Rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt… hàng ngày đang được người dân mặc nhiên đổ ngay trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Hương Khê. Trong vòng chưa đầy 20 phút quan sát, có đến hàng chục người dân thản nhiên mang rác thải vứt ngay bên lề đường.
Dễ dàng nhận thấy, việc đổ rác thãi bữa bãi của người dân không hề lén lút mà công khai giữa ban ngày, bất kỳ thời điểm nào cũng có thể bắt gặp. Vậy nhưng, lực lượng chức năng không thấy xuất hiện chấn chỉnh những hành vi thiếu ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường này.
Người dân đổ rác ra hành lang giao thông
Rác tích tụ từng ngày, chất thành đống bốc mùi hôi thối ngay trên con đường huyết mạch. Như thành thói quen, người đổ rác đưa ra rất nhiều lý do để biện minh biến nơi đây trở thành bãi tập kết rác, dù đã có biển cấm đổ rác, có camera an ninh giám sát.
Bà Trần Thị Hoàn ở thị trấn Hương Khê, bức xúc: "Sống ở gần trung tâm hành chính của huyện mà bãi tập kết rác nằm cách nhà chưa đầy 50m. Hàng ngày, gia đình tôi luôn bị tra tấn mùi hôi thối, ruồi nhặng. Nhà cửa làm kiên cố ở đây giờ chẳng lẽ chuyển đi nơi khác, kêu mãi cũng chẳng ai nghe. Hồi năm ngoái nghe nói xây dựng nhà máy xử lý rác, mừng quá, nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Rác thải nằm ngổn ngang ở thi trấn Hương Khê
Việc biến lề đường huyết mạch giao thông Bắc- Nam thành nơi chứa rác không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người điều khiển phương tiện giao thông. Rất nhiều người dân cảm thấy phản cảm khi phải hằng ngày chứng kiến một lượng rác rất lớn án ngữ giữa trung tâm đô thị.
Tìm hiểu sự việc được biết, từ ngày bãi tập kết rác thải Trại Lợn bị "tê liệt”, huyện Hương Khê vẫn chưa tìm ra được điểm xử lý rác thải thay thế, khiến cho môi trường luôn trong tình trạng ô nhiễm. Để kịp thời tháo gỡ, thời gian qua các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải thải trên địa bàn nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Chính bởi thế mà hằng ngày có khoảng 13-14 tấn rác thải rắn trên địa bàn thị trấn thiếu phương án xử lý đảm bảo môi trường. Rác thải bị tồn đọng ở những bãi tự phát, trên hành lang giao thông, trong khu dân cư.
Đổ rác ra hành lang giao thông trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Hương Khê đang trở thành thói quen của người dân
Lãnh đạo UBND huyện Hương Khê từng thừa nhận: "Địa phương đang phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn (100 triệu đồng/tháng) để ký hợp đồng với một đơn vị xử lý rác ở Quảng Bình. Do lượng rác hàng ngày không đủ chuyến vận chuyển, đơn vị xử lý yêu cầu hai ngày gom một lần nên mới xẩy ra ứ đọng rác. Hiện huyện không còn phương án tốt hơn nên mới phải hợp tác như vậy nhưng cách làm này cho thấy những hạn chế, chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng ô nhiểm rác thải ở Hương Khê”.
Theo khảo sát, tính toán của cơ quan chuyên môn lượng rác thải trung bình năm (giai đoạn 2019 – 2033) trên địa bàn thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) của huyện Hương Khê khoảng 7.535 tấn/năm (20,6 tấn/ngày).
Được biết, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn tập trung của huyện Hương Khê được đầu tư khoảng hơn 23 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn đóng góp khác. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu, dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung lựa chọn công nghệ lò đốt SANKYO GF 1500, công suất 1.000 kg/h công nghệ Nhật Bản, đáp ứng uy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61:2016/BTNMT).
Ông Nguyễn Xuân Quyền - Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: "Việc quy hoạch đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn đã triển khai từ nhiều năm nay. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận kết quả đánh giá tác động môi trường để triển khai xây dựng nhà máy. Hy vọng, với sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đảm bảo các điều kiện về môi trường thì dự án sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động ”.
Đức Cảnh
Nguồn Báo TN&MT