Loại trừ nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh Covid-19: ĐBSCL thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2021 | 5:15:48 Chiều

Trong những ngày vừa qua, công tác vệ sinh môi trường ở khu vực đô thị cũng như nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song cho đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị chức năng ở khu vực này vẫn đảm bảo thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đúng quy định.

Thay đổi việc thu gom rác thải
Ông Phạm Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước đây chất thải sinh hoạt thông thường phát sinh hàng ngày từ các hộ dân ở khu vực đô thị cũng như nông thôn phần lớn sẽ do Công ty CP Đô thị Sóc Trăng phụ trách thu gom, vận chuyển đến nhà máy để xử lý. Tuy nhiên từ khi dịch bệnh Covid-19 phát sinh trên địa bàn tỉnh, việc thu gom chất thải sinh hoạt thông thường có sự thay đổi để phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, khối lượng chất thải sinh hoạt thông thường phát sinh tại khu vực không bị phong tỏa vẫn được Công ty CP Đô thị Sóc Trăng thu gom, vận chuyển, xử lý như trước đây, còn đối với chất thải phát sinh trong các khu cách ly, khu dân cư bị phong tỏa có trường hợp nhiễm Sars-CoV-2 đều được coi là chất thải lây nhiễm và phải được đơn vị có chức năng tiến hành phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để trong ngày.
Tương tự, trong những ngày vừa qua, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy thuộc TP. Cần Thơ cũng có sự thay đổi. Ông Mã Khánh Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 phát sinh trên địa bàn quận, việc thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn quận có một chút thay đổi. Về rác thải sinh hoạt phát sinh tại những khu vực không bị phong tỏa vẫn được Công ty CP Đô thị Cần Thơ đảm trách, còn chất thải tại những khu vực bị phong tỏa thì do đơn vị có chức năng phân loại, thu gom, xử lý mỗi ngày.
loai-tru-nguy-co-tiem-an-dich-benh-covid-19-dbscl-thu-gom-van-chuyen-xu-ly-dung-quy-dinh-1Để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, những ngày vừa qua việc thu gom, vận chuyển chất thải tại khu vực dân cư bị phong tỏa thực hiện chặt chẽ hơn.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch
Trong những ngày vừa qua dù là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng các công ty công trình đô thị vùng ĐBSCL vẫn đảm bảo lực lượng, phương tiện ngày đêm túc trực thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ dân đến nhà máy xử lý.
Chia sẻ với phóng viên, Chị Nguyễn Thị Hà - công nhân của Công ty CP Đô thị TP. Cần Thơ phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt thông thường trên địa bàn quận Cái Răng cho biết, hàng ngày, lực lượng công nhân của Công ty nhanh chóng đến các đường, hẻm của các khu dân cư gom rác và đưa lên xe chuyên dụng vận chuyển đến nhà máy xử lý. Tại khu vực tập kết rác cũng như các xe chở rác thường xuyên được phun xịt dung dịch diệt khuẩn, khử mùi, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Ông Mã Khánh Hậu thông tin thêm, mặc dù khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn quận mỗi ngày là tương đối lớn, (khoảng 400 tấn - PV), nhưng đều được các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để trong ngày nên không phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường vì ứ đọng rác.
Thông tin với phóng viên, ông Quách Minh Hiển, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị tỉnh Hậu Giang cho biết, trong thời gian này, mặc dù Công ty cũng gặp những khó khăn nhất định do thực hiện giãn cách xã hội, song công ty vẫn đảm bảo việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực thành thị cũng như nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Cùng với đó, để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị tỉnh Hậu Giang còn trang bị dụng cụ bảo hộ cho lực lượng công nhân trực tiếp thực hiện công tác thu gom rác thải tại khu dân cư; đồng thời quản lý nghiêm ngặt, thường xuyên phun xịt dung dịch khử khuẩn cho các phương tiện chuyên dụng chở rác đến nơi xử lý.

Lê Hùng
Nguồn Báo TN&MT
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.