Rùng mình với cảnh tưới rau bằng nước thải đen ngòm ở Bắc Ninh

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/7/2020 | 3:16:42 Chiều

Người dân làng rau Hòa Đình (P.Võ Cường, TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh) sử dụng nguồn nước thải công nghiệp ô nhiễm của làng giấy Phong Khê để tưới rau màu, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những ngày qua, báo chí phản ánh về tình trạng người dân làng rau Hòa Đình (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng nguồn nước thải công nghiệp ô nhiễm của làng giấy Phong Khê để tưới rau màu, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Từ nhiều năm qua, khu phố Hòa Đình, phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) được biết đến là khu vực chuyên trồng các loại rau xanh, hoa màu để cung cấp cho các chợ đầu mối ở trong vùng và các tỉnh, thành lân cận, trong đó có thủ đô Hà Nội.


Người dân làng rau Hòa Đình (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng nguồn nước thải công nghiệp ô nhiễm của làng giấy Phong Khê để tưới rau màu. Ảnh: Báo Dân trí.
 Được biết, toàn khu Hòa Đình có gần 300 hộ chuyên trồng rau và hoa màu với tổng diện tích hơn 32ha. Người dân thực hiện trồng xen kẽ rau, củ, quả quanh năm với đủ loại khác nhau như: Cà rốt, su hào, bắp cải, hành tây, cà chua, bí xanh, các loại rau gia vị…

Chia sẻ với báo Dân trí, các hộ dân khu Hòa Đình cho biết, dòng nước xung quanh các kênh mương ở đây bị ô nhiễm từ lúc đô thị hóa phát triển.

Họ cho biết, chục năm qua, nhiều dự án công trình mọc lên khiến ao, hồ trữ nước bị thu hẹp dần, nước tưới tiêu phải lấy từ các kênh mương. Thế nhưng nguồn nước này lại càng ngày càng đổi màu đen ngòm, bọt trắng xóa.

Người dân cho rằng: Nguồn nước bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại không qua xử lý của làng nghề giấy Phong Khê; nước thải được xả thẳng ra dòng sông Ngũ Huyện Khê ngay cạnh khu Hòa Đình, sau đó chảy tràn vào các hệ thống kênh mương thủy lợi của bà con nơi đây.

Theo người dân, một trong những nguyên nhân khiến họ phải dùng nước thải ô nhiễm để tưới rau là do dự án của tỉnh chồng chéo vào vùng trồng rau màu của bà con, dẫn đến các ao, hồ, mương máng tưới tiêu bị thu hẹp lại khiến lượng nước trữ để tưới tiêu cho rau màu bị cạn kiệt.

Tuy biết nguồn nước không đảm bảo nhưng người dân ở Hòa Đình vẫn phải lấy nguồn nước này để tưới tiêu cho rau màu mỗi ngày. "Nguồn nước này bị ô nhiễm từ lâu rồi nhưng chúng tôi bất đắc dĩ, chẳng còn nguồn nào khác. Rau không có nước thì chết khô chết héo, mà chúng tôi không trồng rau thì cũng chết đói", một người dân cho hay.


Người dân cho biết, nguồn nước này bị ô nhiễm từ lâu rồi nhưng chúng tôi bất đắc dĩ, chẳng còn nguồn nào khác. Ảnh: Báo Dân trí.
 Đều đặn mỗi ngày, người dân lại dùng chính nguồn nước đen ngòm, ngập bọt trắng mà họ cho rằng "ô nhiễm nghiêm trọng" để tưới rau. Trong đó có nhiều loại rau sống như xà lách, húng, rau mùi, hành lá… Mỗi ngày khoảng 10 tấn rau, củ quả các loại được người dân thu hoạch và xuất bán đến các chợ đầu mối trong tỉnh Bắc Ninh và tỉnh thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với VTCNews, ông Trịnh Xuân Nhàn, Trưởng phòng Kinh tế (UBND TP Bắc Ninh) cho biết, trước đây Phòng Kinh tế tham mưu cho thành phố triển khai một dự án 25 ha rau an toàn tại khu Hòa Đình.

