Hạn mặn vẫn đeo bám ĐBSCL

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2020 | 8:51:26 Sáng

Giữa tháng 4, Sóc Trăng là tỉnh thứ 6 công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn, sau các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Tình hình hạn mặn vẫn đang đeo bám người dân ĐBSCL.

Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Theo Bộ NN-PTNT, lưu vực sông Mê Công (2019-2020) ít nước, lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016. Đáng lưu ý là nguồn nước ngọt phục vụ trong sinh hoạt, sản xuất bị thiếu trầm trọng. Có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn mặn. Tại Sóc Trăng có 24.400 hộ thiếu nước ngọt, Bến Tre là 20.000 hộ, Kiên Giang là 11.300 hộ, Trà Vinh là 8.600 hộ, Long An là 7.900 hộ, Bạc Liêu là 3.300 hộ.
Bến Tre là tỉnh bị xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ; trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh, nguồn nước máy trên địa bàn tỉnh bị nhiễm mặn đến 5‰. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, hạn mặn đã làm chết hơn 5.200ha lúa, gần 100ha cây ăn quả, cây giống trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, khoảng 20.000ha cây ăn quả; 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng bị ảnh hưởng.
Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre Đặng Hoàng Lam cho biết, hiện độ mặn tiếp tục giảm, nhưng vẫn còn duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Nguyên nhân chính độ mặn giảm do thủy triều, mưa chỉ giải quyết được lượng nước tưới, trữ nước sinh hoạt. Vừa qua, cơn mưa "vàng” xuất hiện trên diện rộng, trong đó có Bến Tre, đã giúp hàng chục ngàn hécta cây ăn quả đang bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng được giải cứu và người dân tranh thủ lấy nước mưa để sử dụng.
Ngày 26-4, người dân sống tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) cho biết, đầu tháng 4 đến nay, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp sắp cạn, khiến người dân vô cùng lo lắng. Hồ có công suất chứa hơn 800.000m3, đảm bảo nước sinh hoạt cho 200.000 người dân tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi hạn mặn những tháng qua làm cho nước trong hồ dần khô cạn. Do nước cấp từ bên ngoài hồ chứa đã bị nhiễm mặn nên 3 tháng nay hồ không có nguồn nước để bổ sung thêm.
Tại vùng bán đảo Cà Mau, người dân thường sử dụng nước ngầm để sinh hoạt vào mùa khô. Tuy nhiên, có những khu vực không khoan được nước ngầm đã tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân, đa số không chủ động được nguồn nước để sinh hoạt. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước từ những công trình cấp nước tập trung rất thấp (18%), tỷ lệ sử dụng nước từ giếng khoan nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình (74%) và phần còn lại là sử dụng các nguồn khác hoặc không có nước ngọt sinh hoạt (8%).
Mặn sẽ tiếp tục xâm nhập
Thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân đã đồng hành với người dân vùng hạn mặn. Tại các tỉnh chịu nhiều hạn mặn như Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang.. thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương cho biết, đã tiếp nhận hàng ngàn bồn chứa nước, máy lọc nước, can nhựa của nhiều tổ chức, cá nhân; nhiều chuyến xe, tàu chở nước ngọt đến cung cấp miễn phí đã giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như hiện nay. Nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ nay đến ngày 1-5, dòng chảy trên các sông tại vùng ĐBSCL vẫn còn ở mức thấp, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập và kéo dài đến đầu tháng 5. Trong thời gian trên, ở vùng thượng nguồn ĐBSCL, gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, đầu nước tiếp tục thấp, khó khăn bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.
Vùng giữa ĐBSCL, gồm một phần TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên nước ngọt xuất hiện từ 35-45km, sông Hậu 35-45km, sông Vàm Cỏ 90-105km, sông Cái Lớn 55-65km.
Các sông Hàm Luông, Cửa Đại và Cửa Tiểu khả năng lấy nước hạn chế do mặn nền tiếp tục duy trì cao. Các địa phương cần chủ động biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt; tích nước ngay khi có thể để đề phòng mặn tiếp tục cao. Vùng ven biển ĐBSCL, gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang cần chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt, chủ động tích nước trước khi mặn tăng cao hơn.
Những ngày vừa qua, tại ĐBSCL không có mưa hoặc có mưa nhỏ một vài nơi, mực nước phụ thuộc từ thượng nguồn và chu kỳ triều. Mực nước và lưu lượng tại 2 trạm đầu nguồn ĐBSCL (Tân Châu và Châu Đốc) đã giảm đi so với những ngày đầu tháng 4 khoảng 0,2m, lưu lượng giảm khoảng 200m3/s. So với trung bình nhiều năm, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn từ 0,07 - 0,03m… Các địa phương vùng ĐBSCL cần vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này.
Lúng túng chuyển đổi sản xuất
Đối diện với hạn mặn kéo dài, tâm thế của nhiều nông dân tại ĐBSCL vẫn loay hoay với suy nghĩ sẽ làm gì để sống được trên chính mảnh ruộng của ông cha mình. Tại nhiều địa phương, chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là một trong những giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bài toán muôn thuở "nuôi con gì, trồng cây gì?” một lần nữa được đặt ra, nhưng lần này thì khó khăn và khắc nghiệt hơn. Bà Nguyễn Thị Nhiên, ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Vùng này chỉ chuyên canh lúa, trước đây làm được 3 vụ/năm, cũng sống tạm được. Tuy nhiên, khi hạn mặn kéo đến, chúng tôi chới với chẳng biết làm gì. Không còn cách nào, người thì bỏ ruộng hoang, người thì bươn chải lên thành phố làm thuê”.
Hiện nay, tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện các mô hình chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao như: đưa màu xuống chân ruộng, mô hình sản xuất tôm - lúa, xuống giống chịu mặn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng nông dân chủ động, mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất vẫn còn rất ít, đa số vẫn giữ thói quen sản xuất theo phương thức cũ.
Anh Thạch Son (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), một nông dân vừa bị thiệt hại trắng hơn 10.000m2 đất lúa, chia sẻ: "Đã nhiều lần tôi định buông bỏ cây lúa vì thấy làm không có ăn. Nhưng nói thiệt, tôi cũng không biết trồng cây gì bây giờ. Đất đai ở đây chỉ trồng lúa, vườn thì chủ yếu là vườn tạp, không có cây ăn trái gì.
 
