Ninh Thuận: Rác thải chưa được thu gom, xử lý gây ô nhiễm môi trường biển
- Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2020 | 4:37:05 Chiều
Trên đường ra bãi rạn san hô ở biển Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, du khách không khỏi ngán ngẩm khi thấy bãi rác gồm các vật dụng sinh hoạt nằm trải dài trên doi cát rộng cả trăm mét.
Rác thải tại khu vực ven biển huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tại Ninh Thuận, tình trạng rác thải chưa được thu gom, xử lý dẫn tới ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi biển ven bờ, gần khu dân cư đang gây mất mỹ quan, ô nhiễm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Những ngày này, trên đường ra khu vực bãi rạn san hô ở khu vực biển Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, du khách không khỏi ngán ngẩm khi thấy bãi rác gồm các vật dụng sinh hoạt, túi ni lông, chai lọ, các loại rác khó phân hủy nằm trải dài trên doi cát rộng cả trăm mét.
Ông Trần Văn Tuyến, ngư dân địa phương cho biết: Do một số người thiếu ý thức nên vẫn xả rác xuống bờ kè, gặp gió thổi mạnh rác bay tứ tung xuống nước kết hợp với sóng đưa rác từ ngoài biển vào nên lâu ngày rác đọng lại, ken dày thành từng mảng lớn. Trên bờ kè, chính quyền cũng có cắm biển cấm đổ rác, đặt thùng chứa rác song tình trạng xả rác bừa bãi vẫn không giảm.
Cách khu vực biển Đông Hải khoảng 1 km là bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ, dù bãi tắm này được quy hoạch thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, hàng ngày có công ty tổ chức thu gom rác thải song bãi biển vẫn không hiếm cảnh vứt rác, thức ăn, đồ uống trên bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường biển.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh, du khách từ ĐăkNông cùng gia đình tắm biển Bình Sơn bày tỏ lo lắng: Mùa hè mọi người đi tắm biển rất đông nhưng mình tắm trong này thì phía ngoài kia có hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản đang bao vây khu vực tắm.
Các loại rác thải khó phân hủy tràn ngập ở khu vực biển phường Đông Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Lượng thức ăn dư thừa của tôm, cá, rác và chất thải sinh hoạt của lao động trên bè xả xuống biển, theo sóng đánh xô vào bờ có thể gây bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, rất mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý để bảo vệ môi trường biển, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
Tương tự, tại các địa phương ven biển khác như Mỹ Tân, khu vực chợ Nại (huyện Ninh Hải), phường Đông Hải, phường Mỹ Đông (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), xã Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam) do hoạt động sản xuất, chế biến thủy, hải sản, sản xuất nước đá, cộng với nước thải, rác thải rắn như thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng, vật dụng sinh hoạt của ngư dân thải ra khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm rác thải khu dân cư, các địa phương ven biển ở Ninh Thuận đã diễn ra trong nhiều năm. Khi các cơ quan truyền thông phản ánh thông tin, chính quyền địa phương có huy động lực lượng ra quân tuyên truyền, tổ chức thu gom rác thải song cũng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, sau đó tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tiếp diễn.
Thiết nghĩ, để bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Thuận cần có biện pháp xử lý hữu hiệu hơn như: Tăng cường nhân lực, xe thu gom rác, cắm biển cấm đổ rác, ký cam kết không đổ rác bừa bãi tại các "điểm nóng” về ô nhiễm rác thải hiện nay để bảo vệ môi trường sống, trả lại mỹ quan du lịch.
Về lâu dài, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, du khách, chính quyền địa phương cần có cách quản lý, tăng cường kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường./.
Nguyễn Thành/TTXVN
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.