Hà Nội hiện có những khu xử lý rác nào đang hoạt động?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/8/2020 | 9:45:28 Sáng

Mặc dù có đến 17 khu xử lý rác trong quy hoạch, nhưng hiện nay, Hà Nội chỉ có ba nơi đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: LÊ VIỆT)
7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt một ngày
Sau nhiều lần Hà Nội bị ùn ứ rác thải do người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, nhiều người đã thắc mắc về con đường đi của rác, những bãi rác thải đang hoạt động và quy trình xử lý rác thải của Thủ đô hơn chín triệu dân sinh sống.
Để tìm câu trả lời cho bài toán xử lý rác thải của thành phố, phóng viên Nhân Dân điện tử đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội. Theo báo cáo hồi tháng 1-2020 của UBND TP Hà Nội mà Sở cung cấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của TP Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; được tiếp nhận, xử lý hằng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.
Về chất thải rắn công nghiệp, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 863,2 tấn/ngày đêm. Trong đó, rác không nguy hại khoảng 646 tấn/ngày, chất thải nguy hại 217,2 tấn/ngày đêm.
Tỷ lệ thu gom rác thải rắn công nghiệp thông thường, không nguy hại đạt 85-90% tương đương 549-581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382-405 tấn/ngày đêm. Trong đó, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng ngay tại nguồn; chất thải không thể tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày đêm), khối lượng rất ít còn lại được lưu giữ tạm thời tại cơ sở.
Về chất thải rắn y tế, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 27.522kg/ngày đêm. Trong đó, chất thải y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày đêm (chiếm 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.074 kg/ngày đêm. Việc xử lý chất thải y tế được thực hiện chủ yếu tại các cơ sở y tế và một phần tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.
Theo dự báo trong Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tới năm 2020, khối lượng phát sinh phân bùn bể phốt trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 1.500 tấn/ngày đêm; khối lượng bùn thải thoát nước phát sinh là khoảng 260 tấn/ngày đêm.
Hà Nội hiện có những khu xử lý rác nào đang hoạt động? -0
Rác thải bị ùn ứ trong nội đô khi người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn hồi giữa tháng 7 vừa qua. (Ảnh: LÊ VIỆT)
Chỉ ba khu xử lý chất thải đang hoạt động
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện tại, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm.
Hai khu xử lý chất thải đã và đang tạm dừng hoạt động là Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ, Gia Lâm, đã đầy và không thực hiện tiếp nhận rác vào tháng 7-2018; Khu xử lý chất thải Phương Đình, Đan Phượng được đưa vào vận hành từ năm 2014 tuy nhiên hiện nay đang phải tạm dừng đề cải tạo.
Một số khu xử lý đang được UBND Thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, Phú Xuyên; Phù Đổng, Gia Lâm; Đồng Ké, Chương Mỹ.
Một số khu xử lý chất thải đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư nhưng còn chậm triển khai. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân còn chưa đồng thuận với công nghệ dự kiến áp dụng. Các khu xử lý chất thải kể trên gồm: Núi Thoong, Chương Mỹ; Đông Lỗ, Ứng Hòa; Lại Thượng, Thạch Thất; Hợp Thanh, Mỹ Đức.
Bốn khu xử lý chất thải có trong quy hoạch nhưng không phù hợp với định hướng công nghệ và phát triển đô thị của Hà Nội hiện nay là: Tây Đằng, Ba Vì; Mỹ Thành, Mỹ Đức; Vân Đình, Ứng Hòa; Cao Dương, Thanh Oai.
Về các bãi đổ chất thải rắn xây dựng, theo quy hoạch có 26 bãi. Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã có chủ trương đầu tư xây dựng năm bãi phế thải xây dựng tại các xã Trung Châu, huyện Đan Phượng; xã Vân Côn, xã An Thượng, huyện Hoài Đức; xã Chương Dương, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Tuy nhiên, do khó khăn giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư hạn chế và vị trí chủ yếu nằm ngoài đê nên vướng mắc với Luật Đê điều mới, ảnh hưởng hành lang thoát lũ đến nay các dự án trên đều chưa được triển khai thực hiện.
Rác thải của Hà Nội đang được xử lý ra sao?
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội chủ yếu được xử lý tại hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, theo quy hoạch công suất đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày.
Theo báo cáo tháng 1-2020 của UBND TP Hà Nôi, giai đoạn 1, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn khai thác từ năm 1999 và tạm đóng bãi năm 2016. Giai đoạn 2 được UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư từ năm 2011: khu phía nam đang vận hành đổ rác tại các ô chôn lấp, khu phía bắc đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đang tiếp nhận xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 5.000 tấn/ngày tại khu phía nam (giai đoạn 2).
Ngoài xử lý rác thải bằng chôn lấp hợp vệ sinh, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn còn có Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp sử dụng công nghệ đốt phát điện – NEDO, đốt rác thải công nghiệp nguy hại công suất 75 tấn/ngày, phát điện 1,92MW/ngày.
Hà Nội hiện có những khu xử lý rác nào đang hoạt động? -0
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi xử lý phần lớn lượng chất thải sinh hoạt rắn của TP Hà Nội. (Ảnh: LÊ VIỆT)
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, theo quy hoạch diện tích đến năm 2020 là 26ha, với công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm.
Hiện nay, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đang vận hành giai đoạn 1 và 2, với diện tích khoảng 26ha, xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh và đốt rác tại các nhà máy với khối lượng xử lý rác khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.
Tại khu xử lý này, đã có hai nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện, đang tạm ngừng để cải tạo nâng công suất lên 1.500 tấn/ngày, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về môi trường và phù hợp với định hướng công nghệ hiện đại phát điện của TP Hà Nội.
Hiện chỉ còn Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất tối đa 250 tấn/ngày đêm, đang vận hành công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.
Về xử lý chất thải rắn xây dựng, thời gian qua, việc xử lý chất thải rắn xây dựng của Hà Nội chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi đổ Vân Nội, Vĩnh Quỳnh, Dương Liễu, Nguyên Khê do thực tế thành phố chưa có nhà máy xử lý, tái chế. Hiện nay, các bãi đổ đã đầy, chỉ còn bãi đổ Nguyên Khê còn khả năng tiếp nhận với khối lượng, thời gian hạn chế. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ước tính, bãi đổ Nguyên Khê chỉ có thể tiếp nhận hết năm 2020.
Thành phố đã chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiền chất thải rắn xây dựng tại một số địa điểm thực hiện thí điểm theo hình thức trạm trung chuyển tạm thời, tái chế chất thải rắn xây dựng tại: nút giao Pháp Vân, Cầu Giẽ diện tích khoảng 6,5ha (năm 2019 khoảng 111.500m3; chân cầu Thanh Trì, năm 2019 khoảng 2.000m3. Tổng khối lượng tiếp nhận chất thải rắn xây dựng năm 2019 khoảng 1.350 tấn/ngày. Ước tính theo quy hoạch đến năm 2020, lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 2.100 tấn/ngày đêm.
Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, theo quy hoạch có diện tích 3,9ha, công suất tối đa 300 tấn/ngày. Hiện tại, ngoài xử lý phân bùn bể phốt, khu xử lý này cũng xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân compost và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại công suất khoảng 5 tấn/ngày.
Trên đây là toàn cảnh hiện trạng xử lý chất thải của Hà Nội cho đến thời điểm hiện nay. Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần ¾ lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố. Điệp khúc chặn xe rác khiến rác thải bị ùn ứ trong nội đô đã xảy ra nhiều lần, vậy Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để điệp khúc này không kéo dài mãi?
Hồng Vân - Bông Mai/Báo Nhân dân điện tử


  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.