Hiện trạng thoát nước mưa và giải pháp giảm ngập lụt cho Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/7/2018 | 2:35:41 Chiều

(tapchicapthoatnuoc.vn) - Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết về hiện trạng thoát nước mưa và giải pháp giảm ngập lụt cho Hà Nội của PGS.TS Trần Đức Hạ.

LTS: Hà Nội cứ mưa là ngập. Theo nhiều chuyên gia về cấp thoát nước đô thị, tình trạng úng ngập của Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có từ cầu chuyện quy hoạch cốt nền đô thị của thành phố trước đây chưa thực sự quan tâm. Do đó, khi có mưa lớn kéo dài là khu vực nội thành Hà Nội là chìm sâu trong biển nước. Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết về hiện trạng thoát nước mưa và giải pháp giảm ngập lụt cho Hà Nội của PGS.TS Trần Dức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường.

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, kéo theo sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, sự đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển và mở rộng của Thủ đô, cộng với diễn biến thời tiết phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho công tác thoát nước.

Hệ thống thoát nước (HTTN) vùng đô thị là một hệ thống hỗn hợp đồng bộ bao gồm các cống, kênh mương, hồ nội đô, các sông thoát nước ngoại thành và các trạm bơm tiêu cục bộ và đầu mối đảm nhận việc tiêu thoát nước mưa đô thị và vùng nông nghiệp với các hệ số tiêu khác nhau.

Sau hai giai đoạn Dự án thoát nước Hà Nội, hiện nay hoàn chỉnh được HTTN mưa khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân). Hệ thống này có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày [2, 5].

Đối với khu vực phía tây thành phố (TP) như: các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm,… vẫn bị úng ngập sâu, tiêu thoát chậm là do nằm ngoài phạm vi Dự án thoát nước.

Tại lưu vực Tả Nhuệ (diện tích khoảng 52km2), mặc dù có nhiều khu đô thị mới hiện đại, nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ, chủ yếu là hình thức tự chảy theo các kênh, mương ra sông Nhuệ. Hệ thống kênh mương này vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phục vụ tiêu thoát nước đô thị, vì vậy, vào mùa mưa, khu vực này thường xảy ra ngập úng do nước sông Nhuệ dâng cao, không còn khả năng tiếp nhận nước mưa từ đô thị.

Hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành Hà Nội được chia thành 3 vùng: Hữu sông Đáy, tả sông Đáy và vùng phía Bắc Hà Nội, có 267 trạm bơm chuyên tiêu, 344 trạm bơm tiêu kết hợp tưới và hệ thống kênh mương, công trình trên kênh…

Phần lớn các công trình được xây dựng cách đây hàng chục năm, phục vụ mục đích tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, với hệ số tiêu từ 4,5 đến 5,5 L/s/ha. Sau trận ngập lụt lịch sử, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, xây mới công trình tiêu úng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, 2017, hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ lụt và đời sống dân sinh trong điều kiện thời tiết diễn biến bình thường, với lượng mưa dưới 150mm trong 3 ngày. Tuy nhiên, nếu lượng mưa từ 200mm đến 300mm trong 3 ngày, ngoại thành Hà Nội sẽ ngập khoảng 32.345ha [6].

Tình trạng úng ngập TP Hà Nội ngày càng có xu thế gia tăng vì vậy cần có những phân tích đánh giá kịp thời các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp quản lý và kỹ thuật ngắn hạn cũng như lâu dài hạn chế tối đa tình trạng này.

1. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY ÚNG NGẬP THÀNH PHỐ HÀ NỘI

1.1. Nguyên nhân khách quan

a. Địa hình và mực nước các sông Hà Nội.

Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Riêng khu vực nội thành Hà Nội có cao độ trung bình +6,0 ÷ +6,5m và độ dốc i < 10% chiếm 54,5% diện tích toàn TP. TP Hà Nội nằm trọn trong lưu vực sông Hồng với các sông khác trong hệ thống như: sông Đáy, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Tích…

Hệ thống sông ngòi chảy qua Hà Nội đã mang đến cho thành phố sự phát triển của giao thông thủy, cung cấp nước, tiêu thoát nước và cải thiện vi khí hậu cho thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các sông có mực nước lũ cao hơn mặt đất tự nhiên của thành phố nên nó cũng là nguyên nhân gây nên những ngập úng vào mùa lũ gây thiệt hại đến người và tài sản. Vào các tháng mùa mưa, mực nước các sông: sông Hồng khoảng +9,5m vượt mức báo động I, sông Nhuệ khoảng +4m và sông Đáy là + 6,8m, với trận mưa có cường độ > 50mm thì nước mưa Hà Nội không thể thoát tự chảy, phải sử dụng bơm cưỡng bức ra sông.

b. Mưa.

Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.250-1.870 mm. Trong giai đoạn 1962 – 2001có 09 trận mưa > 100mm, giai đoạn 2002 đến 2007có 29 trận mưa cường độ > 100mm và trận mưa năm 2008 cường độ > 300mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 thường tập trung tới 85% lượng mưa cả năm. Mưa lớn nhất thường vào tháng 7 và tháng 8, đây cũng là tháng thường có nhiều cơn bão nhất, mực nước các sông dâng cao gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước của TP.

c. Đô thị hóa và tăng dân số.

Là Thủ đô của cả nước và là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tốc độ đô thị hóa với sự gia tăng dân số cơ học của Hà Nội rất lớn. Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bêtông, đường nhựa… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Tình trạng đô thị hóa và tăng dân số của TP Hà Nội theo Quy hoạch phát triển xây dựng thành phố được nêu trên Hình 1.

Hình 1. Quá trình tăng dân số và đô thị hóa của Hà Nội

Dân số TP Hà Nội trong những năm 90 là 2,1 triệu người và hiện nay là hơn 7,5 triệu người (chưa tính dân vãng lai), tăng 3,5 lần so với trước. Như vậy ngoài nước mưa, lượng nước thải đổ HTTN cũng tăng trên 3,5 lần. Quá trình đô thị hóa và tăng dân số tạo nên sức ép mạnh lên HTTN đô thị.

1.2. Các nguyên nhân chủ quan

a. Bất cập trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị.

Theo sự phát triển đô thị, HTTN Hà Nội đã trãi qua nhiều giai đoạn quy hoạch như: “Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể Thoát nước Hà Nội” được thực hiện theo chương trình của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) năm 1995 [1]; “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” quy hoạch tổng thể phát triển toàn diện khu vực đô thị, bao gồm cả kế hoạch phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng [2]; “Quy hoạch Thoát nước (QHTN) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” [3]; “Quy hoạch phát triển thủy lợi Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” [4],… Các quy hoạch giai đoạn sau vừa điều chỉnh định hướng tiêu thoát nước vừa điều chỉnh các thông số, đại lượng thiết kế công trình thoát nước.

Tuy nhiên do các thông số đầu vào để dự báo trong quy hoạch còn chưa đảm bảo tin cậy nên kết quả tính toán dự báo còn có sai lệch nên khi triển khai quy hoạch chi tiết hoặc dự án phải điều chỉnh nhiều. Do các yếu tố thất thường của thời tiết và đặc điểm mặt phủ thoát nước TP Hà Nội, cường độ mưa tính toán với trận mưa 310 mm/2 ngày như QHTN là không phù hợp mà cần phải tính toán cường độ mưa theo giờ.

Khu vực Tả Nhuệ (Mỹ Đình, Mễ Trì) đang đô thị hóa mạnh. Tuy nhiên, QHTN tổng thể mới được phê duyệt và đang triển khai các quy hoạch chi tiết và chưa có quy hoạch đồng bộ. Dự án thoát nước mưa lưu vực Tả Nhuệ đang trong giai đoạn nghiên cứu. Các khu đô thị hay một số tuyến đường (ví dụ: vành đai 3) mặc dù cũng được đầu tư nhưng tổng thể quy hoạch chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng bị ngập cục bộ.

Một số công trình thoát nước lưu vực Tả Nhuệ, đã hoàn thành như: cải tạo 3 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông I và Đồng Bông II; dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc giai đoạn 1,... nhưng đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều công trình đã và đang xây dựng đi vào hoạt động, ngoài ra hệ thống cống rãnh trong các khu vực ngõ xóm, khu vực mới đô thị hóa còn manh mún nên khả năng tiêu thoát kém, do vậy khi mưa lớn kéo dài các khu vực như: Keangnam, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng,…sẽ bị úng ngập [5,7].

