Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết tính đến ngày 29/10, lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 51,91 triệu m3/192,21 triệu m3; lượng nước hồ Đơn Dương 137,56/165 triệu m3. Như vậy nguồn nước dự trữ đang ngày một cạn kiệt.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn với mục tiêu cao nhất là không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác chống hạn gắn với từng địa bàn, lĩnh vực; ban hành Quyết định công bố hạn hán trên địa bàn tỉnh cho nhân dân biết để tập trung các biện pháp khắc phục.
Tỉnh cũng thành lập 3 Tổ công tác (do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh làm tổ trưởng) để chỉ đạo thực hiện công tác chống hạn năm 2015 theo từng địa bàn được phân công. Đối với lĩnh vực sản xuất, tỉnh Ninh Thuận quyết liệt chỉ đạo tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giảm tối đa diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây trồng ít sử dụng nước, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; mô hình tưới tiết kiệm nước; cách chế biến những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; di chuyển đàn gia súc ở những nơi khô hạn về những nơi có nguồn nước uống, thức ăn cho gia súc...
Trong vụ Đông Xuân 2014-2015 và Hè Thu 2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.129ha từ đất trồng lúa vùng cuối kênh, không chủ động nguồn nước sang trồng nho, dưa hấu, đậu xanh, bắp lai, cỏ chăn nuôi và áp dụng tưới tiết kiệm.
Kết quả từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thấy cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha, cao hơn làm lúa trên 9 triệu đồng/ha; cây bắp lai cho lợi nhuận trên 12 triệu đồng/ha, cao hơn cây lúa trên 4,5 triệu đồng/ha. Đây là cơ sở để vận động, khuyến khích nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của tỉnh.
Trong vụ mùa 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, cỏ chăn nuôi với diện tích 840 ha (đã thực hiện được 690 ha); đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh, mang tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Vĩnh cho rằng, đối với địa phương Ninh Thuận cũng như nhiều tỉnh, thành khác, vấn đề đặt ra không chỉ là đầu tư hồ, đập mà quan trọng hơn là kết nối, điều tiết, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn nước không chỉ trong phạm vi tỉnh mà còn mang tính chất vùng thậm chí là toàn quốc.
Đối phó với mùa Đông ấm
Tỉnh Nam Định nằm ở ven biển Bắc Bộ, thuộc hạ lưu sông Hồng và sông Đáy, có chiều dài bờ biển 91km đang thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và úng.
El Nino và biến đổi khí hậu khiến nền nhiệt ở Nam Định tăng từ 0,5-1 độ C; lượng sương mù và lượng mưa giảm, tần suất cũng như lượng mưa hàng tháng thay đổi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, do nằm ở hạ lưu hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đáy nên về mùa mưa, nơi đây có lượng mưa tăng cao, mùa khô lượng mưa giảm mạnh. Do đó, tình trạng úng lụt trong mùa mưa (vụ Hè Thu) và hạn hán trong mùa khô (vụ Đông Xuân) ở Nam Định đang tăng lên cả về tần suất và cường độ.
Cường độ bão lớn, tần suất xuất hiện và cường độ triều cường tăng; độ mặn vùng cửa sông tăng cao, nước biển lấn sâu hơn vào các cửa sông; đất canh tác vùng ven biển bị nhiễm mặn nặng hơn và trên quy mô rộng hơn.
Hàng năm, Nam Định đều có trên 11.000ha đất canh tác chân cao bị thiếu nước trầm trọng và 52.000ha đất trồng lúa của 6 huyện phía Nam gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân.
Ước tính có gần 38.000ha đất canh tác của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh hàng năm đều bị ảnh hưởng do hạn hán, triều cường và xâm thực mặn.
Mùa Đông năm nay được dự báo sẽ ấm hơn mọi năm do đó, việc canh tác lúa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cây mạ sẽ sinh trưởng không bình thường và phát sinh nhiều dịch bệnh.
Trước tình hình đó, Nam Định đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như điều tiết các hồ thủy lợi phía thượng lưu để đảm bảo đủ nguồn nước giai đoạn đổ ải và tưới dưỡng vụ Xuân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động thực hiện các giải pháp công trình trên dòng chính như xây dựng các cống/đập điều tiết trên các sông để ngăn mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện cho lấy nước và tiết kiệm nguồn nước.
Tỉnh cũng thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, thay đổi cơ cấu mùa vụ; cơ cấu cây, con vật nuôi mới, cũng như vấn đề phát triển đô thị, công nghiệp và ô nhiễm môi trường của tỉnh.
Các cống ngăn mặn của Nam Định được xây dựng kết hợp với giao thông đường, vừa có tác dụng ngăn mặn vừa không ảnh hưởng đến các hoạt động tiêu nước của các cống tiêu. Vị trí các cống cách cửa sông khoảng 12-15km.
