Một hướng đi hiệu quả mới cho Quảng Ngãi trong xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải rắn đang được nhà đầu tư đề xuất là xây dựng nhà máy điện rác.
Phần lớn rác thải sinh hoạt được thu gom và chôn lấp, việc xử lý theo công nghệ đốt vẫn rất hạn chế.
Phần lớn rác thải sinh hoạt được thu gom và chôn lấp, việc xử lý theo công nghệ đốt vẫn rất hạn chế.
Ám ảnh về rác
Liên tục những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi gặp phải những vấn đề "nóng” trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn, do phản ứng từ người dân xung quanh các dự án xử lý rác thải. Đơn cử tháng 7/2018, người dân chặn không cho xe vận chuyển vào bãi rác Nghĩa Kỳ khiến hơn 1.500 tấn rác ùn ứ và hiện diện khắp các tuyến phố, tràn ra Quốc lộ 1 và bủa vây các vùng nông thôn.
Một thành phố đang hướng đến xây dựng theo tiêu chí "xanh” mà ngập ngụa trong rác thì không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, tại thời điểm đó, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho mở lại bãi rác Đồng Nà ở xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi (bãi rác này trước đó gây ô nhiễm môi trường, bị Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đóng cửa) để chôn lấp rác đến ngày 30/9/2020.
Mặt khác, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy Xử lý rác Nghĩa Kỳ là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc đưa Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ hoạt động chính thức trước ngày 30/9/2019 (lần thứ 1). Sau đó, dự án này tiếp tục "bể” tiến độ, nên UBND tỉnh cho gia hạn đến ngày 1/6/2020 phải hoàn thành và tiếp nhận rác thải về Nhà máy để xử lý...
Tuy nhiên, sau 2 giải pháp được đưa ra cách đây 2 năm để giải quyết bài toán rác thải, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có giải pháp nào khả thi, trong khi thời hạn đóng cửa bãi rác Đồng Nà sắp hết, Nhà máy Xử lý rác thải Nghĩa Kỳ công suất đốt 250 tấn/ngày lại tiếp tục rơi vào tình trạng "đắp chiếu”.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Trong quá trình phát triển đô thị, vấn đề môi trường thời gian qua chưa được quan tâm, nên có nhiều điểm chưa tốt. Nhà máy Xử lý rác thải Nghĩa Kỳ đang được xây dựng, nhưng chưa đưa vào hoạt động và đã chậm tiến độ hơn 1 năm. Vài điểm tại bãi rác Đồng Nà được mở rộng trong thời gian chờ đợi bãi rác Nghĩa Kỳ đi vào hoạt động đã sắp đầy”.
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thu gom, xử lý khoảng 500 tấn/ngày; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chủ yếu tập trung tại các đô thị, khu dân cư tập trung, chất thải sinh hoạt ở vùng nông thôn, miền núi thì người dân tự thu gom, xử lý. "Việc thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc các tổ đội vệ sinh tại các địa phương thực hiện”, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp (chủ yếu tại Nhà máy Xử lý rác Lý Sơn, Bình Sơn và bãi chứa Đồng Nà), các bãi chứa còn lại chưa đáp ứng quy trình xử lý. Đối với chất thải rắn công nghiệp (bao gồm thông thường và nguy hại) chủ yếu từ các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ do Công ty cổ phần Cơ điện LILAMA thu gom, vận chuyển và xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên. Năm 2018, số lượng chất thải rắn công nghiệp được thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 12.705 tấn; năm 2019 tăng lên khoảng 17.013 tấn.
Quy hoạch khu vực trọng điểm xử lý rác
Việc các nhà máy rác xử lý rác thải tại tỉnh Quảng Ngãi liên tục "bể” kế hoạch đưa vào vận hành đã khiến bài toán xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn tỉnh này thêm nan giải, nhất là khi thời hạn chôn lấp tại bãi rác Đồng Nà sắp kết thúc.
