Những trận lũ lụt nghiêm trọng như trận lũ xảy ra ở Đức vào giữa tháng bảy vừa qua có khả năng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai. Ảnh: dpa.
Đây là kết luận được hơn 200 nhà khoa học thuộc 66 quốc gia đưa ra trong báo cáo đánh giá thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), dựa trên cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu của hơn 14.000 nghiên cứu.
Họ dự đoán, cháy rừng sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn ở phía Bắc của Địa Trung Hải do các đợt hạn hán và sóng nhiệt có khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở khu vực này, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới trong thời gian tới. Nếu mức ấm lên trung bình là 1,50C, tần suất xuất hiện của sóng nhiệt sẽ tăng hơn 9 lần, và với mức tăng 20C, tần suất sẽ tăng 14 lần. Không chỉ vậy, các đợt sóng nhiệt cũng sẽ nóng hơn khoảng 2 hoặc 2,70C so với giai đoạn trước năm 1900. Nếu so sánh với thời điểm đó, hạn hán ngày nay có lẽ cũng đã xuất hiện nhiều hơn 1,7 lần do biến đổi khí hậu. Và nếu nhiệt độ ấm lên là 20C, số đợt hạn hạn sẽ tăng 2,4 lần, đồng thời mức độ khô hạn cũng cao hơn trước.
Các nhà khoa học đã đưa ra được những kết luận này nhờ vào các nghiên cứu xác định xác suất hiện tượng cực đoan xảy ra khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên một mức nhất định. Và theo đó, do không khí nóng hơn có thể hấp thụ nhiều hơi ẩm hơn, mưa lớn được dự đoán sẽ tăng lên tại một số khu vực ở châu Âu. Tương tự, lượng mưa trung bình ở các vĩ độ cao cũng sẽ ngày một nhiều hơn.
Chúng ta vẫn có thể "cứu vãn” một số hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng hoàn toàn không phải là tất cả. Chẳng hạn, các sông băng ở Greenland gần như chắc chắn sẽ tiếp tục thu nhỏ lại trong thế kỷ này, và băng mùa hè ở Bắc Cực cũng sẽ càng ngày càng ít hơn nữa. Đây là xu hướng không thể đảo ngược trong hàng thập kỷ tới, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ. "Chúng ta đã từng nói rằng vẫn có thể ngăn chặn được việc Bắc Cực trở thành nơi không còn băng tuyết. Nhưng hiện giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta biết được rằng đã quá muộn để có thể làm được điều đó”, Dirk Notz, một nhà khoa học tại Viện Khí tượng Max Planck, giáo sư tại đại học Hamburg, đồng thời là tác giả chính của chương báo cáo về đại dương - băng quyển - mực nước biển, cho biết.
Bên cạnh đó, báo cáo phụ cũng có những bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc phát thải khí nhà kính là nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,10C. Nếu cắt giảm phát thải CO2, chúng ta có thể ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 20C và thậm chí là 1,50C, như Thỏa thuận Khí hậu Paris kỳ vọng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, lượng phát thải CO2 phải được cắt giảm một cách nhanh chóng. "Đó là cơ hội duy nhất để đạt được các mục tiêu. Và chúng ta phải làm ngay trong thập kỷ này”, Jochem Marotzke, Giám đốc Viện Khí tượng Max Planck và là một trong các tác giả của chương về tương lai của khí hậu toàn cầu, cho biết. "Để đạt được mục tiêu 1,50C, chúng ta cần phải giảm lượng phát thải CO2 xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này”. Chúng ta vẫn có thể phát thải CO2, song, lượng khí thải ấy phải được loại bỏ khỏi khí quyển thông qua nhiều phương thức khác nhau, ví dụ như trồng lại rừng.
Việc hạn chế nồng độ khí nhà kính đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh: các đại dương và thảm thực vật trên đất liền đã hấp thụ một lượng lớn CO2 do con người thải ra, song, những "bể chứa carbon” này đang ngày càng kém hiệu quả hơn và tỉ lệ CO2 mà nó hấp thụ được đang liên tục giảm xuống trong suốt thế kỷ. □
Nguồn: https://phys.org/news/2021-08-intense-frequent-droughts-future.html
Mỹ Hạnh dịch
Nguồn Tia Sáng