Trong khoảng 2 năm đầu triển khai, hạ tầng của dự án được xây dựng tương đối cơ bản (hệ thống giếng khoan, đường bê tông, đường điện 0,4 hạ thế, nhiều nhà lưới) để phục vụ vùng rau.

Tuy nhiên, khi việc triển khai xây dựng thương hiệu rau chuẩn bị hoàn thành thì UBND thành phố có quyết định cho dừng triển khai dự án rau và chuyển đổi mục đích vùng này thành dự án đất dịch vụ thương mại quy mô khoảng 50 ha (trong đó có 25 ha của khu Hòa Đình và 25 ha của phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh) do Tập đoàn Dabaco làm chủ đầu tư.

Thế nhưng, dự án đất dịch vụ thương mại này lại bị vướng mắc lớn khi triển khai do người dân khu vực không đồng thuận, ủng hộ nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn… Do vậy, dù được quy hoạch từ nhiều năm trước nhưng hiện nay dự án của Tập đoàn Dabaco vẫn đang "giậm chân tại chỗ”.

Ông Nhàn cũng cho biết, theo đúng quy hoạch thì khu vực trồng rau Hòa Đình đã được chuyển đổi mục đích, nên khi đầu tư vào vùng này thành phố cũng phải hạn chế làm sao cho hiệu quả, vừa để phuc vụ vùng rau vừa không lãng phí. Thành phố cũng đang tính cải tạo một số trạm bơm và đưa một số giếng khoan vào phục vụ việc tưới vùng rau này.

"Sau này khu đất chuyển đổi thành đô thị thì sẽ phải bỏ nên chúng tôi phải tính bài toán hiệu quả kinh tế, sẽ không thể đầu tư ngân sách lớn mà chỉ mang tính chất đầu tư trước mắt cho bà con, làm sao để vùng rau Hòa Đình vẫn tồn tại và hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng nước ô nhiễm chảy từ Phong Khê sang thì tỉnh đã có dự án làm kênh tiêu T2 chảy qua địa bàn này và quan tâm đến vấn đề xử lý nước ở kênh này để phục vụ tưới rau cho vùng Hòa Đình.

Trên cơ sở này, nguồn nước sẽ được xử lý và thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp 2 trạm bơm cục bộ để lấy nước tưới phục vụ bà con. Trên vùng rau này chúng tôi có 2 cái giếng khoan rất lớn đã khoan từ nhiều năm nay và sẽ đầu tư hệ thống tưới vào đấy, rau được tưới bằng giếng khoan sẽ đảm bảo và tránh được nước ô nhiễm”, ông Trịnh Xuân Nhàn nhấn mạnh.

Theo chia sẻ từ phía UBND huyện, việc đầu tư xử lý nước thải ô nhiễm và mương máng thủy lợi phục vụ nông nghiệp cho bà con nếu thực hiện sẽ gặp khó vì chồng chéo vào các dự án xây dựng tái định cư đã được thành phố và tỉnh quy hoạch. Trước thực trạng như vậy, biện pháp trước mắt chính quyền địa phương cũng chỉ biết động viên bà con nông dân cố gắng tận dụng nước tự nhiên và nước giếng khoan để tưới tiêu cho rau màu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có những quy chuẩn về nước thải sinh hoạt phù hợp cho mục đích tưới tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Môi trường nông nghiệp, việc kiểm định nước thải để tái sử dụng tại nhiều nơi vẫn là tự phát mà không có bất kỳ sự kiểm định nào khi sử dụng.

Chia sẻ với VTV, PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, "Người dân không nên sử dụng nếu như không biết chất lượng nước như thế nào, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà cả cộng đồng, những người mua rau của họ".

Sau khi nhận được phản ánh, UBND TP Bắc Ninh cùng Chi Cục quản lý An toàn thực phẩm Bắc Ninh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước và sẽ sớm có kết quả trong tuần sau, đồng thời gấp rút lên phương án cải tạo một số trạm bơm và đưa một số giếng khoan vào phục vụ việc tưới vùng rau này.

P.V (tổng hợp)

 

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.