Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động
- Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2020 | 11:11:31 Sáng
Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Tính đến nay, đã tiếp nhận và xử lý 78 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố qua đường dây nóng của Tổng cục môi trường.
Bên cạnh đó, các chương trình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc nội dung Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020; các nhiệm vụ thuộc Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; xây dựng và triển khai đề án Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án Thu gom, xử lý chất thải nguy hại Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo cũng được triển khai thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay đã vận hành có hiệu quả 11 trạm quan trắc tự động không khí và 01 xe quan trắc không khí lưu động, 06 trạm quan trắc nước mặt tự động để nhân dân và các cơ quan truyền thông theo dõi chất lượng không khí hằng ngày, kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Đồng thời tiếp tục đầu tư dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố.
Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình phân loại và thu gom rác thải nhựa; tổ chức tuyên truyền các sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân; tổ chức hội thảo chuyên đề về môi trường; triển khai chiến dịch về hạn chế đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố,...Hà Nội đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như phối hợp với Ngân hàng Thế giới thống nhất kế hoạch tiến hành nghiên cứu, kiểm kê và xác định các nguồn thải; phối hợp với tổ chức GIZ rà soát và triển khai các hoạt động về tuyên truyền, đề xuất mô hình đánh giá hiện trạng không khí cho thành phố Hà Nội; phối hợp với tổ chức ICLEI và các đơn vị có liên quan tổ chức tham vấn cộng đồng, tạo kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí và môi trường Thành phố; phối hợp với Tổ chức C40 cập nhật, xây dựng khung Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu lần thứ 3.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp và làng nghề; quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng đề án xử lý môi trường nước sông, hồ; đề xuất các giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để triển khai các chương trình hiệu quả, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường thành phố.
Đồng thời triển khai hiệu quả Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020; tiếp tục hoàn thiện chỉnh sửa bổ sung các nội dung của "Đề án thu gom xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” trình Thành phố trong năm 2020; triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tham mưu UBND Thành phố.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.