Người trồng rau Quảng Ngãi khốn khổ vì xâm nhập mặn

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2020 | 8:56:29 Sáng

Nước mặn xâm nhập sớm hơn so với nhiều năm khiến nhiều diện tích rau ven sông Trà bị nhiễm mặn, hư hỏng phải nhổ bỏ.

Từ đầu năm đến nay, nắng nóng gay gắt tại tỉnh Quảng Ngãi làm mực nước sông xuống quá thấp, nhiều diện tích rau ven sông Trà bị chết khô vì nước mặn xâm nhập. Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Mấy ngày nay, bà Phan Thị Thu Thủy, một người trồng rau ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi tranh thủ ra đồng phá bỏ 2 sào hành lá hơn 1 tháng tuổi để trồng lại các loại hoa màu khác. Bà Thủy xuýt xoa kể, chân ruộng ven sông này mấy năm làm hành lá, mồng tơi, rau cải… năng suất rất cao nhưng năm nay rau màu không phát triển.

"Mấy năm trước phải đến tháng 4, tháng 5 mới có mặn xâm nhập, nhưng năm nay tháng 2 đã có nước mặn vào ruộng. Người trồng rau thiệt hại lớn vì nếu rau không nhiễm mặt bán được từ 5 – 6 triệu đồng, giờ rau nhiễm mặn nên chỉ còn nước vứt bỏ”, bà Thủy cho biết.

quang ngai: xam nhap man den som hon cac nam truoc hinh 1
Hạn mặn đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông dân Quảng Ngãi.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Thành Đàn làm 3 sào rau mồng tơi, cải, hành lá cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Đàn phân trần, để có nước tưới cho diện tích rau trồng, ông đóng 4 cái giếng khoan cả chục triệu đồng. Mỗi lần tưới nước cho rau, nếu thử nước có vị mặn là ông lại khoan giếng vào gần bờ, cách xa sông thêm vài ba mét để tránh nhiễm mặn. Tuy nhiên, sau một thời gian giếng mới vẫn tiếp tục bị nhiễm mặn nên bà con lại thất thu.

"Nước giếng ban đầu có vị chua sau đó độ mặn tăng dần lên. Tất cả các loại rau và bắp đều không phát triển được”, ông Đàn nói.

Theo số liệu quan trắc và thống kê của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, từ tháng 2 – 4/2020, mực nước trên các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân do suy giảm dòng chảy phía thượng nguồn kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên xâm nhập mặn đến sớm hơn các năm trước.

Đặc biệt trên sông Trà tại trạm Trà Khúc và sông Vệ tại trạm An Chỉ mực nước đã xuống ở mức thấp nhất so với chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ từ năm 1997-2019 từ 1,4 - 1,6m. Dự báo từ tháng 5 - 8 năm nay, lượng mưa thấp hơn 30% so với năm ngoái, trong khi đó nền nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C.

Mực nước tại các con sông tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình hình thiếu nước tại một số nơi sẽ diễn ra gay gắt, xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào nội đồng và gay gắt hơn tại hạ du các sông so với cùng kỳ 2019.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong các tháng 2 và 3 vừa qua, mực nước tại sông Trà Khúc thấp hơn trung bình so với nhiều năm khoảng 1,5m. Do mực nước ngọt thấp nên nước mặn gia tăng xâm nhập sâu vào đất liền.

"Theo dự báo năm nay mực nước trên sông Trà Khúc tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm. Trước tình hình như thế, đề nghị bà con nông dân lựa chọn cây trồng nào chịu được mặn, chủ yếu là cây trồng ngắn ngày và trồng trên cao để bộ rễ khỏi ăn sâu trong nước để giảm thiểu do xâm nhập mặn gây ra”, ông Văn lưu ý./.

Theo XUÂN YẾN/VOV

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.