Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy và các đơn vị liên quan tổ chức buổi lễ phát động chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM. Chương trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết người dân và chuyên gia.
Cần sớm bỏ xe máy quá cũ
Theo ghi nhận tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM, lượng mô tô, xe máy cũ, thải khói ra môi trường là rất nhiều. Việc hứng phải khí thải của những phương tiện này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân.
Chị Võ Cẩm Nhung (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ: "Chạy sau những chiếc xe máy cũ kỹ, xả khói đen kịt là ám ảnh của tôi mỗi khi ra đường. Có người chạy chiếc xe máy cũ tới mức không nhận biết được hiệu xe rồi xả khói bay đầy mặt người đi đường”.
Chị Nhung cho rằng việc kiểm tra khí thải xe máy cũ là đúng và rất cần thiết. Những loại xe này nên được kiểm tra định kỳ. Nếu xe nào không đủ tiêu chuẩn thì yêu cầu phải bảo trì, những xe quá cũ nát thì không cho phép lưu thông. Có như thế tình hình ô nhiễm không khí mới cải thiện được.
Đồng quan điểm, anh Phan Thanh Minh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng việc kiểm tra khí thải tất
cả xe máy bước đầu có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn do lượng xe máy hiện nay quá nhiều. Nhiều gia đình chỉ có hai người nhưng đến ba xe máy.
"Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu cơ quan chức năng có quyết tâm và người dân chúng tôi cũng sẽ hoàn toàn ủng hộ. Việc gây ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân nên cần có quy định cụ thể để kiểm soát việc này” - anh Minh nói.
Những xe máy đã qua năm năm sử dụng được khuyến khích đi kiểm tra khí thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: THU TRINH
Vận động người dân tự nguyện tham gia
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc GTVT TP.HCM, chương trình kiểm tra khí thải xe máy là chương trình hoàn toàn dựa trên sự tự giác của người dân. Hiện tại chưa đặt ra vấn đề kiểm tra, kiểm soát mà dựa vào sự hưởng ứng của nhân dân đối với chủ trương của TP.
"Tôi nghĩ phải có sự bắt đầu mới có những bước đi tiếp theo. Mong muốn chất lượng không khí của chúng ta ngày càng tốt hơn, đời sống nhân dân sẽ tốt hơn như những quốc gia xung quanh chúng ta đã đạt được” - ông An nói.
Cũng theo ông An, mục tiêu của chương trình nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP. Đồng thời, khảo sát và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải của mô tô, xe máy tới người dân, các tổ chức có liên quan.
Một trong những mục tiêu khác nữa là xây dựng và đề ra các giải pháp, chính sách để thí điểm kiểm soát khí thải của những loại xe này khi tham gia giao thông trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy, trách nhiệm và quyền lợi của người dân khi tham gia chương trình.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam: Chương trình kiểm tra khí thải xe máy là sự nỗ lực nhằm nâng cao ý thức của những người sử dụng mô tô, xe máy. Rõ ràng điều này sẽ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí trong TP.
Cũng theo ông Minh, thời điểm hiện tại chưa có quy định về pháp luật cụ thể trong vấn đề kiểm soát khí thải xe máy. TP.HCM cũng đang đánh giá về tác động, trước mắt chúng ta phải hoàn thiện thể chế, có giải pháp tuyên truyền để người dân biết được lợi ích của chương trình này.
Liên quan vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết việc kiểm soát khí thải xe máy đúng là rất cần thiết. Nguyên nhân là vì hiện nay khí thải ở Việt Nam được xác định là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường.
"Việc kiểm soát thời gian đầu có thể sẽ gặp phải những khó khăn nên chúng ta cần kiên quyết thực hiện. Ban đầu chúng ta sẽ ra thông điệp để người dân biết. Sau đó có thể dùng những logo hay tem kiểm định để phân biệt là xe nào đã được kiểm định đạt quy chuẩn. Đối với những xe không đạt chuẩn có thể phạt” - ông Tùng góp ý.
Hai nguồn phát thải trong không khí
Theo đại diện Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay tình hình không khí có hai nguồn thải chính là từ các hoạt động công nghiệp và giao thông. Trong đó, phần lớn khí thải công nghiệp đã được kiểm soát nhờ các hệ thống xử lý. Do đó, khí thải hiện nay đa số từ các hoạt động giao thông. Đó là lý do chương trình này được TP phát động để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Sở TN&MT sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng Sở GTVT để thực hiện chương trình này.
Cần thời gian và phương pháp tuyên truyền
Hiện nay pháp luật chưa có văn bản hạn chế những loại phương tiện như mô tô, xe máy về mặt thời hạn sử dụng và chất lượng, mức độ khí thải. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải quan tâm để có thể hạn chế mức độ ô nhiễm do khí thải của các loại phương tiện này gây ra.
Việc thí điểm kiểm tra khí thải xe máy theo tôi là cần thiết. Về lâu dài, cần phải kiểm soát lượng khí thải đối với mô tô, xe máy thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật và cần phải được luật hóa. Có thể ban đầu khi đưa ra những quy định này thì người dân sẽ có phản ứng nhưng về lâu dài họ sẽ dần thích ứng với quy định mới.
Cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm trước đây, ban đầu thì đa số phản ứng nhưng khi tuyên truyền đến lúc người dân nhận thức đầy đủ tác dụng của nó thì lại tự nguyện chấp hành. Hiện nay việc điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm là việc "không bình thường”. Chính vì thế, để biến cái "không bình thường” thành "bình thường” phải có thời gian và những phương pháp tuyên truyền phù hợp.
Tôi nghĩ sau khi thí điểm thành công, điều chỉnh những hạn chế thì cần phải triển khai trên diện rộng và đưa vào thành một trong những tiêu chuẩn để xe đủ điều kiện lưu thông.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Theo NGUYỄN CHÂU/PLO