Trong quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập khi công trình hạ tầng (đặc biệt là thoát nước) không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Cốt san nền tại các khu đô thị mới, đại lượng cơ bản trong thiết kế tiêu thoát nước, không được tuân thủ theo quy hoạch khi triển khai xây dựng công trình. Hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa còn bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Nhiều khu vực đô thị tỉ lệ cây xanh, mặt nước không đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch. Các khu đô thị mới ở phía Tây thành phố Hà Nội như: khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Gleximco, Nam Cường, Resco, Thăng Long Victory … bị ngập nặng trong những trận mưa mức độ trung bình. Tuy nhiên trong khi đó khu đô thị Mỗ Lao áp dụng đúng chuẩn quy hoạch cốt nền của TP là +6.0m nên khả năng tiêu thoát nước tốt cộng thêm vừa được đấu nối đường thoát nước chính nên không bị ngập như những khu đô thị khác.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng sẽ dẫn đến cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún đất. Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo sửa chữa sẽ làm thay đổi tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó. Ngoài ra không kiểm soát được việc xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ kênh mương,… là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước và gây ô nhiễm môi trường.

b.Năng lực HTTN hạn chế

Dự án thoát nước Hà Nội khởi công năm 1998. HTTN có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày của lưu vực sông Tô Lịch. Tuy nhiên yếu tố BĐKH làm cho nhiều trận mưa lớn với tần suất tăng hơn làm cho HTTN không đủ tải. Công suất các trạm bơm đầu mối lưu vực Tả Nhuệ và Tô Lịch theo Quy hoạch là 151m3/s, tuy nhiên năng lực thực tế hiện nay chỉ mới đạt 122,3m3/s [6].

Một số hồ điều hòa, tuyến cống thoát nước trong nội thành vẫn trong giai đoạn cải tạo, xây dựng bổ sung,.. Các tuyến cống, mương chính, hồ điều hòa,… lưu vực Tả Nhuệ và Hà Đông còn thiếu nhiều [6].

Hình 2. Diện tích hồ điều hòa theo quy hoạch HTTN lưu vực Tả Nhuệ [6]

Như vậy, chỉ có lưu vực Tô Lịch đạt chỉ tiêu mặt nước đạt 5-7% tỷ lệ diện tích. Các lưu vực khác theo quy hoạch, mới chỉ đạt 1-2%. Mặt khác cũng thấy rằng khả năng điều hòa còn nhiều hạn chế do thiếu thông tin dự báo, cảnh báo và điều hành.

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Những vùng trũng cứ lấp dần làm đường, xây nhà. Trong lúc đó năng lực tiêu thoát nước các trạm bơm nâng cấp từ trạm bơm tiêu nông nghiệp, phục vụ cho lưu vực Mỹ Đình, Từ Liêm,… hạn chế.

Dự án thoát nước mưa lưu vực Tả Nhuệ đang trong giai đoạn nghiên cứu. Các khu đô thị hay một số tuyến đường như vành đai 3, mặc dù cũng được đầu tư theo quy hoạch nhưng tổng thể quy hoạch chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng bị ngập cục bộ.

c. Không đồng bộ giữa quản lý HTTN đô thị với hệ thống thủy nông.

HTTN đô thị luôn gắn liền hệ thống thủy lợi vùng. Các hướng tiêu thoát nước khu vực được chỉ ra trong quy hoạch thủy lợi (QHTL). Tuy nhiên ngay cả trong bản QHTN và QHTL các khái niệm thuật ngữ, các phương pháp và đại lượng tính toán cũng như thông số thiết kế không đồng nhất nên sự kết nối cao trình thủy lực và chế độ vận hành các công trình tiêu thoát nước đô thị (đặc biệt là các công trình đầu mối của HTTN đô thị như: trạm bơm, hồ điều hòa, cửa điều tiết,…) với hệ thống thủy nông ngoại thành còn có bất cập.

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (CTTN) đã có Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước theo dõi lượng mưa, mực nước và tình hình các trạm bơm trên địa bàn thành phố [5], tuy nhiên các thông tin về tình trạng hoạt động của các cống điều tiết và trạm bơm thuộc hệ thống thủy nông Sông Nhuệ chưa được kết nối hoặc không cập nhật nên tạo ra sự phối hợp không đồng bộ hoặc không kịp thời giữa HTTN nội thành với các công trình tưới tiêu ngoại thành.

Trước khi mưa, CTTN chủ động bơm cưỡng bức nước từ các hồ, kênh mương đầu mối ra sông Nhuệ để tăng cường khả năng điều tiết của HTTN nhưng phía hạ lưu các công trình thủy nông giữ nước lại trong sông để tưới nên làm mực nước sông dâng đột ngột khi mưa đến.

