Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Cần sự quyết liệt của địa phương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2021 | 10:44:15 Sáng

Vừa qua, với mục đích bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cử tri Hà Nam đã có kiến nghị về công tác điều hành và quản lý môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ. Trả lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua Bộ TN&MT và các Ban, ngành, địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông đặc thù.

Cụ thể, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai Dự án "Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/1/2018. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường 2012 - 2015; Chương trình Mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 807/QĐ-TTg, trong đó có Dự án ưu tiên về xử lý nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2030 tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013 và Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 12/2/2015...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ -  Đáy cũng đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trên lưu vực sông này, tập trung vào vấn đề môi trường nổi cộm như: xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt; cải thiện giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn công nghiệp...
bao-ve-moi-truong-luu-vuc-song-nhue-day-can-su-quyet-liet-cua-dia-phuong-1Một góc lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Hiện nay, 5/5 địa phương (Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Đơn cử, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều Chỉ thị và Quyết định đặc thù về bảo vệ môi trường sông Nhuệ; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch, khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra cống chung đổ ra sông Tô Lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động liên tục, xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải…
Bộ TN&MT cho rằng, để bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ, ngành trong đôn đốc, chỉ đạo, hoàn thiện các thể chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra, điều phối; đặc biệt là vai trò của địa phương nơi quản lý các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ nguồn thải trên lưu vực.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành và địa phương liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ cơ chế mới trong tổ chức, điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường của lưu vực, trong đó sẽ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, các địa phương có nguồn thải chính.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có nguồn thải triển khai việc thu gom xử lý các nguồn thải trên địa bàn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; chủ trì, phối hợp với các địa phương trên lưu vực tiến hành quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên lưu vực. Thực hiện việc bổ cập nước thông qua hệ thống thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi…
Đối với UBND 5 tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải đô thị, các khu cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn, đảm bảo nước thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đặc biệt các hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Ngoài ra, đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang, UBND tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội phối hợp rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quan trắc; rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra…

Thuý Nhi
Nguồn Báo TN&MT
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.