Bình Dương: Xác định nguyên nhân chính gây bọt trắng trên kênh Suối Chợ

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/4/2020 | 9:33:04 Sáng

Đoạn kênh Suối Chợ (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và chất hữu cơ đúng như phản ánh của người dân. Trong đó, mức độ ô nhiễm cao nhất là đoạn qua Khu công nghiệp Đại Đăng và giảm dần về phía hạ nguồn.

Ngày 13/4, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: Theo phản ánh của người dân về việc vào khoảng 22 giờ ngày 8/4, trên kênh thoát nước Suối Chợ, có hiện tượng nổi bọt trắng bất thường sau cơn mưa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm trên kênh. Đồng thời, Sở cử Đội liên ngành kiểm tra một số nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước.

Chú thích ảnh
Ngành chức năng lấy mẫu nước từ kênh Suối Chợ. Ảnh: baobinhduong.vn
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Suối Chợ là kênh thoát nước bắt nguồn từ kênh Tân Vĩnh Hiệp (kênh thoát nước thải và nước mưa của một số khu dân cư và khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ), sau khi chảy qua phường Tân Phước Khánh thì đổ vào suối Cái và chảy ra sông Đồng Nai.

Vào thời điểm khảo sát (từ 8 giờ đến 12 giờ ngày 9/4), trên một số đoạn kênh này có sự chênh lệch độ cao dòng chảy từ Khu công nghiệp Đại Đăng đến cầu Tân Phước Khánh và vẫn còn tình trạng bọt nổi trắng.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy đoạn kênh qua Khu công nghiệp Đại Đăng có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 30,3 mg/l, vượt quy chuẩn 75,7 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 84 mg/l, vượt quy chuẩn 2,8 lần. Đoạn kênh sau đập chắn hồ điều tiết có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 1,44  mg/l, vượt quy chuẩn 3,6 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 44 mg/l, vượt quy chuẩn 1,4 lần. Đoạn kênh khu vực cầu Tân Phước Khánh có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 3,3 mg/l, vượt quy chuẩn 8,23 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 35 mg/l, vượt quy chuẩn 1,1 lần.

Như vậy, đoạn kênh Suối Chợ bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và chất hữu cơ đúng như phản ánh của người dân. Trong đó, mức độ ô nhiễm cao nhất là đoạn qua Khu công nghiệp Đại Đăng và giảm dần về phía hạ nguồn.

Sau khi khảo sát một số nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm, Đội liên ngành của tỉnh Bình Dương đã kiểm tra đột xuất hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đại Đăng và Công ty Cổ phần bột giặt LIX hoạt động trong Khu công nghiệp Đại Đăng.

Công ty bột giặt LIX chuyên sản xuất các sản phẩm tẩy rửa từ năm 2011 tại đường N2, Khu công nghiệp Đại đăng, với công suất thiết kế là 60.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty này đã hoàn chỉnh các hồ sơ về môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 4 năm 2011. Công ty đã xây dựng các công trình xử lý chất thải và được Tổng cục Môi trường xác nhận hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Giấy xác nhận số 59/GXN-TCMT ngày 4 tháng 7 năm 2016.

Tại thời điểm kiểm tra vào lúc 15 giờ ngày 9/4, Công ty bột giặt LIX đang sản xuất nước rửa tay với công suất 150 tấn/ngày, lưu lượng nước thải của công ty khoảng 20 m3/ngày và được thu gom, xử lý qua công trình có công suất thiết kế 80 m3/ngày.

Tuy nhiên, trên đường phía bên trái nhà xưởng sản xuất của công ty có nhiều thùng chứa nguyên liệu sản xuất, trong đó có nguyên liệu là chất hoạt động bề mặt (LAS) và một số thùng đang sử dụng nắp đậy không kín, đồng thời một số hố ga thoát nước mưa có chứa nước lẫn nguyên liệu sản xuất. Theo giải trình của công ty, do tập trung sản xuất chất tẩy rửa và khử trùng nhằm phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19 và để thuận tiện cho việc cấp nguyên liệu vào dây chuyền sản xuất nên công ty sơ suất, để nguyên liệu ngoài trời, không có mái che.

Việc phân tích, đánh giá và dựa trên kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy, Công ty Cổ phần bột giặt LIX để một số nguyên liệu ngoài trời và gặp cơn mưa đột ngột vào tối 8/4 nên một số nguyên liệu trong các thùng chứa đã mở nắp bị nước mưa cuốn trôi vào cống thoát nước mưa và thải ra kênh Tân Vĩnh Hiệp rồi đổ ra kênh Suối Chợ. Đây là nguyên nhân chính gây ra sự ô nhiễm và hiện tượng nước nổi bọt trắng trên kênh Suối Chợ.

Đội liên ngành của tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Công ty bột giặt LIX thực hiện các biện pháp khắc phục là chuyển toàn bộ nguyên liệu để ngoài trời vào trong kho chứa, đồng thời thu gom toàn bộ nước trong các hố ga thoát nước mưa đưa về công trình xử lý nước thải để xử lý. Đến 9 giờ ngày 10/4, công ty đã hoàn thành các biện pháp khắc phục nêu trên.

Ngoài ra, theo kết quả kiểm tra của Đội liên ngành, Khu công nghiệp Đại Đăng cũng góp một phần gây ô nhiễm mặt nước trên kênh Tân Vĩnh Hiệp, kênh thoát nước Suối Chợ.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục lấy mẫu theo dõi đánh giá chất lượng nước trên kênh Tân Vĩnh Hiệp, kênh thoát nước Suối Chợ và hoàn thiện hồ sơ để xử lý các hành vi vi phạm đối với Công ty Cổ phần bột giặt LIX và Khu công nghiệp Đại Đăng theo quy định.

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.