Đến các bản, xã trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, không khó để nhận thấy rác thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp: túi ni-lông, chai nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, rác sau thu hoạch nông nghiệp, chất thải vật nuôi phóng uế bừa bãi trên các tuyến đường nội đồng, nội bản, liên xã, huyện, tại khu vực sinh sống đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư… Thậm chí, tại một số khu vực được các bản, xã bố trí làm vị trí đổ rác tập trung, rác thải được tập kết với khối lượng lớn nhưng chưa được xử lý, bốc mùi khó chịu.
Mường Mô là địa phương được huyện Nậm Nhùn lựa chọn, phấn đấu xây dựng trở thành xã NTM tiêu biểu của huyện. Nhận thức của đại bộ phận người dân trong công tác bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải vẫn là một vấn đề khó trong thực hiện tiêu chí môi trường của xã hiện nay.
Ông Trần Anh Đôn – Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: "Trong quá trình xây dựng NTM, xã xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó cần quan tâm và tiếp tục duy trì, nâng cao tiêu chí này. Xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề thu gom và xử lý rác thải. Hiện các hộ dân trong xã đã có ý thức tự giác thu gom rác thải ngay tại gia đình, xung quanh khu vực sinh sống. Nhưng xã vẫn chưa được đầu tư bãi thu gom rác thải tập trung và vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi hộ gia đình tại các bản vẫn đang là vấn đề khó hiện nay”.
Còn tại xã Nậm Chà, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường nhiều hạn chế. Vì vậy, vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt, việc xả rác bừa bãi ngay tại khu vực sinh sống, ra các khu vực vắng người hoặc vứt rác thải đã được thu gom trên đường lên nương, ruộng vẫn là điều hiển nhiên với nhiều người dân.
Chia sẻ với chúng tôi về thực trạng này, ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: "Để thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức tự giác của người dân trong công tác bảo vệ môi trường là vấn đề không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu và dần thay đổi thói quen xả rác bừa bãi... Cùng với đó, đưa vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn trở thành phong trào thi đua với sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân qua các hoạt động như: "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Chủ nhật xanh', "5 không, 3 sạch"… là những giải pháp mà xã đang chú trọng thực hiện trong vấn đề xử lý rác thải và thực hiện tiêu chí môi trường”.
Đào hố chôn lấp là giải pháp xử lý rác thải được bà con tại bản Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn) thực hiện.
Được biết việc thu gom rác, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hiện mới chỉ được thực hiện tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn có điều kiện về kinh tế - xã hội bằng các phương pháp chủ yếu là đốt, chôn lấp; với các xã còn lại việc thu gom, xử lý rác thải phụ thuộc rất lớn vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ số hộ gia đình thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt, đào hố chôn lấp rác thải nhất là tại các bản vùng cao vẫn còn rất ít, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn nhiều hạn chế do vậy việc thu gom rác thải tại các bản, xã gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng xử lý rác thải trên địa bàn huyện, ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: "Có thể nói vấn đề xử lý rác thải trong thực hiện tiêu chí môi trường là vấn đề nan giải. Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, tiêu chí môi trường được coi là một trong những tiêu chí khó đối với hầu hết các xã, kể cả các xã đạt chuẩn NTM thì tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí còn non”.
Hiện nay, công tác vệ sinh môi trường đã được chính quyền các cấp triển khai, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng NTM. Năm 2020, từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Nậm Nhùn đã phân bổ trên 2 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã triển khai mua sắm trang bị xe đẩy rác, thùng rác và thực hiện các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt về nơi tập kết rồi xử lí bằng cách đốt, chôn lấp. Từ nguồn vốn phân bổ hàng năm, một số xã đã quy hoạch đầu tư các điểm thu gom rác theo hình thức "lò đốt rác” tập trung nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xử lý rác thải như 2 xã: Lê Lợi, Pú Đao.
Mặc dù vậy, lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng nhiều, việc xử lý rác thải bằng biện pháp đốt và chôn lấp về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường do rác thải sinh hoạt chủ yếu là túi nilông, chai nhựa rất khó phân hủy. Ngoài rác thải sinh hoạt, với thói quen chăn nuôi tại nhà, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp của người dân cũng được xả trực tiếp ra môi trường mà không có biện pháp thu gom, xử lý. Với các loại chất thải chăn nuôi, chai thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng dư lượng hóa học nhất định khi xả thải trực tiếp ra môi trường không chỉ bốc mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mà còn tiềm ẩn các mầm bệnh gây hại đến sức khỏe con người, vật nuôi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu gom và xử lý rác thải tại nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhưng chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất của người dân chưa cao. Cùng đó, với các bản, xã còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng; chưa đầu tư, bố trí quy hoạch xây dựng các khu vực đổ và xử lý rác tập trung, phương tiện thu gom rác trong khi nhu cầu xử lý rác thải ngày càng lớn.
Lò Dinh
Nguồn Báo Lai Châu