Thái Nguyên giải quyết ô nhiễm môi trường tại thành phố Sông Công

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2020 | 10:58:32 Sáng

Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên lấy mẫu đột xuất các nguồn thải tại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhiều tháng gần đây, người dân thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc hoạt động của các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp Sông Công 1 phường Bách Quang và các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn phường Cải Đan, thành phố Sông Công chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.

Qua theo dõi, rà soát, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Khu công nghiệp Sông Công 1 hiện có 48 đơn vị sản xuất kinh doanh đang hoạt động, trong số đó có 12 cơ sở thuộc lĩnh vực luyện kim là các nguồn phát sinh khói bụi chủ yếu ra môi trường, ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh.

Tại địa bàn phường Cải Đan, thành phố Sông Công có các doanh nghiệp như Công ty Shinwon, Công ty Doosun, Công ty Narime, Công ty Lửa Việt Bestref, Công ty Kinh doanh Nông nghiệp Quốc tế... có một số thời điểm phát sinh tiếng ồn, mùi sơn khó chịu, mùi khói lò hơi gây ô nhiễm môi trường.


Một góc Khu công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
Trước những kiến nghị của người dân, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tăng cường việc theo dõi kiểm tra giám sát nhằm hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban Nhân dân tỉnh như Công ty Shinwon và 12 doanh nghiệp luyện kim trong Khu công nghiệp Sông Công 1, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã tập trung kiểm tra giám sát, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra gồm kiểm tra định kỳ theo kế hoạch kết hợp kiểm tra lấy mẫu đột xuất tại nguồn thải nhằm đánh giá mức độ phát thải của các đơn vị để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra, lấy mẫu đột xuất tại chín đơn vị kiến nghị xử phạt ba đơn vị với tổng số tiền 470 triệu đồng và có văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát ô nhiễm.

Từ tháng 1/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên tiếp tục tổ chức lấy mẫu khí thải đột xuất tại các doanh nghiệp này. Kết quả kiểm tra và kết quả phân tích mẫu khí cho thấy, phần lớn các đơn vị luyện kim trong Khu công nghiệp Sông Công 1 và Công ty Shinwon đã có quan tâm đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý khói bụi, khí thải ra môi trường tại thời điểm kiểm tra đạt tiêu chuẩn cho phép; có một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Sông Công 1 phát hiện nồng độ bụi trong khí thải vượt tiêu chuẩn. Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đang xem xét giải quyết đối với doanh nghiệp này.

Đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố như Công ty Doosun, Công ty Narime, Công ty Lửa việt Bestref, Công ty kinh doanh nông nghiệp Quốc tế..., Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Sông Công kiểm tra thực tế, hướng dẫn và đôn đốc khắc phục các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hiện tại, các đơn vị này đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo khi tiến hành sản xuất không để phát sinh các vấn đề ảnh hưởng môi trường cho cư dân sinh sống tại khu vực lân cận nhà máy.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, cho biết Sở tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức lấy mẫu đột xuất các nguồn thải tại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các hành vi đổ thải, xả thải trái phép.

Sở công bố công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấm hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở tái phạm nhiều lần hành vi vi phạm về môi trường./.

Theo TTXVN

 

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.