Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/5/2014 | 10:43:52 Sáng

Ngày 27/5/2014, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò, nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Ông trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Nguyễn Văn Cư – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với những diễn biến phức tạp mà dễ thấy nhất là hiện tượng nước biển dâng. Với chiều dài hơn 3.260 km đường bờ biển, cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là một nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Để thực hiện chức năng phổ biến kiến thức và tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-LHH-BTNMT ngày 3/12/2004 về việc “phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững”. Đây chính là cơ sở pháp lý để Liên hiệp Hội Việt Nam hằng năm tổ chức các hội thảo, tập huấn, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như tập hợp các đề xuất, giải pháp về bảo vệ môi trường nói chung, thích ứng biến đổi khí hậu và ngăn ngừa nước biển dân nói riêng.  GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường rất đa dạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 về bảo vệ môi trường của Việt Nam. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đóng góp vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình Nghị sự 21 cũng như chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế trong tất cả các khâu, từ tổ chức, quản lý đến cơ chế, chính sách, chỉ đạo thực hiện, đầu tư và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình lập quy hoạch phát triển, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ - Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày tại hội thảo

Ông Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, hiện nay các tổ chức dân sự chính là tác nhân quan trọng đảm bảo các chính sách về biến đổi khí hậu cân nhắc tới lợi ích của các nhóm người dân nghèo và dễ bị tổn thương. Hiện đã có nhiều tổ chức dân sự tích cực hoạt động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ thích hợp cho người dân, các chương trình nâng cao nhận thức, tổ chức những sự kiện môi trường và làm sạch ở địa phương, tổ chức các chương trình và khóa học về biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự tham gia của người dân, của doanh nghiệp, của các đoàn thể, các nhà khoa học và quản lý vào những hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu cụ thể.

Các tổ chức dân sự cũng tham gia đóng góp cho chính phủ về sực cần thiết phải có những luật mới, những chính sách, chương trình hoặc chiến lược mới về biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc cải cách luật dẫn đến việc thực thi hiệu quả hơn, tốn kém ít hơn. Nhiều tổ chức đã tích cực thúc đẩy việc ra đời những luật và nghị định mới về kiểm soát ô nhiễm nước, kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các nghiên cứu khoa học, các hội nghị, hội thảo khoa học.  


Tin, ảnh: BT
  •  
Các tin khác

Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.