Vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn
Những kết quả ban đầu
Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các đơn vị, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.
Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các xã đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... và thực hiện theo các nội dung được phê duyệt. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Tình hình mai táng trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với quy định và theo quy hoạch của UBND tỉnh.
Theo Bộ tiêu chí thôn NTM tỉnh Bắc Kạn năm 2021, để đạt tiêu chí về môi trường và cảnh quan nông thôn phải đảm bảo các tiêu chí: Đường trục thôn, ngõ xóm đảm bảo xanh, sạch, đẹp; chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đươc thu gom, xử lý theo quy định; không có tình trạng vứt rác bừa bãi nơi công cộng; định kỳ hằng tháng tổ chức tổng vệ sinh chung toàn thôn; công trình chăn nuôi, nhà tắm, nhà tiêu xây dựng đúng quy trình kỹ thuật; nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay, môi trường khu vực nông thôn ở các địa phương vẫn còn tình trạng ô nhiễm do chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý triệt để theo đúng quy cách, hợp vệ sinh; tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh ở một số thôn bản vùng cao rất thấp; chuồng trại chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; vẫn còn tình trạng xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không đúng quy định; việc tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt tại các điểm xử lý tự xây dựng theo quy mô nhóm hộ, hộ gia đình chưa đảm bảo...
Tiêu chí môi trường vẫn đang là "bài toán khó” trong công tác xây dựng NTM tại các địa phương. Bởi vậy, tính đến nay, toàn tỉnh mới có 24 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, như vậy số xã chưa đạt tiêu chí môi trường còn rất lớn. Nhiều xã đã đạt chuẩn nhưng việc giữ các tiêu chí cũng là một nhiệm vụ khó khăn.
Gỡ khó trong thực hiện tiêu chí môi trường
Để tiêu chí môi trường không trở thành "rào cản” trên con đường xây dựng NTM, các huyện, thành phố đang tập trung thực hiện đồng bộ các nội dung của tiêu chí này. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí về môi trường khu vực nông thôn và xây dựng NTM, trong đó, hướng dẫn chi tiết một số nội dung về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM theo các tiêu chí đã quy định của UBND tỉnh Bắc Kạn để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thuận tiện hơn trong công tác nghiệm thu xã NTM. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức, cá nhân về công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tăng thêm 41 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Kế hoạch đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với từng chỉ tiêu trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường; đưa ra các biện pháp triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của từng cấp, từng ngành, các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn.
Cụ thể như việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, biện pháp thực hiện là đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, định kỳ bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, duy trì ổn định công trình hiện có để phục vụ người dân được sử dụng nước sạch. Đối với các công trình đầu tư mới, cần khảo sát việc cam kết nộp phí sử dụng nước của người dân, ưu tiên đầu tư thực hiện những công trình có ít nhất 75% người dân cam kết trả phí sử dụng. UBND cấp xã chỉ đạo các tổ quản lý thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cao ý thức tiết kiệm vì cộng đồng; rà soát và thu phí đầy đủ để người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nước sạch…
Để đạt tiêu chuẩn cảnh quan, môi trường được đánh giá xanh - sạch - đẹp, an toàn, UBND xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện xây dựng hương ước về giữ gìn vệ sinh chung trong xã và các hộ gia đình tổ chức thu dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng định kỳ 01 lần/tháng; vệ sinh hồ ao, nạo vét kênh mương thường xuyên. Các hương ước này phải được niêm yết công khai bằng hình thức phù hợp để người dân cùng thực hiện và giám sát, hằng tuần thông báo trên phương tiện loa phát thanh của xã, tổ dân phố. Các xã cũng tiến hành kiểm soát rác thải sinh hoạt, không để phát sinh các bãi rác thải tự phát, đặc biệt khu vực giáp ranh các xã, vị trí các cầu, bờ sông, suối...
Xác định vấn đề môi trường - cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, vì thế, ngoài ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường, tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương và đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ người dân xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, lò đốt rác tập trung, cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... Ðặc biệt, các công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng cao của người dân.
Đầu tư nguồn lực, đề ra chỉ tiêu và hướng dẫn cụ thể thực hiện tiêu chí môi trường trong thời gian tới, đây sẽ là giải pháp gỡ khó giúp cho môi trường tại các địa phương ngày càng được cải thiện, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh./.
Hương Lan
Nguồn backan.gov.vn