Hậu khắc phục vẫn ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, nhiều năm nay họ phải sống chung với hoạt động của Nhà máy mì Tư Bông nằm ở ấp Phước Bình 2. Mặc dù nhà máy này từng bị xử lý vi phạm vì gây ô nhiễm, sau đó có khắc phục, nhưng không hiểu sao môi trường xung quanh vẫn bị ô nhiễm.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn - người dân địa phương, nhà máy này chính thức đi vào hoạt động hơn chục năm trước. Thời điểm đó, quy mô hoạt động nhà máy nhỏ, toàn bộ nước thải của nhà máy đều không qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường. Đến năm 2013 sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, xử lý. Từ đó nhà máy đã lắp đặt hệ thống hầm Biogas để xử lý. Tuy nhiên, không hiểu họ xử lý thế nào mà môi trường xung quanh vẫn bị ô nhiễm, dù đã có giảm hơn trước.
"Gia đình tôi sống ổn định bằng nghề chăn nuôi bò và heo. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, việc chăn nuôi của gia đình trở nên khó khăn. Gia súc thường xuyên bị bệnh tật, thậm chí chết không rõ nguyên nhân. Mới đây, 2 con bò của gia đình tự nhiên bị tiêu chảy dẫn tới bỏ ăn. Chưa kịp gọi cán bộ thú y đến xử lý thì chúng đã lăn ra chết. Tôi đã mời cán bộ địa phương đến điều tra làm rõ, nhưng cũng không nhận được câu trả lời thích đáng” - anh Sơn nói.
Suối Dộp bị bức tử
Cận cảnh miệng ống xả thải của Nhà máy mì Tư Bông.
Người dân tại các xã Thái Bình, Trí Bình, Hảo Đước, huyện Châu Thành cũng có phản ánh về tình trạng ô nhiễm. Công ty TNHH – SX – TM – DVTH – XNK Hữu Đức Tây Ninh (Công ty Hữu Đức) địa chỉ tại ấp Suối Độp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành chuyên sản xuất tinh bột mì, gây ảnh hưởng đời sống người dân.
Theo phản ánh, dòng Suối Dộp không chỉ cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt mà còn là nguồn thủy sản tự nhiên cho người dân để cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập. Cách đây hai tháng, vào thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, bỗng dưng toàn bộ Suối Dộp chảy qua địa bàn 3 xã kể trên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước từ màu xanh chuyển sang đen như nhớt, lớp bùn đáy dày gần 1 mét. Cá chết trắng bụng. Nhiều loại rau màu trồng cạnh suối cũng không sống nổi.
Là một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng bởi con suối bị ô nhiễm, anh Nguyễn Thành Trung ngụ xã Hảo Đước, huyện Châu Thành cho biết: "Hiện nguồn nước đã bị ô nhiễm, nguồn thủy sản trong suối cũng cạn, ảnh hưởng đến bữa ăn người dân. Những lần lội qua đây chân tôi bị mẩn ngứa, ghẻ lở. Để tránh phải gặp tình trạng trên, tôi và mọi người trong gia đình phải đi đường vòng gần 10 km”.
Sẽ xử lý nghiêm
Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn đang đối diện nhiều rủi ro vì ốm.
Ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tây Ninh thừa nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, theo ông Sơn đó là chuyện trước kia, còn nay đã giảm.
Trước đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã từng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhà máy này 3 tháng (năm 2013) do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Xả nước thải chưa được xử lý ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau đó, cơ sở này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định và được phép hoạt động trở lại.
"Việc nhà máy này xả nước thải ra môi trường là có. Nhưng nước này đã qua xử lý. Do địa phương chưa xây dựng được hệ thống thoát nước đồng bộ dẫn đến nước thải khi đổ ra môi trường lắng đọng lại, từ đó gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là do khu vực này không có hệ thống thoát nước thải công cộng, nước thải của nhà máy và người dân phụ thuộc và hệ thống mương nước thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, sở đã làm việc để nâng cấp cống hiện hữu và mở thêm một đường tiêu thoát nước. Nếu xử lý được nước tồn đọng thì chắc chắn khu vực này sẽ không còn bị ô nhiễm” - ông Sơn nói.
Còn với Công ty Hữu Đức, sau khi phát hiện doanh nghiệp này xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, Sở TN&MT đã có Quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 168 triệu đồng. Hiện đơn vị này đang khắc phục hậu quả.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 74 nhà máy mì với tổng công suất khoảng 7.296 tấn/ngày. Theo Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh, bên cạnh các cơ sở chấp hành nghiêm việc xử lý nước thải, vẫn còn không ít nhà máy, cơ sở xen lẫn trong khu dân cư, đô thị, gần sông suối vẫn còn tình trạng lén lút xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước và môi trường.
Để chấn chỉnh vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến mì, ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các bên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề các nguồn thải hiện có. Tiếp tục điều tra bổ sung nguồn thải phát sinh và phân loại theo mức độ gây ô nhiễm để thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp.
Mặt khác, sở tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường, triển khai thực hiện kế hoạch lắp đặt đủ 8 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, tại các vị trí thường xảy ra ô nhiễm do tiếp nhận các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông, và 2 trạm không khí tại các đô thị đông dân cư để theo dõi, quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
T.Trần - An Nguyễn/ Giáo dục thời đại