2. ĐẦU TƯ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC THOÁT NƯỚC

2.1. Các dự án và công trình thoát nước Hà Nội

Từ năm 1998, Hà Nội đã triển khai Dự án thoát nước giai đoạn I với mục tiêu là chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô và trong lưu vực sông Tô Lịch có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng (diện tích là 77,5 km2 ) với chu kỳ bảo vệ được tính toán là 10 năm với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310 mm trong 2 ngày. Dự án thoát nước giai đoạn I đã hoàn thiện xong với lượng mưa là 172 mm trong 2 ngày. Còn đối với chu trình 5 năm, cống ứng với lượng mưa là 70 mm/h.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II (chủ yếu cho lưu vực sông Tô Lịch) được khởi động từ năm 2008 từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, tổng kinh phí 9.000 tỷ đồng. Các nội dung chính của dự án gồm: nâng cấp, cải tạo trạm bơm đầu mối Yên Sở, nâng công suất lên 90m3/s, cải tạo 13 hồ điều hòa trong nội thành và 12 trạm bơm nước.

Đến nay, HTTN lưu vực sông Tô Lịch đã được đầu tư xây dựng với một số công trình trọng điểm đã hoàn thành như: cụm công trình đầu mối Yên Sở bao gồm hệ thống hồ điều hòa hơn 130ha và trạm bơm 90 m3/s; cải tạo 56km kênh mương và 17 hồ; cải tạo và xây dựng 49,9km cống thoát nước; xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch và Bảy Mẫu; xây dựng 36,5km đường công vụ dọc các tuyến sông; trang bị các thiết bị nạo vét cơ giới hiện đại…

Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4956/QĐ-UBND, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và cải tạo 3 trạm bơm thoát nước Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và Đồng Bông 2 khu vực phía Tây Hà Nội. Theo đó, CTTN Hà Nội đã cải tạo và nâng công suất của 02 trạm bơm hiện có: Trạm bơm Đồng Bông 1 là 8m3/s; Trạm bơm Đồng Bông 2 là 9m3/s, xây dựng mới trạm bơm Cổ Nhuế là 12m3/s và duy trì trạm bơm Cầu Biêu là 6 m3/s.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ cải tạo, xây dựng 03 trạm bơm đáp ứng công suất theo quy hoạch với các hạng mục xây dựng chính như: Nhà bơm, bể hút, bể xả, trạm biến áp; Lắp đặt các máy bơm cùng các thiết bị điện, cơ khí, hệ thống điều khiển, giám sát đi kèm; Xây dựng kênh dẫn, kênh xả nước, cửa điều tiết, đường quản lý đồng bộ theo các trạm bơm và hoàn trả kênh tưới xã Trung Văn.

2.2. Hoạt động của Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội

Cùng với việc thực hiện khẩn trương và quyết liệt các nhóm giải pháp ứng phó, CTTN Hà Nội đã xây dựng phương án giải quyết cụ thể cho từng tình huống khi có mưa. Theo đó, lượng mưa dưới 50mm/2h về cơ bản trong nội thành không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số khu vực trũng gây đọng nước trên mặt đường.

Lượng mưa dưới 100mm/2h, ngoài huy động lực lượng ứng trực vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên các họng thu nước, công ty vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt…; đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng; vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước các hồ: Hồ Tây A, B, Đống Đa, Thuyền Quang, Bảy Mẫu; sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút, giảm thiểu thời gian úng ngập các khu vực trũng, khu vực trọng điểm…

Trong trường hợp mưa rất to, lượng mưa trên 100mm/2 giờ, cùng với các biện pháp nên trên, CTTN huy động 100% cán bộ, công nhân viên ứng trực, thực hiện vệ sinh, thu dọn rác trên miệng ghi thu, hàm ếch…, kiểm tra, kịp thời xử lý vật cản làm thu hẹp dòng chảy; phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương phân luồng xe cộ, cảnh báo khu vực xảy ra úng ngập bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng, tài sản nhân dân.

