Quảng Nam đối mặt với vấn nạn rác thải
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 2:30:15 Chiều
Nhiều khu vực trong đó có những điểm đến du lịch ở Quảng Nam đang rơi vào tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Cảnh rác thải ngập ngụa, “bức tử” môi trường khiến người dân bức xúc.
Rác thải tấp vào ven bãi biển thôn Thuận An xã đảo Tam Hải
Vì thế tỉnh này đã vừa phê duyệt đề án với kinh phí dự kiến lên đến 1.079,984 tỉ đồng để quản lý chất thải rắn trên địa bàn giai đoạn 2026-2030.
Rác thải ngập ngụa xã đảo, cảng cá
Tại bãi biển thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành), nơi được mệnh danh là "đảo ngọc” của Quảng Nam, cảnh rác thải ngập ngụa kéo dài hàng cây số ven bãi biển khiến người dân, du khách ngao ngán. Người dân ở đây ví von bờ biển thôn như bãi tập kết rác thải vì khu vực này nằm ở hạ nguồn sông Trường Giang, rác trôi theo con nước, cộng với một phần lớn lượng rác thải trôi từ ngoài biển dạt tấp vào bờ lâu ngày ùn ứ, chất đống.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng rác thải tấp vào ngày càng nhiều với đủ loại rác thải nhựa, nilon, chất thải rắn… bốc mùi hôi nồng nặc. Thời điểm này mọi năm rất đông khách đến tham quan, tắm biển nhưng nay du khách cũng ngán ngẩm, thưa vắng vì cảnh tượng nhếch nhác. Chính quyền xã Tam Hải cho biết cũng đang nỗ lực huy động nhiều lực lượng, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức tham gia thu gom rác, tổng dọn vệ sinh tại những khu vực danh thắng, điểm đến trên đảo như Bàn Than, Hòn Dứa… Tuy nhiên, do lượng rác thải từ nhiều nơi liên tục vào bờ nên thu gom không nổi, chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường, đe dọa nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Tại cảng cá An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên gần chục năm nay đã tồn tại cảnh hàng tấn rác thải ngập tràn, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm không khí, môi trường vòng ven tuyến bờ kè An Lương. Tình trạng này ngày càng trầm trọng. Lượng rác từ thượng nguồn sông Thu Bồn xuôi theo dòng nước về hạ nguồn, cộng với lượng rác thải do hoạt động của cảng cá, chợ cá thải ra tấp vào cảng, kéo dài cả tuyến bờ kè dài hơn cây số khiến cảng cá này lúc nào cũng ngập nguạ, lềnh bềnh rác thải đủ loại giăng từ bờ kè xuống đến dòng nước. Chưa kể, do nơi đây là cảng cá lớn nhất, nhì ở Quảng Nam nên mùi đặc trưng của hoạt động buôn bán, phơi phóng hải sản, hòa với mùi hôi thối của rác thải khiến môi trường nơi đây lúc nào cũng như " đặc quánh” vì ô nhiễm.
Chủ tịch UBND xã Duy Hải ông Nguyễn Văn Thống cho biết, hiện nay công nhân môi trường chỉ thu gom rác thải được tập kết cố định ven các tuyến đường dân sinh. Với rác thải dưới cảng cá, ven tuyến bờ kè An Lương thì địa phương thỉnh thoảng thuê người thu gom đưa đi xử lý. Tuy nhiên lượng rác thải đổ về nơi đây quá nhiều nên khó lòng mà giải quyết triệt để, dứt điểm. Không chỉ ở An Lương, Tam Hải, tại một số nơi ở Quảng Nam, thời gian qua Văn Hóa cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Dẫn đến sự việc người dân bức xúc đã đặt barie, dựng lều canh giữ, chặn không cho xe chở rác vào một số bãi rác quá tải, phản đối không cho xây dựng lò đốt rác thải vì lo ngại ô nhiễm,…..
Tăng cường xử lý "khủng hoảng” rác thải
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt đề án với kinh phí dự kiến 1.079,984 tỉ đồng để quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030, quy hoạch vị trí 29 khu xử lý CTR tại 17 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích dự kiến là 169,78 ha. Trong đó lưu ý quan điểm CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng. Phù hợp với các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng đất.
Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR… Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2022 mỗi huyện, thị và thành phố phải hình thành mặt bằng sạch ít nhất 1 khu xử lý CTR tập trung để xử lý chất thải trên địa bàn. Tỉnh này cũng triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Nhiều giải pháp, hoạt động phù hợp với thực tiễn mỗi địa phương cũng được triển khai để phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải nhựa.
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.