Khởi động Đề án Xây dựng Báo cáo thường niên về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2015 | 9:42:20 Sáng
(tapchicapthoatnuoc.vn)- Ngày 27/5/2015 tại Trụ sở của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã diễn ra Hội thảo Khởi động Đề án Xây dựng Báo cáo thường niên về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện các tổ chức thành viên Liên hiệp hội, cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế…
Đề án này đã được Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt vào ngày 10/3/2015 và được giao cho Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) trực tiếp thực hiện.
Hội thảo lần này được tổ chức để giới thiệu đề án và tham vấn với đại diện các tổ chức thành viên Liên Hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… về chủ đề và đề cương của Báo cáo số 1 năm 2015: “Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Góc nhìn từ cộng đồng”. Đồng thời lấy ý kiến đóng góp, mời các chuyên gia tham gia cộng tác xây dựng báo cáo này.
Sau phần khai mạc của lãnh đạo VUSTA, ông Ngô Công Chính – chủ nhiệm đề án đã giới thiệu tóm lược về đề án này: Lý do hình thành, cấu trúc của báo cáo, nội dung nghiên cứu… GS-TSKH Trương Quang Học đến từ AMDI đã cũng đã trình bày một bản báo cáo khái quát về cuộc chiến với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và tại Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ phát triển cộng đồng (NGOs).
Các báo cáo tại hội thảo đều cho thấy biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gây ra những tác động khó lường đối với con người, môi trường và hệ sinh thái. Việt Nam nằm trong số những quốc gia hàng đầu thế giới dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu với sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan làm cho hậu quả của thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn và khó dự đoán hơn, gây nhiều tổn thất cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.
Trước thực trạng đó, Việt Nam đã và đang là một trong những nước tích cực nhất tham gia vào cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Hiện nay ở nước ta đã có một số báo cáo về biến đổi khí hậu do các cơ quan Chính phủ như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… thực hiện. Tuy nhiên những báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của môi trường và khí hậu, phương pháp tiếp cận từ trên xuống, chưa có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức nghiên cứu độc lập, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng nên chưa phản ánh đầy đủ quan điểm của các bên liên quan trực tiếp tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì những nguyên nhân đó, báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ là tài liệu tổng kết đầy đủ những khó khăn, cơ hội và thách thức của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề quan trọng của năm đó và có vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo. Quan trọng hơn, các vấn đề đó được đặt trong một mục tiêu chung là tìm kiếm và xây dựng một kế hoạch phát triển dài hạn cho Việt Nam.
Ông Ngô Công Chính cho biết: “Do tính chất đặc thù đó, hàng năm, các vấn đề này sẽ được nhóm tác giả lựa chọn trên cơ sở tham khảo ý kiến của giới chuyên gia về môi trường, khí tượng - thủy văn, xã hội học, kinh tế… trên một cơ sở rộng rãi và khoa học”.
Đại biểu thảo luận tại hội thảo
Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, trao đổi trong hội thảo như vấn đề xác định vai trò, phạm vi đối tượng cộng đồng liên quan đến cuộc chiến với biến đổi khí hậu, trong đó không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nghiệp; Xem xét đánh giá lại những chính sách về đối phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã ban hành để phát huy những điểm đã làm được và tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm còn hạn chế; Chuẩn hóa các thuật ngữ chuyên ngành trong báo cáo…
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, tất cả các đại biểu tham gia đều đánh giá cao tính thời sự và mức độ cần thiết cần phải xây dựng “Báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu tại Việt Nam” trở thành một báo cáo khoa học độc lập có uy tín, có ý nghĩa tham khảo sâu rộng, là tài liệu quan trọng không thể bỏ qua trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Bài-ảnh: Hà Thắm
Các tin khác
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Chiều 8/9, một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh... đang làm nhiệm vụ.
Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.
Việc đề xuất lấy nguồn rác đã chôn lấp trước đây tại bãi rác Nam Sơn lên xử lý bằng công nghệ đốt là điều nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên và đặt câu hỏi về tính thực tế, hiệu quả. Trong khi, có nhiều cách để biến một bãi rác thành công viên.