Giải bài toán ùn ứ rác ở Mỹ Đức

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2020 | 10:58:22 Sáng

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Mỹ Đức thường xuyên ùn ứ rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết và trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Giải bài toán ùn ứ rác ở Mỹ Đức - Hànộimới
Hàng nghìn tấn rác thải ùn ứ ở bãi tập kết tạm thời tại xóm Chuôm Mới, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức).
 
Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện Mỹ Đức phát sinh khoảng 90 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) chỉ thu gom, vận chuyển 40-50 tấn rác thải sinh hoạt/ngày; lượng rác còn lại mới dừng ở việc thu gom, vận chuyển về bãi tập kết tại các xã, thị trấn. Do lượng rác lưu cữu nhiều năm không kịp vận chuyển khiến các bãi rác tạm thời này luôn quá tải, ứ đọng hàng chục nghìn tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Có mặt tại bãi rác xóm Chuôm Mới, thôn Thượng (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) vào đầu tháng 5-2020, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rác ùn ứ tại bãi tập kết tràn ra đường đi, xuống cả kênh mương. Ông Phùng Văn Tú ở xóm Chuôm Mới cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là điểm tập kết rác thải tại xóm Chuôm Mới tồn đọng rác quá lâu, một số người dân vứt rác tràn lan ra môi trường. Mỗi khi lượng rác thải tập kết về nhiều, một số người mang xăng đến đốt khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Nhiều người dân hít phải khói từ bãi rác bị tức ngực, khó thở, ho khan…

Tình trạng rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường cũng xảy ra tại các xã: Phúc Lâm, An Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá… Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm Dương Văn Phú khẳng định, rác thường xuyên tồn đọng trong khu dân cư, trong khi theo quy định, cứ 2 ngày công nhân môi trường phải thu gom, vận chuyển rác một lần. Song, thực tế sau 3-4 tuần, đơn vị thu gom mới tới vận chuyển rác đi xử lý. Mỗi lần rác ùn ứ trong khu dân cư, UBND xã đều phải trích kinh phí thuê người vận chuyển…

Về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức thông tin: Năm 2017, UBND huyện Mỹ Đức đã ký hợp đồng với Công ty Minh Quân, theo đó công ty mỗi ngày thu gom, vận chuyển 50 tấn rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, gần một năm qua, hoạt động sản xuất của Công ty Minh Quân trục trặc, người lao động thường xuyên lãn công, ảnh hưởng đến việc thu gom, vận chuyển rác. Bên cạnh đó, lượng rác phát sinh vượt quy định, ùn ứ tại 37 điểm tập kết trên địa bàn càng khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Để tìm hiểu, phóng viên đặt lịch làm việc với đại diện Công ty Minh Quân nhưng không có hồi âm. Trước mắt, theo ông Lê Nghiêm Huấn, Phó Trưởng ban Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức, nhằm hạn chế ô nhiễm, huyện cho xử lý mùi, nước rỉ rác ở các bãi tập kết; sửa chữa, mở rộng diện tích các bãi chôn lấp rác tạm thời. Huyện cũng đã yêu cầu Công ty Minh Quân tăng chuyến vận chuyển rác tại những khu vực tồn đọng nhiều, bãi rác gần khu dân cư và yêu cầu Công ty Minh Quân phối hợp với chính quyền các xã: Tuy Lai, Phúc Lâm thu gom ngay rác thải trên các trục đường, kênh mương…

Bên cạnh đó, UBND huyện Mỹ Đức kiến nghị thành phố cho điều chỉnh hợp đồng tăng khối lượng vận chuyển rác thải từ 50 tấn lên 80 tấn/ngày để giải quyết lượng rác quá tải trên địa bàn. "Mới đây, các đơn vị chức năng của huyện đã tham khảo mô hình lò đốt rác ở huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định), công suất xử lý khoảng 20 tấn/ngày, chi phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng/lò. Nếu được thành phố đồng ý cho triển khai, huyện Mỹ Đức sẽ xây dựng 6 lò. Đây chính là giải pháp hữu hiệu xử lý triệt để lượng rác thải hằng ngày của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện” - ông Lê Nghiêm Huấn đề nghị.
 
Theo HOÀNG VĂN/Báo Hà Nội mới
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.