“Loay hoay” phân loại rác thải

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2020 | 10:36:24 Sáng

Từ năm 2006, nhiều địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải. Nhưng cả chục năm trôi qua, mô hình này vẫn chưa thể đi vào đời sống.

Người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn
Vẫn chỉ là "thí điểm”
Hơn chục năm trước, Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Giai đoạn năm 2006 - 2009, Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai mô hình 3R theo dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, thí điểm tại 4 phường Láng Hạ, Nguyễn Du, Thành Công và Phan Chu Trinh.
Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thành 3 loại: Rác tái chế; rác vô cơ; rác hữu cơ. Các hộ gia đình được cấp túi xanh (để đựng rác thải hữu cơ) và túi vàng (để đựng các loại rác thải khác). Sau khi được thu gom, rác vô cơ sẽ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn và Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn tiếp nhận để sản xuất phân bón. Rác tái chế được xử lý, tái chế theo quy định. 
Để thực hiện dự án, nhiều hoạt động tuyên truyền được tiến hành rầm rộ, như: Hội nghị các ngôi sao 3R; tổ chức các khóa/buổi giáo dục, hướng dẫn học sinh tiểu học làm quen với phân loại rác thải, tổ chức thi vẽ, làm đồ chơi tái chế cho các học sinh…
Theo URENCO, dù mới chỉ thí điểm tại 4 phường nhưng tổng lượng rác giảm thiểu sau khi phân loại rác tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm. Dự án được đánh giá tác động tích cực tới môi trường như: Giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp. Lượng rác được chế biến thành phân bón an toàn cho đất trồng và người sử dụng.
Đây là dự án ODA phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Nhật Bản. Sau 3 năm thí điểm, thành phố thành phố chưa bố trí được nguồn vốn. Doanh nghiệp cũng chỉ duy trì được vài năm nhưng phải dừng do thiếu kinh phí”- URENCO cho biết.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ giảm ít nhất 50% khối lượng rác có nguồn gốc này và giảm thiểu các vấn đề môi trường, như: Giảm lượng khí metan (CH4) và CO2 phát sinh từ các bãi chôn lấp; giảm lượng nước rò rỉ; giảm gánh nặng ngân sách chi cho công tác vệ sinh đường phố, vận chuyển và xử lý...
Đáng tiếc là đến nay, việc phân loại rác theo dự án trên đã không còn được thực hiện.
Giải pháp chưa quyết liệt, đồng bộ
Theo chuyên gia môi trường Phạm Văn Đức (thành viên tham gia dự án 3R): Để đạt được mục tiêu gom rác thải cần kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Công nghệ; sự quyết liệt của chính quyền và ý thức của người dân. Nhưng công nghệ xử lý rác của chúng ta đang rất lạc hậu. Còn chính sách đầu tư đều "nửa chừng”. 
Số liệu từ Tổng cục môi trường cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam có tới 17,5 triệu tấn trong tổng số 25 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. 
Nước ta hiện có 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1ha, nhưng chỉ có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố luôn trong tình trạng quá tải, thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí. Để khắc phục tình trạng này, nhiều tỉnh, thành phố (thậm chí cả các tuyến huyện, xã) đã chủ động đầu tư xây dựng lò đốt rác. 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì do quy mô nhỏ, công nghệ sơ sài nên các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Hơn nữa, công tác thu gom rác cũng chưa hiệu quả, phương tiện thu gom thiếu đồng bộ. 
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc URENCO cho rằng, nếu đã phân loại rác tại nguồn (rác vô cơ, rác hữu cơ) thì cũng cần 2 loại xe để thu gom, vận chuyển đến 2 cơ sở xử lý riêng. Hơn nữa, công tác thu gom rác hiện cũng còn bất cập bởi nhiều tổ chức cùng tham gia. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn muốn thành công phải đầy đủ, đồng bộ từ chính sách, công nghệ, phạm vi. Đã đến lúc, cơ quan quản lý phải xác định được công nghệ xử lý rác nào phù hợp và đưa ra cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư.
Theo URENCO, rác về đến nhà máy vẫn phải tiếp tục phân loại bằng máy và thủ công… nên chi phí cao...Thành phố không hỗ trợ kinh phí nên URENCO vẫn phải bù lỗ cho hoạt động sản xuất phân tại Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn. 
Có thể nói, để việc phân loại rác đi vào thực tiễn và hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ khâu tuyên truyền, giám sát, quản lý nguồn phát thải, cho đến vận chuyển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải hiện đại cũng như thường xuyên kiểm tra, xử lý. 
Hoài Quý/ Báp Pháp luật

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.