Hạn mặn vẫn đeo bám ảnh 1
Hạn mặn làm cạn kiệt nguồn nước nuôi cây ăn trái tại Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TÍN HUY
 
Vai trò định hướng trong chuyển đổi sản xuất của chính quyền và các ngành chức năng địa phương được đặt ra từ lâu, nhưng trên thực tế đã vấp phải không ít khó khăn. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Vũ cho biết, để ứng phó với hạn mặn, ngành nông nghiệp huyện đã kết hợp với chính quyền địa phương các xã để vận động bà con thay thế lúa bằng những cây trồng khác như: nhãn, bưởi, hoa màu... tuy nhiên không mang lại kết quả. Một mặt, vì đây là vùng chuyên canh lúa, người dân đã quen với việc trồng lúa nên rất khó thay đổi sang cây trồng khác; mặt khác, việc định hướng sản xuất chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động, lựa chọn vẫn thuộc về nông dân.
 
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng đầu năm 2020, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông thiếu hụt từ 30%-35% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, ĐBSCL đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Chiều sâu xâm nhập mặn (4g/l) ở các cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3-10km; các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 5-15km.
Bên cạnh đó, tại khu vực này trong tháng 4 và 5-2020 sẽ có tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Cảnh báo tiếp tục ít mưa và khô hạn kéo dài đến giữa tháng 5; xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến cuối tháng 4 và sau đó giảm dần. Dự báo mùa mưa ở khu vực ĐBSCL có khả năng đến muộn, vào khoảng cuối tháng 5.
 
Theo Báo SGGP
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.