Đảm bảo chủ động kiểm soát mực nước tại các cửa xả ra sông Nhuệ, nếu mực nước sông tại Thanh Liệt >+ 4,5m sẽ mở đập Thanh Liệt đưa nước về Trạm bơm Yên Sở; vận hành tối đa trạm bơm này để hỗ trợ tiêu cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông… Ngoài ra, CTTN phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT điều hòa nước hợp lý mực nước sông Nhuệ giữa nội thành và ngoại thành…

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của cụm công trình đầu mối Yên Sở, trong những năm vừa qua, trên cơ sở thực tế vận hành HTTN Hà Nội, CTTN đã kết hợp với Viện Kỹ thuật công trình (trường Đại học Thủy lợi) nghiên cứu tính toán để đưa nước vào hệ thống hồ điều hòa Yên Sở lên 75 m3/s khi mực nước kênh bao <+3,0 m bằng cách xây dựng thêm 3 cửa điều tiết mới. Với phương án này trạm bơm có thể hoạt động được với công suất 90 m3/s ngay trước khi có mưa, đảm bảo khả năng điều tiết của HTTN tăng lên. Với việc đầu tư này, hiệu quả thoát nước nội thành Hà Nội trong mùa mưa 2017 tăng lên rõ rệt [5].

Trong năm 2018, CTTN đã xây dựng giải pháp giảm thêm 4 điểm úng ngập gồm: Ngã năm Đường Thành; Đội Cấn, Nguyễn Chính, Giải Phóng, Phan Văn Trường. Các trục thoát nước chính gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, kênh bao, kênh dẫn trạm bơm Yên Sở, mương Đồng Bông 1, kênh tiêu Ba La… đã được nạo vét đảm bảo tốc độ dốc thủy lực nhằm đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu. Công ty cũng đang khẩn trương thực hiện nạo vét các hồ điều hòa nhằm nâng cao khả năng điều hòa nước khi mưa xuống.

Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước của CTTN có chức năng dự báo và giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước với 41 trạm đo mưa, 30 trạm đo mực nước tự động, giám sát vận hành trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Bắc Thăng Long – Vân Trì. Giám sát qua camera các điểm úng ngập theo thời gian thực từ đó Công ty chủ động trong việc điều hành thoát nước khi mưa. Đặc biệt, từ tháng 4/2018, Trung tâm đã triển khai thí điểm ứng dụng HSDC Maps – cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh để phục vụ người dân khi có mưa [5].

Công tác ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa cũng được đặc biệt quan tâm, nghiêm túc triển khai theo kế hoạch; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các sự cố xảy ra khi có mưa bão nhằm nắm bắt thông tin diễn biến và tình hình úng ngập trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KỸ THUẬT TỔNG HỢP ĐỂ GIẢM NGẬP LỤT CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI

3.1. Nguyên tắc tiếp cận

Nhằm mục đích đưa Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, phòng ngập lụt hiệu quả, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn và ít thiên tai, cách mới về phòng chống ngập lụt là: giữ nước thượng lưu, giảm ngập trung lưu, phòng chống ngập lụt hạ lưu. Như vậy HTTN TP Hà Nội tiến dần đến là HTTN đô thị bền vững. Kế hoạch giảm thiểu úng ngập cho TP có thể biểu diễn theo sơ đồ hình tháp sau đây.

Hình 3. Sơ đồ kế hoạch chống ngập cho TP Hà Nội

Các giải pháp cho ngập và tiêu thoát nước cho TP chia thành 2 nhóm: nhóm giải pháp khẩn cấp (ngắn hạn) và nhóm trung hạn hoặc dài hạn. Tổng hợp các giải pháp chống ngập được nêu trong Bảng 2.

3.2. Các giải pháp chống ngập khẩn cấp và ngắn hạn

a. Các giải pháp chống ngập khẩn cấp

Các giải pháp khẩn cấp giải quyết úng ngập tức thời cho khu vực trung tâm thành phố Hà Nội khi có trận mưa vượt cường độ thiết kế (trận mưa tính toán):

- Tăng cường lực lượng ứng phó với mưa lũ như: tập trung nạo vét mương cống và làm sạch các cửa thu nước mưa trước mùa mưa lũ,...

- Tạm dừng bơm nước từ hệ thống mương nông nghiệp khu vực thượng lưu sông Nhuệ để giảm tải lượng nước bổ cập ra sông, phục vụ phương án thoát nước khu vực nội thành vào mùa mưa.

-Mở đập Thanh Liệt (khi mực nước sông Nhuệ thấp hơn mực nước sông Tô Lịch tại đập Thanh Liệt) và vận hành hết công suất trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng để hỗ trợ thoát nước từ sông Nhuệ.