Để không tạo thành "điểm nóng” môi trường như thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tập trung giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 1.000 m tại khu trọng điểm quy hoạch khu xử lý tại Nghĩa Kỳ.
Mặt khác, vận động người dân không ngăn cản việc vận chuyển rác thải vào Nhà máy và bãi rác Nghĩa Kỳ để vận hành thử nghiệm các dây chuyền xử lý rác. Bên cạnh đó, nhanh chóng thực hiện phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong đó, bổ sung Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tịnh Đông (huyện Sơn Tịnh) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Phổ Nhơn (Thị xã Đức Phổ) làm cơ sở cho việc đầu tư, thu hút đầu tư thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Quy hoạch được duyệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ khẩn trương đầu tư bãi chôn lấp hợp vệ sinh và một số hạ tầng thiết yếu tại hai khu liên hợp xử lý chất thải này để xử lý rác cho giai đoạn trước mắt; đồng thời, kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại, công suất lớn để xử lý rác cho hai khu vực này. Song song đó, tỉnh Quảng Ngãi xác định Khu xử lý rác Nghĩa Kỳ là khu vực trọng điểm để xử lý rác.
"Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm các thông số yêu cầu về quy hoạch và môi trường theo quy định. Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn và đầu tư thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết.
Hướng đầu tư điện rác
Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án xử lý rác, Công ty cổ phần Môi trường Xanh Quảng Ngãi đã hoàn thành báo cáo bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện rác Quảng Ngãi. Ông Hà Ngọc Long, Giám đốc Công ty biết, Dự án có quy mô công suất 2x7,5 MW, được xây dựng trên diện tích 20 ha tại xã Tịnh Đông (huyện Sơn Tịnh). Đây là dự án điện rác được đầu tư phù hợp với chủ trương chung của Trung ương và địa phương.
Theo tính toán, vốn đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng, công suất thiết kế là 490 tấn/ngày, số điện lượng phát lên lưới là 118,8 GWh/năm, được phân kỳ theo hai giai đoạn: giai đoạn I xử lý rác bằng công nghệ đốt công suất khoảng 245 tấn/ngày, công suất phát điện 9 MW, dự kiến quý IV/2024 đi vào vận hành; giai đoạn II có công suất đốt và công suất phát điện tương đương, dự kiến đi vào vận hành quý IV/2027.
Ông Long cho biết, so với các bãi chôn lấp, hoặc xử lý rác thải thành phân compost, công nghệ đốt rác phát điện là phương pháp xử lý rác có nhiều ưu thế, giúp xử lý được lượng lớn rác thải, tiết kiệm diện tích đất, tránh các tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư băn khoăn là, để nhà máy hoạt động ổn định và tạo ra hiệu quả đầu tư, cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch vùng chứa rác ổn định; khối lượng rác cung ứng cho nhà máy phải đạt từ 500 tấn trở lên…
----------------------------------------------
Quảng Ngãi hiện có 3 đơn vị xử lý rác gồm: Công ty cổ phần Cơ - Điện Môi trường LILAMA thu gom và vận chuyển chất thải rắn cho huyện Bình Sơn và Khu kinh tế Dung Quất; Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi thu gom và vận chuyển chất thải rắn cho TP. Quảng Ngãi; Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Đa Lộc thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho huyện đảo Lý Sơn.
---------------------------------------------
Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2020
Dự án hóa dầu, hóa chất công suất 1 triệu tấn/năm (tại Khu kinh tế Dung Quất);
Dự án công nghiệp phụ trợ, diện tích 300 ha (tại Khu kinh tế Dung Quất);
Dự án các nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị siêu trường, siêu trọng (Khu kinh tế Dung Quất);
Sản xuất kim loại và gia công thép, 1 triệu tấn/năm (Khu kinh tế Dung Quất);
Các dự án sản xuất linh kiện điện tử (Khu kinh tế Dung Quất);
Dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Dự án nâng cấp mở rộng
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất…
Theo Báo Đầu tư