Hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Đồng Nai khắc phục hậu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2020 | 3:08:24 Chiều

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các cơ sở phát sinh các loại chất thải, khí thải, bụi bẩn không đạt chuẩn ra môi trường; chưa xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp theo quy định.


Thùng phuy, can nhựa nhiễm hóa chất nguy hại tại cơ sở sản xuất thùng xe rùa. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 8/2020, có 155/157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành khắc phục hậu quả, được tỉnh đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm.

Ngoài ra, hai cơ sở do Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp phép hiện cũng đã hoàn tất chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên-Môi trường xem xét đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn cho biết, trước đó tỉnh đã rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kết luận có 157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 86 cơ sở ở mức độ nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục. Các cơ sở nằm trong danh sách "đen” về ô nhiễm ở Đồng Nai hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai khoáng, thực phẩm, chế biến nông–lâm sản, đồ gỗ.

Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là trong quá trình sản xuất kinh doanh, các cơ sở phát sinh các loại chất thải, khí thải, bụi bẩn không đạt chuẩn ra môi trường; chưa xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp theo quy định.

Sau khi nhận kết luận, hàng loạt cơ sở nói trên đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn thông thường và nguy hại, đổi mới công nghệ sản xuất. Quá trình kiểm tra, ngành chức năng Đồng Nai nhận thấy, các cơ sở trong danh sách gây ô nhiễm đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đủ điều kiện được chứng nhận không còn gây ô nhiễm môi trường.

Dù đã đưa ra khỏi danh sách "đen” về gây ô nhiễm, song hầu hết các cơ sở này hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ gây hại cho môi trường, ngành chức năng Đồng Nai vẫn thường xuyên giám sát, định kỳ tiến hành thu mẫu chất thải, khí thải, kiên quyết không để tái phạm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất./.

Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.