Bắc Ninh: Doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2020 | 2:38:56 Chiều

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của người dân hai xã Xuân Lâm và Song Liễu.

Theo phản ánh của nhiều người dân, các nhà máy, cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp (CCN) nằm trên địa bàn xã Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh) xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của người dân hai xã Xuân Lâm và Song Liễu.
Được biết, doanh nghiệp trực tiếp "bức tử” dòng kênh là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Đông. Doanh nghiệp này được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0901009230, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp.
Ngành nghề đăng ký kinh doanh: Giặt là tạo kiểu các sản phẩm quần áo. Chính doanh nghiệp này và một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong CCN, vào tháng 12-2019, đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 40 triệu đồng do thực hiện hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhưng có vẻ như mức xử phạt hành chính như vậy đối với các doanh nghiệp này là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Trước đó, người dân ở gần dòng kênh S7 thuộc địa phận hai xã Xuân Lâm, Song Liễu đã nhiều lần gửi đơn, thậm chí có kiến nghị trực tiếp trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp.

Dòng nước đen chảy từ cụm công nghiệp qua khu dân cư thôn Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Nhân Dân.
Nội dung kiến nghị nêu rõ: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Đông thực hiện hành vi giặt, là, nhuộm, hấp… quần áo, vải vóc và xả thải trực tiếp, không qua xử lý ra môi trường qua kênh S7. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, sinh kế, sức khỏe của người dân năm thôn và hai xã với hàng nghìn nhân khẩu. Trước bức xúc của cử tri và nhân dân, UBND huyện Thuận Thành đã cử cán bộ, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) về làm việc với hai xã bị ảnh hưởng. Những cán bộ này cũng đã đi thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tận mắt thấy sự ô nhiễm của kênh S7. Thế nhưng, sau đợt kiểm tra đó, công văn của Phòng TN và MT huyện gửi về xã kết luận: Nồng độ độc hại của nguồn nước ở mức cho phép, chất tẩy, nhuộm xả thải từ CCN không ảnh hưởng gì đến môi trường...

Ống dẫn nước xả thải của Chi nhánh Công ty Dương Phú tại Bắc Ninh. Ảnh: Pháp Luật Plus
Anh Đặng Văn Cường, thôn Đa Tiện (xã Xuân Lâm) bức xúc: Trước đây, người dân trong thôn vẫn thường xuyên lấy nước ở kênh S7 để tưới cho hoa màu. Trẻ con, người lớn vẫn hằng ngày ra đây câu cá, bơi lội. Nhưng từ khi nguồn nước ô nhiễm nặng thì không thể làm thế nữa. Dân chúng tôi kêu trời không thấu đành chỉ biết "sống chung với ô nhiễm”. Ngày thường thì đỡ hơn, nhưng những hôm trời trở gió, các nhà ở đây đều phải đóng kín cửa vì mùi hôi rất khó chịu.
Vào tháng 12/2019, công ty này đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 40 triệu đồng do thực hiện hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Trước sự việc này, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành tạm dừng hoạt động để có phương án xử lý nước thải đảm bảo quy định hoặc phải tuân thủ quy trình xử lý xả thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
HOÀI THU (TH)
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.