- Liên tục vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước mưa theo trục sông Nhuệ: trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cầu Biêu và các trạm bơm tiêu thoát nước khác để hạ mực nước trên hệ thống.

- Các cửa phai hồ điều hòa đô thị như Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… phải được mở để điều hoà nước. Các dàn thiết bị cơ giới (xe thông tắc đường cống, xe bơm di động,…) phải ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc cống thoát nước.

- Giải quyết tức thời các điểm úng ngập cục bộ bằng trạm bơm kết hợp đê quây di động.

b. Các giải pháp ngắn hạn

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thoát nước và kiểm soát chặt chẽ mực nước trên hệ thống sông thoát nước (Kim Ngưu, Sét, Lừ, Tô Lịch và Nhuệ) và các hồ điều hòa, để nhanh chóng và kịp thời điều khiển quá trình vận chuyển và tiêu thoát nước mưa trên lưu vực thoát nước.

- Triển khai các dự án để hoàn chỉnh các tuyến cống thoát nước, các hồ điều hòa lưu vực giới hạn từ phía Tây Tô Lịch đến phía Đông sông Nhuệ theo QHTN đã được phê duyệt.
- Kiểm soát chặt chẽ cốt nền và xây dựng hệ thống thoát nước mưa tại các khu đô thị mới. Trong các khu đô thị này phải đảm bảo diện tích mặt phủ thấm nước (cây xanh, mặt nước, bãi cỏ,…) đúng quy chuẩn xây dựng (QCVN 01:2008/BXD- Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và QCVN 07-02:2016/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị).

- Tăng cường giải pháp thoát nước cục bộ cho các khu đô thị có cốt nền thấp, thường bị úng ngập như: hoàn thiện công trình và mạng lưới thu gom, lắp đặt các bể ngầm chứa tạm thời (vật liệu composite hoặc BTCT), xây dựng các trạm bơm thoát nước mưa cục bộ,…

- Phối hợp với các công ty quản lý hệ thống thủy lợi như Công ty Thủy nông sông Nhuệ để kiểm soát mực nước sông Nhuệ với việc chống ngập thành phố là ưu tiên số 1; kiểm soát chặt chẽ mực nước các hồ điều hòa trong đô thị và hồ đầu mối Yên Sở, loại bỏ các vật cản trên các kênh mương dẫn nước; đảm bảo duy tu bảo trì hệ thống cống, kênh mương thoát nước theo đúng quy trình.

- Hoàn thiện nghiên cứu khả thi các dự án HTTN lưu vực Tả Nhuệ, lưu vực quận Hà Đông,… để kịp thời triển khai đầu tư các hạng mục công trình cảu các dự án này.
Để giải quyết triệt để úng ngập, bên cạnh các giải pháp đang làm, Hà Nội cần có chính sách khuyến khích người dân và các nhà đầu tư áp dụng các giải pháp điều hòa nước mưa như xây dựng các bể chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt, tăng cường khả năng thấm nước mưa xuống đất.

4.3. Các giải pháp trung hạn và dài hạn để giải quyết úng ngập cho TP Hà Nội

Các giải pháp trung hạn và dài hạn để đảm bảo yêu cầu thoát nước cho TP Hà Nội được dựa trên các nguyên tắc như: QHTN thành phố phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội có tính đến sự BĐKH; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đất đai để phòng chống ngập trong đó có đưa ra phương án giải quyết những yếu tố do phòng chống ngập mà ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập hệ thống quản lý sử dụng đất, hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo; bồi dưỡng nhân lực, chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước và phòng chống ngập lụt; và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, trong đó có việc kế thừa và học hỏi kinh nghiệm phòng chống ngập lụt các đô thị trong khu vực và trên thế giới.

QHTN Hà Nội cần phải được soát xét và điều chỉnh trong đó tập trung vào các nội dung như: kết hợp QHTN thành phố với quy hoạch tiêu thoát nước vùng Hà Nội; mở rộng phạm vi QHTN trung tâm TP đến vành đai 4; nghiên cứu điều chỉnh công suất các trạm bơm tiêu thoát nước và các hồ điều hòa đầu mối đi theo như: trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Đông Mỹ, trạm bơm Hiền Giang, trạm bơm Yên Nghĩa,…

