Ống Trung Quốc dẫn nước TP.HCM: Xem lại Luật đấu thầu...
- Cập nhật: Thứ ba, 23/5/2017 | 8:44:26 Sáng
Chúng ta đã có nhiều bài học, trúng thầu giá rẻ cuối cùng thành tốn nhiều hơn, vì phải làm đi làm lại, đã đến lúc cần xem lại Luật đấu thầu.
Đường ống nước sông Đà Hà Nội
Đã đến lúc xem lại Luật đấu thầu
UBND TP.HCM đang vào cuộc làm rõ việc khi sử dụng các loại ống gang thì có ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hay không.
Trao đổi với Đất Việt bên lề hành lang Quốc hội, ngày 22/5, ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết: "Việc kiểm tra chất lượng nguồn nước là việc đương nhiên phải làm, đó là vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn cuộc sống của dân, việc thẩm tra, kiểm tra nguồn nước, bản thân các bộ phận chuyên môn của cơ quan công ty cấp nước phải làm hàng ngày.
Có điều bây giờ mình tiến hành thẩm tra toàn bộ từng quy trình, từng khâu một, làm vậy là tốt, là cần thiết khi có nghi vấn".
Về việc không chỉ TPHCM, Hà Nội cũng từng có ý định dùng ống gang dẻo cho đường ống nước sông Đà số 2, việc vẫn còn nghi ngờ về chất lượng, nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn liên tiếp trúng thầu, ông Ngân phân tích: "Phải coi lại nguyên tắc đấu thầu, Luật đấu thầu, quy định về đấu thầu, quá trình làm thẩm tra các gói thầu, đối tượng tham gia dự thầu, nếu thỏa mãn các tiêu chí thì mình chấp nhận.
Nhưng nếu có các khuyến cáo thì phải có thông báo các khuyến cáo đó, cái này thuộc về quy trình, còn nếu không biết về công ty cung cấp đường ống thì cũng khó nói".
Riêng việc sử dụng phế liệu để tái chế, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng cũng không có gì phải lo ngại nhiều, vì thế giới hiện nay cũng sử dụng cách làm này nhiều, nên có thể coi là vấn đề bình thường.
Quan trọng là chất lượng sản phẩm khi đưa vào sử dụng thì phải bảo đảm môi trường, nếu có sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần cần phải có tiếng nói của cơ quan trung ương cụ thể về cấp lãnh đạo Bộ.
Trước ý kiến phân tích của các chuyên gia lo ngại nhà thầu Trung Quốc toàn bỏ thầu giá rẻ để thắng thầu sau đó là chây ỳ, đội vốn, ĐBQH Trần Hoàng Ngân khẳng định: "Chúng ta phải xem lại quy định trong đấu thầu, không chỉ có vấn đề giá cả, mà quy định các chuẩn về chất lượng an toàn phải nêu ra hàng đầu.
Đồng thời, năng lực của người tham gia đấu thầu phải thẩm định cho chuẩn hơn, mới là quan trọng, chứ không phải giá cả, vì nếu chỉ quan tâm đến giá cả thì rất nguy kịch cuối cùng tốn nhiều hơn.
Chúng ta đã có nhiều bài học, trúng thầu giá rẻ cuối cùng thành tốn nhiều hơn, vì phải làm đi làm lại, tốn kém nhiều lần. Cũng đã đến lúc chúng ta cần xem lại Luật đấu thầu".
Lớp tráng trong ống mới nguy hại
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với Đất Việt, kỹ sư Đinh Văn Đính - nguyên Trưởng Ban Cơ khí Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, nếu dùng gang trắng thì không cần thiết phải sơn một lớp Epoxy ở bên trong, cứ thế mà dùng, rất sạch.
Còn đối với ống gang dẻo thì có thể lấy gang phế liệu để tái chế, ví dụ thân quả bom cũng làm bằng gang, thậm chí gang làm vũ khí rất tốt, chủ yếu chất lượng ống mới như thế nào mới là quan trọng.
Tôi chỉ không hiểu, ống dẫn nước tại sao phải sơn một lớp Epoxy dày ở bên trong, chứng tỏ chất lượng rất kém. Bản thân gang rất bền, rất tốt, cho nên nếu muốn làm kín thì chỉ cần sơn đen bên ngoài trông đã rất đẹp, còn bản chất nó không cần sơn.
Chỉ có dòng ống thép dùng cho thủy điện là cần phải sơn đến 6 lớp, sơn chống gỉ, sơn chịu bào mòn, theo công nghệ của Pháp. Còn ống cấp nước đương nhiên có áp lực của dòng chảy, sơn để có tuổi thọ lâu dài, nhưng cần phải xem sơn bằng loại nào, có sạch, có đảm bảo được chất lượng ống hay không, công nghệ sơn kiểu gì.
Một điều tôi băn khoăn nhất đó là đối với nền đất TPHCM yếu, sử dụng đường ống gang dẻo có bảo đảm được không?. Và ở đây vấn đề quan trọng là trong vật liệu đó có chất gì độc thẩm thấu vào nước hay không, vì không xử lý hết được".
