Trách nhiệm xử lý rác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2020 | 11:24:51 Sáng

Người dân Hà Nội vừa phải trải qua một tuần ngột ngạt không chỉ vì đỉnh điểm của đợt nắng nóng mà còn bị cộng hưởng bởi những núi rác ùn ứ ở nhiều khu dân cư, đường phố bốc mùi hôi thối.

trach nhiem xu ly rac
Không chỉ ở đô thị, nhiều vùng ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, việc thu gom rác gặp nhiều khó khăn.
Rác ùn ứ khắp Thủ đô trong vài ngày liền. Câu chuyện đã nhiều lần lặp đi lặp lại, nay chưa ai dám khẳng định tình trạng này không còn tái diễn!

Vụ việc gì cũng cần đi tìm tận cùng các nguyên nhân, khi nguyên nhân chưa tìm ra thỏa đáng thì nguy cơ tái phát vẫn tiềm ẩn.

Việc xử lý rác là vấn đề lớn của bất cứ đô thị nào trên toàn thế giới. Xã hội phát triển, đô thị ngày càng mở rộng, dân cư ngày càng tăng thì lượng rác đô thị cần xử lý ngày càng lớn. Rác là thứ vô tri vô giác, nên việc xử lý chỉ có thể là con người, những người gây nên sự ùn ứ rác.

Trực diện cho thấy, việc ùn ứ rác là do người dân ở gần bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chặn đường không cho những xe chở rác vào bãi đổ. Những người này có cần bị xử lý? Để trả lời câu hỏi này cần phải tìm hiểu kỹ: vì sao họ phải phản đối như vậy? Thực tế là, bãi rác Nam Sơn thường xuyên bốc mùi hôi thối đến các khu dân cư xung quanh. Bãi rác đã gây ra những đợt bùng phát ruồi trong nhà dân quanh khu vực. Rồi đó là hiện tượng nước rác ô nhiễm rò rỉ chảy ra các kênh rạch xung quanh. Hơn nữa, một số hộ dân cho rằng gần đây bãi rác hiện đã tiến sát khu nhà dân, chỉ còn khoảng cách khoảng 100 mét, trong khi quy định về quy hoạch bãi rác cần vùng đệm có khoảng cách 500 mét với cây xanh, mặt nước. Những ảnh hưởng âm thầm về mặt sức khỏe là chưa thể đo đếm được. Đặc biệt, việc di dân trong khu vực bị ảnh hưởng ra các khu vực tái định cư thực hiện rất chậm, người dân muốn đi thì chưa được, ở lại thì luôn trong tình trạng tâm lý thấp thỏm về sinh hoạt và kinh doanh... Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy, người dân "cực chẳng đã” mới phải bỏ công ăn việc làm căng lều ra đường chặn xe rác. Dù đây là điều không khuyến khích vì nó dễ bị một số đối tượng lợi dụng để gây mất trật tự an ninh, nhưng những gì người dân đang phải trải qua thì việc họ làm là điều dễ hiểu.

Nhìn thẳng thực tế, tình trạng ùn ứ rác ở nội thành Thủ đô, tình trạng người dân quanh bãi rác Nam Sơn phải hứng chịu nhiều ô nhiễm thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý hữu quan TP Hà Nội. Việc hoạt động của bãi rác làm sao an toàn về môi trường, không gây ô nhiễm bức xúc cho người dân xung quanh; việc hoạt động đúng quy hoạch thiết kế, đảm bảo khoảng khoảng cách với dân cư; việc tái định cư cho những hộ dân gần bãi ổn thỏa, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân- Nhà nước ra sao, những việc này đều thuộc về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan của huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội.

Ở khía cạnh khác, việc xử lý rác thải đô thị đang phụ thuộc nhiều vào bãi rác Nam Sơn- bãi chủ yếu là chôn lấp. Thành phố cần có nhiều hơn nữa những nhà máy, bãi xử lý rác hiện đại không phải là chôn lấp để tránh rủi ro khi một bãi rác gặp sự cố, nhất là việc xử lý rác hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm mặt bằng đất đai.

Vấn đề xử lý rác thải ở Thủ đô đang phụ thuộc vào việc làm tròn trách nhiệm của những cơ quan hữu quan của Thủ đô Hà Nội.

Theo Văn Bắc/Báo Hải Quan

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.