Việc ngăn mặn xâm nhập vào sông và làm ngọt hóa cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm hạ lưu các sông sẽ giải quyết tốt nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng ven biển thuộc các huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng.
Cà Mau nỗ lực ngăn nguy cơ xâm nhập mặn và cháy rừng
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết trước đây, hệ sinh thái nông nghiệp Cà Mau có 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt và những năm gần đây, mặc dù cũng có 2, 3 tháng ngọt; 9, 10 tháng mặn (do ảnh hưởng diện tích nuôi trồng thủy sản tăng mạnh so với diện tích sản xuất nông nghiệp theo hệ sinh thái ngọt) nhưng do mùa mưa năm nay đến muộn và kết thúc sớm, lượng mưa ở Nam Bộ thiếu hụt từ 20÷50% so với trung bình nhiều năm nên các sông, rạch, kênh, mương trên địa bàn tỉnh Cà Mau gần như có nước mặn quanh năm.
Trên thực tế, mùa mưa ở Cà Mau kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm gần một tháng nên không đủ lượng nước ngọt rửa mặn để gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Năm 2015, toàn tỉnh chỉ gieo cấy được 31.274ha so với kế hoạch 42.800ha. Tuy nhiên, diện tích lúa này cũng phát triển rất kém và có khả năng giảm năng suất rất nghiêm trọng, một số diện tích gieo cấy muộn sẽ không có thu hoạch.
Căn cứ vào tình hình nguồn nước hiện tại và nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về ảnh hưởng của El Nino hiện nay và sẽ kéo dài đến những tháng đầu năm 2016, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra đối với tỉnh Cà Mau là rất nghiêm trọng.
Theo Quy hoạch thủy lợi, tỉnh Cà Mau chia làm hai vùng Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau bao gồm 23 tiểu vùng (Bắc Cà Mau có5 tiểu vùng; Nam Cà Mau 18 tiểu vùng) và vùng Quản lộ Phụng Hiệp do Trung ương đầu tư vào những năm 2000.
Trong số đó, chỉ có tiểu vùng II và III Vùng Bắc Cà Mau thuộc phần lớn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời có diện tích tự nhiên gần 90.000ha là giữ ngọt tại chỗ, chủ yếu là nước mưa, và khoảng trên 20.000ha rừng tràm ở tiểu vùng I và IV thuộc huyện U Minh vùng Bắc Cà Mau. Những vùng này có hệ thống thủy lợi khép kín để ngăn mặn giữ ngọt, phục vụ sản xuất sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy rừng…
Do không có nước ngọt bổ sung nên hệ thống kênh các cấp bị khô cạn và nước mặn thẩm thấu vào bên trong khi nắng nóng, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến các trà lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Cà Mau như lúa tôm, lúa lấp vụ 2, lúa mùa với tổng diện tích 94.000ha. Đặc biệt, khu vực rừng Tràm U Minh Hạ sẽ báo động cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm với thời gian kéo dài hơn và nguy cơ cháy rừng rất cao.
Phần diện tích còn lại khoảng 420.000ha với hệ thống sông, rạch, kênh, mương chằng chịt hầu như hở (không khép kín), diện tích sản xuất đan xen như chuyên tôm, tôm rừng, tôm lúa, chuyên lúa, lúa tôm, lúa cá…
Với gần 300.000ha đất nuôi trồng thủy sản, hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài và biên độ triều mùa kiệt dẫn đến hệ thống kênh rạch bị cạn dần, độ mặn nước sông tăng cao trên 30‰ thậm chí là trên 40‰ ở các ao đầm nuôi tôm, kéo theo tôm chết đồng loạt hoặc chậm phát triển (Cà Mau có 297.000ha đất nuôi trồng thủy sản). Đặc biệt cây con nước ngọt sẽ giảm năng suất rất lớn thậm chí có thể mất trắng… do các vùng này chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nhất là hệ thống phân ranh mặn ngọt.
Trước tình hình đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai một số giải pháp cụ thể. Đối với các huyện vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau, tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng chuyên môn chủ động giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn, lấy nước trong điều kiện cho phép.
Khu vực rừng tràm U Minh Hạ chủ động thả phay hệ thống cống trong lâm phần thuộc dự án nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng, đắp các đập để trữ nước trên hệ thống kênh rạch phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng và tăng cường công tác phòng chống cháy rừng nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ luôn bị đe dọa cháy vào mùa khô hàng năm.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, rà soát lại hệ thống cống, tập trung duy tu, sửa chữa, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới nhằm đảm bảo vận hành, điều tiết ngăn mặn giữ ngọt đạt hiệu quả.
Tỉnh cũng tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng tài nguyên nước ngầm, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, xử lý triệt để những điểm khai thác sử dụng hệ thống nước ngầm (cây nước khoan của các hộ, điểm tập trung đã qua và hiện tại) gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm để có giải pháp quản lý, khai thác một cách có hiệu quả trong thời gian tới./.