Trên cơ sở cập nhật các dữ liệu khí hậu, thời tiết có tính đến các yếu tố BĐKH, các đại lượng QHTN cần phải được điều chỉnh là: cốt nền, mực nước khống chế trên các sông, hồ điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau nhằm khai thác vận hành hiệu quả HTTN; tỉ lệ cây xanh, mặt nước và mặt phủ thấm nước phù hợp để tiến đến HTTN đô thị bền vững đặc biệt là khu vực đô thị mới,…

Hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo úng ngập đô thị được xây dựng trên nền GIS. Nhiệm vụ của hệ thống là: quan trắc, dự báo và điều hành hệ thống trạm bơm tiêu úng, vận hành hồ điều hoà trước, trong và sau mưa. Hệ thống bao gồm các trạm và trung tâm: Rađa X-Band; Hệ thống thiết bị quan trắc mực nước, quan trắc mưa và Trung tâm điều hành. Các bước triển khai của hệ thống bao gồm: cập nhật thông tin dữ liệu trên nền GIS, ứng biến, đăng tải thông tin và hành động. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về lượng mưa, rada phát hiện mưa, mực nước sông hồ,… qua hệ thống mạng (internet, điện thoại,…).

Bằng phần mềm tích hợp hệ thống sẽ tính toán lượng mưa và mực nước lũ trong sông theo dữ liệu thực tế và dự báo mức độ ngập. Theo Bộ Hạ tầng, đất đai và giao thông (MLIT) của Nhật Bản, tính toán lượng mưa thông qua radar: C-band radar với phạm vi quan sát có bán kính 1 km , khoảng thời gian quan sát 5 phút và thời gian ra kết quả: 5–10 phút; và X-band MP radar với phạm vi quan sát có bán kính 250 m, khoảng thời gian quan sát - 1 phút và thời gian ra kết quả là 1–2 phút. Hệ thống phân tích mưa và mực lũ đảm bảo: (i). phân tích dữ liệu mưa và mức lũ với độ chính xác cao và (2). phân tích lượng nước trong các HTTN. Như vậy hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo úng ngập đô thị cần được xây dựng cho TP Hà Nội.

4. KẾT LUẬN

Trên cơ sở phân tích hiện trạng thoát nước và đánh giá nguyên nhân, thấy rằng: để giải quyết úng ngập cho TP Hà Nội yêu cầu có biện pháp tổng thể bao gồm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng chế tài, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho công tác này.

Khía cạnh kỹ thuật bao gồm các giải pháp công trình cho HTTN như là: tăng cường năng lực tiêu thoát nước cho các sông, kênh, hồ điều hoà như: Cống điều tiết, hồ điều hoà cải tạo sông (xây kè, nạo vét), hoàn thiện hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước,… và cải tạo, nâng cấp mở rộng, bảo trì, duy tu và sửa chữa định kỳ các tuyến cống thoát nước; và các giải pháp phi công trình: soát xét, điều chỉnh lại QHTN Hà Nội trên cơ sở cập nhật hiện trạng phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng có tính đến các yếu tố bất thường của thời tiết và BĐKH, tăng cường năng lực cảnh báo và kiểm soat úng ngập đô thị bằng các hệ thống quan trắc và điều hành phù hợp. Các giải pháp kỹ thuật đồng bộ được triển khai theo các giai đoạn: khẩn cấp, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đưa TP Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, phòng ngập lụt hiệu quả, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn và ít thiên tai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 430/TTg ngày 7/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thoát nước Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập 1995.

2. Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

3. Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/05/2013 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo

4. Quyết định số 4673/2012/QĐ-UBND ngày 03/7/2012 của UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy lợi Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo.

5. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (2018). Báo cáo 45 năm xây dựng và phát triển.

6. Lê Văn Trường (2017). Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất giải pháp tiêu nước và quy mô công trình tiêu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Luận án Tiến sĩ kĩ thuật chuyên ngành Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước (mã số: 62-62-30-01), trường Đại học Thủy lợi.

7. Trần Hiếu Nhuệ, Trần Thị Hiền Hoa (2017). Hà Nội: Tại sao ngập úng và kiến nghị giải pháp khắc phục tình trạng. Tạp chí điện tử “Môi trường và đô thị”, ngày 5/9/2017.

PGS.TS Trần Đức Hạ

Viện trưởng Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường


  •  
Các tin khác

 Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 39-2023 với những nội dung chính như sau:

Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 36-2023 với những nội dung chính như sau:

Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 34-2023 với những nội dung chính như sau:

Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 35-2023 với những nội dung chính như sau: