Người dân phát hiện dòng nước đen chảy từ cụm công nghiệp qua khu dân cư thôn Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Dòng kênh xanh bị "bức tử”
Dẫn chúng tôi đi từ đầu con kênh thoát nước của CCN, ông Dương Văn Hòa, ở thôn Doãn Thượng (xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành), ngán ngẩm chỉ vào nơi xuất phát nguồn nước thải của CCN. Sâu phía dưới mặt nước kênh tưới, tiêu tiếp giáp giữa hai xã Xuân Lâm và Song Liễu, một số miệng cống dẫn nước thải được ngụy trang khá kín đáo. Tuy nhiên, những dòng nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc đã nói lên sự gian dối này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước thải của CCN xả trực tiếp vào con kênh S7 mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Ngày nắng cũng như ngày mưa, nước thải lúc nào cũng một mầu đen kịt, mùi bốc lên xộc thẳng vào mũi, cảm giác buồn nôn, tức ngực và khó thở… Cây cỏ chung quanh, hai bên bờ kênh thì đen đặc, chết rũ, xa hơn thì úa vàng, đổ rạp…
Ông Hòa cho biết: CCN này hoạt động cách đây hơn 10 năm, nguồn nước thải ra trước đây cũng không đến nỗi. Thế nhưng từ khi có một công ty nhuộm, giặt là thuê đất hoạt động, nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm nặng. Những thửa ruộng gần đó không trồng được lúa và hoa màu. Dòng kênh ban đầu trong xanh là thế mà giờ đen kịt. Ngày nào cũng có hàng núi bọt trắng thải ra, nước dưới kênh thì đổi mầu, bốc mùi hôi nồng nặc. Bà con xuống ruộng cấy lúa thì bị ngứa và lở loét chân, tay. Trồng rau và hoa màu thì không ai dám ăn, trâu bò ăn vào cũng bị dị ứng… Chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu lên xã, lên huyện mà chưa thấy chính quyền có động thái gì.
Anh Đặng Văn Cường, thôn Đa Tiện (xã Xuân Lâm) bức xúc: Trước đây, người dân trong thôn vẫn thường xuyên lấy nước ở kênh S7 để tưới cho hoa màu. Trẻ con, người lớn vẫn hằng ngày ra đây câu cá, bơi lội. Nhưng từ khi nguồn nước ô nhiễm nặng thì không thể làm thế nữa. Dân chúng tôi kêu trời không thấu đành chỉ biết "sống chung với ô nhiễm”. Ngày thường thì đỡ hơn, nhưng những hôm trời trở gió, các nhà ở đây đều phải đóng kín cửa vì mùi hôi rất khó chịu.
Một công nhân làm việc trong nhà máy tại CCN chia sẻ: "Công việc hằng ngày của tôi là đi làm theo ca, kíp, dây chuyền máy móc là chính, nhưng cũng phải tiếp xúc với hóa chất rất nhiều. Biết là như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng phải cố gắng làm, vì "miếng cơm, manh áo”. Bởi vì làm trong xưởng cho nên tôi biết, họ có xử lý nước thải gì đâu, cứ xả trực tiếp ra dòng kênh”.
Mấy năm trở lại đây, theo thống kê tỷ lệ khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã Xuân Lâm cho thấy, người dân sinh sống quanh bán kính 1 km khu vực kênh S7 có tỷ lệ các bệnh liên quan đến hô hấp, còi xương ở trẻ nhỏ cao nhất xã. Đáng lo ngại hơn, vấn đề ô nhiễm dòng nước không được xử lý, lâu ngày chất độc ngấm sâu vào lòng đất sẽ gây hậu quả về lâu dài cho người dân. "Vì sao doanh nghiệp lại bất chấp độc hại như thế, vì sao chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lại không kiểm tra, xử lý triệt để và yêu cầu doanh nghiệp ngừng xả thải, khắc phục ô nhiễm và bồi thường cho người dân. Liệu có sự tiếp tay, làm ngơ cho doanh nghiệp hoạt động hay không?”, anh Cường thẳng thắn.
"Ai” chịu trách nhiệm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp trực tiếp và có vai trò lớn nhất trong việc "bức tử” dòng kênh là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Đông. Doanh nghiệp này được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0901009230, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp. Ngành nghề đăng ký kinh doanh: Giặt là tạo kiểu các sản phẩm quần áo. Chính doanh nghiệp này và một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong CCN, vào tháng 12-2019, đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 40 triệu đồng do thực hiện hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhưng có vẻ như mức xử phạt hành chính như vậy đối với các doanh nghiệp này là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Trước đó, người dân ở gần dòng kênh S7 thuộc địa phận hai xã Xuân Lâm, Song Liễu đã nhiều lần gửi đơn, thậm chí có kiến nghị trực tiếp trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. Nội dung kiến nghị nêu rõ: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Đông thực hiện hành vi giặt, là, nhuộm, hấp… quần áo, vải vóc và xả thải trực tiếp, không qua xử lý ra môi trường qua kênh S7. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, sinh kế, sức khỏe của người dân năm thôn và hai xã với hàng nghìn nhân khẩu. Trước bức xúc của cử tri và nhân dân, UBND huyện Thuận Thành đã cử cán bộ, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) về làm việc với hai xã bị ảnh hưởng. Những cán bộ này cũng đã đi thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tận mắt thấy sự ô nhiễm của kênh S7. Thế nhưng, sau đợt kiểm tra đó, công văn của Phòng TN và MT huyện gửi về xã kết luận: Nồng độ độc hại của nguồn nước ở mức cho phép, chất tẩy, nhuộm xả thải từ CCN không ảnh hưởng gì đến môi trường...
Rõ ràng, chỉ bằng quan sát bình thường cũng có thể thấy được nước kênh S7 ô nhiễm như thế nào, nhưng những cán bộ kiểm tra của Phòng TN và MT lại không thấy điều đó. "Chẳng hiểu ra làm sao nữa, chính mấy anh đó khi đi kiểm tra còn bịt mồm, bịt mũi, kêu đứng đây 5 phút đã sắp ngất mà sau đó lại có kết luận trái ngược như vậy”, anh Đặng Xuân Phú, một người dân ở thôn Bến Long (xã Song Liễu) ngao ngán. Anh kiến nghị: "Chúng tôi mong cơ quan chức năng và chính quyền các cấp có thẩm quyền kiểm tra, đo đạc và xử lý nghiêm minh đối với hành vi xả thải độc hại ra môi trường. Hãy trả lại môi trường trong lành, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân”.
Theo các đồng chí lãnh đạo xã Xuân Lâm, CCN Xuân Lâm đi vào hoạt động đã khá lâu nhưng chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: đường đi, hệ thống thu gom rác thải, thoát nước đúng tiêu chuẩn... Vì vậy, khi các DN thuê lại và đi vào sản xuất đã xảy ra tình trạng này, một số công ty đã trực tiếp xả thải độc hại ra môi trường. Về phía xã, không chỉ có Xuân Lâm mà cả xã Song Liễu cạnh đó cũng đã kiến nghị lên huyện và tỉnh mà chưa được giải quyết. Theo như chúng tôi được biết, sau cuộc họp HĐND xã vào tháng 6-2020 đã có thông báo UBND tỉnh đã thành lập đoàn về kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp, Ban quản lý CCN và địa phương, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể...
Riêng chính quyền và cơ quan chức năng cấp huyện như phòng TN và MT, công an, thủy lợi, Ban Quản lý CCN thì hầu như không có động thái gì trước những kiến nghị của người dân. Nếu có thì cũng chỉ kiểm tra làm việc qua loa rồi sự việc lại đâu bỏ đấy. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc để đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành nhưng không nhận được phản hồi chính thức. Trong khi hàng trăm hộ dân hằng ngày mong mỏi cấp có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm để trả lại môi trường trong sạch cho người dân thì các cấp lãnh đạo huyện Thuận Thành vẫn hứa và rồi vẫn "bình chân như vại”. Nhiều năm tháng trôi qua kể từ ngày CCN "bức tử” dòng kênh, người dân hai xã Xuân Lâm và Song Liễu vẫn mòn mỏi chờ câu trả lời của lãnh đạo UBND huyện.
------------------------------------------
Người dân các thôn đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo UBND xã và xã cũng đã có văn bản báo cáo lãnh đạo UBND huyện về tình trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp trong CCN xả thải. Tuy nhiên, từ đó đến nay tình trạng này vẫn không được cải thiện. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông DƯƠNG CÔNG QUYNH
Trưởng thôn Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh
---------------------------------------------------
Căn cứ theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; Xả ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14... sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1 đến 5 năm.
Luật sư LÃ THỊ ÁNH
(Công ty Luật TNHH MTV Ánh Trọng Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Minh Nghĩa/Báo Nhân dân