Bà Rịa - Vũng Tàu: Dân ''điêu đứng'' vì khu xử lý rác thải tập trung

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2020 | 4:59:28 Chiều

Nhiều năm qua với phương thức xử lý rác chưa đột phá, việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã bị “liệt” vào nhóm các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Ô nhiễm không khí nặng nề
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi tập trung xử lý các loại chất thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh.
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (XLCTT Tóc Tiên) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 22/11/2016. Với diện tích 137,6 ha, bao gồm 100 ha hiện hữu và 37,6 ha mở rộng.
Khu XLCTTT có chức năng xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; di dời nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa về đây để xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt; dự trữ đất cho cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung.

Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên có 15 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên có 15 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, trong đó có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động bao gồm: 06 nhà máy xử lý chất thải nguy hại, 02 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thông thường, 01 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; 01 Nhà máy xử lý và chế biến các chất thải lỏng sinh hoạt; 01 khu chôn bùn nạo vét cống thoát nước. Những dự án còn lại vẫn trong quá trình triển khai đầu tư.
Tuy nhiên, quy mô của các dự án này còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, dẫn tới năng suất xử lý không cao. Bên cạnh đó trong quá trình hoạt động, một số nhà máy chưa có giải pháp bảo vệ môi trường triệt để dẫn đến phát thải gây mùi hôi, mùi khét, bụi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo phản ánh của một số người dân sống gần Khu Liên hợp xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thì tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ông Trần Minh Q. (sống tại ấp 3) ngay cạnh KLHXLCT Tóc Tiên cho biết: "Nhà tôi sống ở đây đã nhiều năm, mùi rác cũng quá quen thuộc, tùy theo hướng gió mà lúc chịu nhiều, lúc chịu ít, chủ yếu là rác sinh hoạt chôn lấp gây mùi hôi thối, gió thổi về hướng này là không chịu nổi, nhiều khi cũng ngửi thấy mùi khói khét từ phía nhà máy đốt rác nhưng cũng tùy từng lúc, không kinh khủng như mấy năm trước đây. Khu này còn đỡ, chứ bên phía ấp 4 kia chịu mùi và ô nhiễm nhiều hơn”.

Sống ở vùng đất này từ những năm 1996, khi chưa có KLHXLCT Tóc Tiên xây dựng, chị Loan từ Hưng Yên cùng gia đình vào đây làm ăn. Chị Loan hiện đang sống ở ấp 4, xã Tóc Tiên cho biết sự thay đổi của vùng đất này từ khi có nhà máy xử lý rác:
"Trước đây tôi cùng gia đình vào đây sinh sống, nơi này vẫn còn hoang vu, môi trường trong lành lắm, từ khi KLHXLCT Tóc Tiên đưa vào hoạt động, gần chục năm người dân chúng tôi phải chịu ô nhiễm nặng nề. Khu ấp này cách bãi rác khoảng gần 500m, rác chôn lấp theo gió thổi bốc mùi kinh lắm, chẳng dám mở cửa ra. Chỉ sợ cứ sống mãi như này thì bệnh tật, ốm đau cả thôi. Người lớn đã khổ, trẻ con còn tội hơn.”
Từng có sự cố về bảo vệ môi trường
Trao đổi với ông Mai Quang Thảo - Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải Tóc Tiên để hiểu hơn về hoạt động của các nhà máy xử lý rác trong KXLCT Tóc Tiên và phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm mà hàng ngày người dân đang gánh chịu. Ông Mai Quang Thảo cho biết:
"Ước tính rác thải sinh hoạt đưa về đây khoảng 900-950 tấn/ ngày. Còn rác thải nguy hại thì khoảng mấy trăm tấn/ngày trong đó rác thải công nghiệp chiếm khoảng 40%. Một ngày KLHXLCT Tóc Tiên tiếp nhận khoảng hơn 1000 tấn các loại. Rác thải sinh hoạt của cả tỉnh đều được đưa về đây xử lý, ngoại trừ Côn Đảo”.

Bãi rác chôn lấp của công ty KBEC VINA quản lý đang khiến người dân khổ sở vì mùi hôi thối.

"Thời gian trước, người dân gửi đơn phản ánh nhiều lắm, quanh đây có ấp 3 và ấp 4 chịu ảnh hưởng nhiều, có phản ánh việc nước rỉ rác chảy ra suối Giao Kèo vì sự cố tràn ra, nhưng giờ đã không còn. Còn rác thải sinh hoạt tại đây thực hiện chôn lấp 100% của công ty KBEC VINA quản lý, còn các công ty khác đều sử dụng công nghệ đốt nhưng do lò đốt trong quá trình nhập công nghệ cũ quá cho nên khi vận hành xuất hiện khói đen. UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiết lập quan trắc tự động và cập nhật số liệu trực tiếp về Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh. Trước đây, các đơn vị không làm tốt, chủ trương của tỉnh không muốn chôn lấp mà đưa ra biện pháp là kêu gọi đầu tư về công nghệ đốt ”. Ông Mai Quang Thảo cho hay.
Qua trao đổi thông tin, được biết tổng diện tích KLHXLCT Tóc Tiên có diện tích 100 ha, trong đó công ty KBEC VINA có diện tích 38 ha, thực hiện 100% chôn lấp, theo kế hoạch là chôn lấp trong 4 hố, hiện tại mới chôn lấp hết 2 hố.
Nhiều năm qua, với phương thức xử lý rác chưa đột phá, việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã bị "liệt” vào nhóm các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xuất phát từ chính khu đất quy mô 100ha mà tỉnh quy hoạch để xử lý ô nhiễm cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh như xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, xử lý chất thải nguy hại…

NHÓM PV

  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.