóa công tác xử lý bãi chôn lấp chất thải đã được luật hóa. Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.