Việc cần làm theo ông Đính là cần đập vỡ, cắt ra, kiểm tra thử nghiệm, có đơn vị kiểm tra độc lập, khi kiểm tra sẽ tìm hiểu công nghệ xử lý phế liệu theo phương pháp nào ra ống như vậy.
Đồng thời, kiểm tra chất lượng sơn, bề mặt sơn có đáp ứng được yêu cầu hay không?.
Nền đất TPHCM yếu nên dùng ống Composite hữu cơ
Một vấn đề khác được ông Đính đưa ra đó là bây giờ các nước châu Âu, G7 cũng không sử dụng ống gang, giờ họ dùng ống nhựa của Mỹ, ống Composite hữu cơ của Nga.
Ống Composite hữu cơ được sản xuất ở dạng Composite: từ thép tấm mỏng và tấm thuỷ tinh hoặc tấm bazan và các thành phần Composite khác. Đối với TPHCM tốt nhất dùng ống Composite hữu cơ, vì nền đất yếu, nó đi lắt léo được, không phải đặt một chỗ như ống gang, độ bền trên 60 năm, giá thành lại rẻ.
"Tôi đã từng nói về tính ưu việt của loại ống này, dựa theo nghiên cứu của một Viện nghiên cứu Nga đối với Việt Nam, một ví dụ rất rõ về mặt kinh tế có thể tính toán cho một thành phần của đường ống, đó là mối hàn điện của loại ống thép: nếu xây dựng một đường ống thép đường kính khoảng 1,2m có chiều dài 1000m, cần phải hàn 125 mối hàn (với chiều dài đoạn ống 8m) và 71 mối hàn (với chiều dài đoạn ống 14m).
Giá thành một mối hàn này bằng 2.000USD. Tổng cộng: 125 x 2.000USD = 250.000USD và 71 x 2.000USD =142.000USD; đây là chi phí mối hàn điện để hàn ống (14m và 8m) với chiều dài ống 1000m. Như vậy nếu xây dựng đường ống dài 1.000km riêng chi phí hàn bằng 250 triệu USD và 142,8 triệu USD.
Ngoài chi phí hàn cần phải cộng thêm chi phí mua ống, vận chuyển chúng từ cảng đến khu vực lắp đặt, bốc dỡ, đào hầm, xây dựng trụ đỡ, vận chuyển nhiều loại vật liệu phụ khác...với tổng chi phí đến trên trăm triệu USD.
Với công nghệ mới, ống được sản xuất tại chỗ, lắp đặt dễ dàng nên tiết kiệm được các chi phí", ông Đính phân tích.
Vì thế, theo vị kỹ sư trên, ưu việt của dự án mới này so với lắp đặt ống thép truyền thống cơ bản là chi phí dự kiến cho 1km đường ống công nghệ mới, trong đó có cả chi phí mua và cung cấp thép tấm khoảng 200.000USD so với 445.000USD ống thép truyền thống (ứng dụng tại Nga).
Các ưu việt về mặt kỹ thuật của công nghệ mới này là: công nghệ sản xuất ống cho bất kỳ đường kính và chiều dài cần thiết không cần mối nối; chịu được bất kỳ các yêu cầu định trước (về áp suất, nhiệt độ, độ nhớt...).
Tại chỗ lắp đặt sử dụng một tổ hợp thiết bị công nghệ chuyên dụng làm việc ở chu kỳ kín liên tục được thiết kế cho mục đích trên.
Riêng về thiết bị Trung Quốc, ông Đính cho hay: "Tôi chỉ lấy ngay ví dụ, trước đây tôi làm hai dự án nhiệt điện, nhiệt điện Cao Ngạn và Na Dương cùng công suất 100kW. Nhiệt điện Na Dương làm với Nhật Bản sử dụng thiết bị G7, với giá 100 triệu USD; nhiệt điện Cao Ngạn làm với Trung Quốc, giá thành 80 triệu USD. Nhưng một thời gian sau Cao Ngạn đã hỏng hóc, nên tính ra chi phí vận hành thì Na Dương hiệu quả hơn dù đầu tư cao hơn", ông Đính chỉ rõ.
Châu An (baodatviet.vn)
Các tin khác
Sáng nay, 11/10 Triển lãm và hội thảo quốc tế về Ngành Cấp thoát nước, Công nghệ lọc nước và Xử lý nước thải tại Việt Nam - Vietwater 2023 và WETV 2023 đã chính thức được khai mạc.
Doanh nghiệp trong các ngành từ xây dựng, thực phẩm cho tới hàng tiêu dùng tại Việt Nam đều đang có chiến lược riêng để thực hiện tăng trưởng xanh.
Sự kiện thương mại nổi bật nhất ngành nước Việt Nam - Triển lãm Vietwater 2023 sẽ trở lại tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM từ ngày 11 - 13/10/2023 sắp tới. Chương trình là cơ hội để gần 450 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia có thể gặp gỡ hơn 10.000 khách mua hàng tiềm năng, mang đến cơ hội kết nối và phát triển mối quan hệ đối tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bộ Xây dựng vừa nhận văn bản của UBND tỉnh Lào Cai hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án cung cấp nước sạch đô thị