Lâu nay các loại rác thải điện tử như máy tính, ti vi hỏng, vi mạch điện tử, thiết bị điện, dây điện…không sử dụng, hư hỏng người dân thường thải loại, được các cơ sở tái chế, phế liệu, chợ đồ cũ thu mua. Sau khi lấy những linh kiện điện tử cần thiết, loại rác thải này được đóng bao bì, tập kết đưa đi nơi khác xử lý. Đáng nói, do không được xử lý theo quy trình, kỹ thuật nào, lượng rác thải điện tử này vô tình gây nguy hại cho môi trường.
Hiện nay, không khó khi bắt gặp các bãi phế liệu nằm nhếch nhác, bừa bãi ngay giữa khu dân cư, cạnh các quán ăn, nhà hàng... Thậm chí, để tiện đường làm ăn, các chủ cơ sở còn ngang nhiên tận dụng vỉa hè, lòng đường thành nơi tập kết phế liệu.
Công nghệ càng phát triển, lượng rác thải điện tử thải ra môi trường ngày càng nhiều
Những bãi phế liệu này là nơi tập kết của hàng trăm chiếc ti vi, máy tính cũ, đồ điện tử, tủ lạnh, nồi cơm điện... đã qua sử dụng nằm ngổn ngang, qua mưa nắng có thể làm phóng thích các hạt kim loại gây hại cho môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình anh Nguyễn Viết Thành ở thôn 5, xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa), theo quan sát, do diện tích xưởng phế liệu chật hẹp, gia đình đã tận dụng diện tích dọc hai bên tuyến đường liên xã để tập kết. Nguồn phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó các đồ điện tử cũ, hỏng được cơ sở thu gom về rồi nhập ra các tỉnh tái chế với đủ chủng loại như vỏ ti vi, đầu đĩa, máy tính cũ, dây cáp, vi mạch điện tử…
Nơi chứa tivi hỏng tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình anh Nguyễn Viết Thành, thôn 5, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về cơ sở thu mua phế liệu của gia đình chị Phạm Thị Năng (thôn 1, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn). Trong khuôn viên rộng chưa đầy 300 m2, rác thải từ những chiếc tivi, máy tinh, đồ điện, linh kiện điện tử… không được che chắn, nằm ngổn ngang, chiếm cả hành lang đường đi trong thôn. Mùa mưa, nước thải rỉ từ đống rác thải điện tử chảy xuống ao, ruộng.
Người dân hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về xử lý rác thải điện tử đúng cách
Chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại TP. Thanh Hóa cho biết, ngoài các phế liệu như giấy, nhôm, sắt, cơ sở còn thu mua các đồ gia dụng điện tử, tivi, đầu máy, máy in… hư hỏng về cho công nhân bóc tách phân loại, đồ nhựa thải đắp thành đống hoặc đóng bao, một vài tuần có xe từ Hưng Yên vào bốc đem đi.
Thực tế, quản lý rác thải điện tử hiện còn bỏ ngỏ bởi nhiều địa phương chưa có phương án xử lý triệt để, phần lớn được các cơ sở thu mua phế liệu thu gom về tập kết, chờ xử lý. Trong khi, việc xử lý nguồn rác thải này tại các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, vì số lượng thu gom không đáng kể, đa phần người dân thường gom, bán cho người thu mua ve chai.
Hiện nay, việc thu gom, phân loại rác thải điện tử còn nhiều bất cập, đặc biệt là nguồn rác thải phát sinh từ các hộ gia đình
Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có 57 cơ sở thu mua phế liệu, thời gian qua địa phương đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại (trong đó có rác thải điện tử). Theo đó, chủ cơ sở sản xuất phát sinh chất thải nguy hại đã thực hiện thu gom, xử lý. Tuy vậy, công tác quản lý chất thải nguy hại đối với cơ sở có lượng thải phát sinh dưới 600kg/năm còn nhiều bất cập, lúng túng.
Ông Nguyễn Văn Tiệm, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết chủ các cơ sở còn xem nhẹ, chưa ý thức được nguy hại của loại rác thải này trong tương lai. Trong khi, cả tỉnh hiện chỉ có 2 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép về thu gom, xử lý chất thải nguy hại tại Bỉm Sơn, Nghi Sơn. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải này trên địa bàn là rất khó.
Lượng rác thải này nếu không được xử lý triệt để tiềm ẩn nguy ô nhiễm môi trường, gây hại sức khỏe người dân
"Đối với thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý nguồn thải chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khối lượng phát sinh dưới 600 kg/năm, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân loại, bố trí khu vực lưu chứa tạm thời đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Đồng thời, chủ động hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý", ông Tiệm cho biết thêm.
Trung Lê/ Báo Thanh Hoá