Vận động thực hiện tuyến đường không rác

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2020 | 9:12:05 Sáng

Dọc hai bên đường Tân Thới Nhì 8 (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM) xen lẫn với nhiều khu đất trống, cỏ mọc um tùm là những ngôi nhà mới khang trang. Ở góc đường Tân Thới Nhì 8 và Tân Thới Nhì 17 có một tấm bảng đỏ rất lớn xây dựng kiên cố, ghi rõ: “Tuyến đường không rác”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thế nhưng, chỉ đi vào hơn chục mét đã nghe mùi xú uế bay trong gió rất khó chịu. Một bãi rác trải dài, bịch ni lông nhựa đủ màu, cây khô chất đống, xà bần lổn ngổn, có cả mấy bộ sa lông cũ vứt chỏng chơ. Cuối đường là một bãi đất trống, mùi xú uế càng nặng nề hơn. Hơn 10 giờ sáng, nắng gay gắt, hàng chục xe rác dân lập chạy ra chạy vào liên tục. Một số xe rác dân lập dừng lại ở bãi đất trống đó để lựa bịch ni lông, bình nhựa, vỏ lon bia…, chất đống ở hai bên đường. Cách đó không xa là bô rác có chiều cao 6m. Trời trưa nắng như đổ lửa, xe rác đang nổ máy ầm ĩ. Rác chất đống, khói bụi mịt mù, mùi xú uế càng nồng nặc hơn…
Ông Phạm Trọng Triệu (chủ căn nhà 55/6T ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, ở sát vách bô rác) cho biết: "Bô rác này đã tồn tại nhiều năm nay rồi. Khi xưa khu vực này là bãi đất trống, rất ít nhà cửa, nay đã thành khu dân cư nên lẽ ra bô rác không thể tồn tại. Bà con sinh sống ở khu vực này quá khổ sở với ô nhiễm môi trường. Ruồi, muỗi, chuột bọ… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cư dân. Người lớn còn chịu không nổi huống chi mấy cháu thiếu nhi. Các cửa nhà tôi đều phải bọc lưới ngăn ruồi muỗi và luôn phải đóng kín để bớt mùi hôi. Mỗi chiều, những người lấy rác dân lập còn đốt mấy bộ ghế để lấy sắt. Khói bụi, mùi rác và mùi nhựa cháy vô cùng ngột ngạt, ô nhiễm”. Không cuộc họp tổ dân phố nào cư dân ấp Dân Thắng không nhắc đến chuyện bô rác ô nhiễm. Thậm chí tại các cuộc đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, người dân địa phương cũng luôn kiến nghị di dời bô rác.
Bà Đỗ Thị Phương Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, cho biết: "Chính quyền địa phương rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm và hiểu tình cảnh của người dân ấp Dân Thắng, nên đã chọn tuyến đường Tân Thới Nhì 8 làm "Tuyến đường không rác” để tập trung giải quyết. Tuy nhiên chưa có chuyển biến rõ. Dù có niêm yết ghi rõ mức xử phạt rất cao đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, nhưng một số người vẫn lén lút vứt rác ra đường. Chúng tôi sẽ cho dọn dẹp bãi rác trong thời gian sớm nhất. Nay khu vực đó đã được quy hoạch là khu dân cư thì bô rác không thể tồn tại. Chuyện di dời bô rác, UBND huyện Hóc Môn đã có chủ trương. Chúng tôi cũng đã tham mưu với lãnh đạo huyện chủ động tìm đất trống để di dời. Khu vực sẽ trở thành khu văn hóa thể thao và vị trí bô rác hiện hữu cũng đã quy hoạch sẽ xây dựng trường học”.
Để khu văn hóa thể thao thành hiện thực, trước mắt cần tổ chức tuần tra ngăn chặn và xử phạt việc vứt rác bừa bãi, xử lý bớt mùi tại bô rác, nghiêm cấm việc các nhân viên xe rác dân lập đốt rác để lấy phế liệu.
Theo Đoàn Hiệp/SGGP
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.