Từ năm 2018, lò đốt rác tập trung với công suất 7 tấn/ngày của Công ty TNHH Dịch vụ và môi trường Doanh Vượng được vận hành thường xuyên, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường xã Quất Lưu
Hướng tay về phía những luống ngô xanh ngắt thay cho bãi rác tạm trước đây, anh Trần Trung, cán bộ địa chính - nông nghiệp và môi trường xã Quất Lưu nói: Với 7 thôn dân cư, 6.300 nhân khẩu, hơn 580 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh, chăn nuôi và 30 đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh từ 7-10 tấn. Nếu không được thu gom, xử lý kịp thời, lượng rác thải này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh doanh thương mại. Bởi vậy, những năm qua, chính quyền địa phương luôn tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
Hằng ngày, hợp tác xã Dịch vụ môi trường Quất Lưu đều tổ chức thu gom rác thải tại các khu dân cư. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác thải đúng thời gian, địa điểm quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường; duy trì thường xuyên và có hiệu quả các phong trào, mô hình đường hoa phụ nữ, tuyến đường cựu chiến binh tự quản, ngày môi trường thế giới, chống rác thải nhựa…Đặc biệt, năm 2018, Công ty TNHH dịch vụ và môi trường Doanh Vượng đưa vào hoạt động 1 lò đốt rác tập trung với công suất 7 tấn/ngày. Nhờ vậy, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn có chuyển biến tích cực, không còn hiện tượng rác thải sinh hoạt bị tồn đọng trong thôn dân cư, cơ bản các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn đều trong giới hạn cho phép, chất lượng môi trường được nâng lên.
Cùng với Quất Lưu, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Hoàng Thị Mến, Chủ nhiệm Hợp tác xã môi trường Tam Phúc cho biết: Đều đặn thu gom 3 lần/tuần rồi vận chuyển ra bãi chôn lấp rác thải tập trung được xã bố trí cách xa khu dân cư để phân loại, phun thuốc và chôn lấp đã là công việc quen thuộc của các thành viên trong hợp tác xã từ nhiều năm nay. Mặc dù mức lương trung bình chỉ 3,2 đồng/người/tháng song hiểu được ý nghĩa thiết thực của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của địa phương, các thành viên hợp tác xã vẫn gắn bó với công việc nặng nhọc và độc hại này. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, hợp tác xã thu gom gần 2.000 tấn rác thải; trồng thêm hơn 500m đường hoa tại các điểm công cộng, trục đường chính…
Đặc biệt, để công tác môi trường ngày càng đi vào nền nếp, hằng năm, UBND xã đều dành trên 300 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, chế phẩm sinh học phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân... tích cực hưởng ứng các phong trào tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, quét dọn đường làng ngõ xóm, trồng thêm cây xanh và hoa trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ, vớt rác từ các dòng kênh.
Đường làng ở xã Tam Phúc luôn sạch sẽ, góp phần đưa địa phương trở thành 1 trong 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm nhất tỉnh
Từ những việc làm thiết thực, nhận thức của người dân với công tác bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên, thay vì vứt rác bừa bãi, buộc trâu bò ra đường gây ô nhiễm môi trường đã chủ động dọn dẹp, vệ sinh và trồng thêm cây xanh xung quanh khu vực gia đình sinh sống. Hiện 100% rác thải phát sinh tại địa phương trước khi đem chôn lấp đều được xử lý bằng vôi bột, chế phẩm sinh học, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 830 tấn rác thải sinh hoạt. Để xử lý rác thải, toàn tỉnh có 2 nhà máy, cơ sở xử lý rác thải tập trung, công suất từ 50-150 tấn/ngày; 230 bãi rác tạm, 34/37 lò đốt rác thải rắn sinh hoạt đang hoạt động tại 9 huyện, thành phố. Việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đã được hình thành theo hệ thống, bước đầu giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt gây ra. Tính đến hết tháng 7/2021, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý là trên 760 tấn/ngày, đạt 85%. Trong đó, tại khu vực đô thị, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 95%; tại nông thôn đạt 75%.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là chất thải rắn, thời gian tới, cùng với đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch công suất 270 tấn/ngày và khu xử lý rác thải xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, công suất 50 tấn/ngày, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đưa hành động bảo vệ môi trường trở thành thói quen tự giác của người dân; gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết từ chối các dự án đầu tư nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tích hợp với quy hoạch chung của tỉnh; vận hành hiệu quả các lò đốt rác đã đầu tư; tiếp tục ưu tiên, kêu gọi xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực giám sát và kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải.
Lê Duyên
Nguồn vinhphuc.gov.vn