Hội thảo 'Ứng dụng công nghệ màng siêu lọc trong xử lý nước'
- Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2018 | 11:40:01 Sáng
(tapchicapthoatnuoc.vn) - Ngày 23/10/2018, tại Khách sạn Nikko Hà Nội, Khoa kỹ thuật Môi trường -Trường Đại học Xây dựng phối hợp với Công ty TNHH Goshu Kohsan Việt Nam tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ màng siêu lọc trong xử lý nước hướng tới mục tiêu cấp nước an toàn và bền vững".
PGS.TS Mai Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi Hội thảo
Tham dự có PGS.TS Mai Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng; Ông Touru Usui ,Tổng Giám đốc Công ty TNHH Goshu Kohsan Việt Nam; GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật và Môi trường ; PGS.TS Trần Việt Nga, Trưởng Khoa kỹ thuật Môi trường,Trường Đại học Xây dựng ;PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường; PGS.TS Trần Thanh Sơn, Trưởng Khoa Môi trường Đô thị,Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các công ty cấp nước của Việt Nam và Nhật Bản.
Toàn cảnh bội hội thảo "Ứng dụng công nghệ màng siêu lọc trong xử lý nước"
Hiện trạng và định hướng phát triển của ngành nước:
Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành, 7 vùng sinh thái, khoảng 91 triệu dân, 830 đô thị các loại với 37% tổng dân số, 63 % dân số sống vùng nông thôn.
Trong đó, có trên 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước. Tổng công suất cấp nước đô thị theo thiết kế khoảng 8,5 triệu m3/ngày.
Theo số liệu năm 2017 của Vụ nguồn nước, Tổng Cục Thủy lợi, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn: Sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 87,5%; Tiếp cận nước sạch theo QC 02/BYTkhoảng 49%; Được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung: 43,5%; Sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ: 56,5%.
Ở các địa phương có 100% người dân nông thôn được cấp nước như : Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu
Tính đến năm 2017 có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó: 33,5% số công trình hoạt động bền vững; 37,8% số công trình hoạt động ở mức trung bình; 16,7% số công trình hoạt động kém hiệu quả; 12% số công trình hiện đang ngừng hoạt động.
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó, có 55% được tiếp cận nước sạch theo QC 02/BYT Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 (Quyết định số: 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016). Đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95% - 100% ; Tỷ lệ HTCN khu vực đô thị được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%.; Tỷ lệ HTCN khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%.
Theo quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và Khu công nghiệp đến 2025, tầm nhìn đến 2050, cụ thể:
Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 95% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày; tỷ lệ HTCN đô thị thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị loại IV trở lên
Đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước 100%, Tỷ lệ HTCN thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%.
Đến năm 2050, đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của đô thị và Khu công nghiệp.
Áp dụng công nghệ mới trong ngành nước
Tại Hội thảo, các chuyên gia ngành nước của Việt Nam và Nhật Bản đã giới thiệu một số công nghệ mới, tiên tiến hiện đang áp dụng thành công tại Nhật Bản, một số nước và Việt Nam. Điển hình như công nghệ xử lý nước mặt bằng màng UF. Đây là công nghệ đã chứng minh được những ưu điểm vượt trội về khả năng lọc các hạt kích cỡ siêu nhỏ, tảo và khả năng tự động hóa ưu việt. Công nghệ UF hoàn toàn có khả năng áp dụng hiệu quả để nâng cao chất lượng, giảm chi phí vận hành cho các nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước mặt hướng tới mục tiêu cấp nước an toàn và bền vững.
Theo PGS.TS Trần Việt Nga, Trưởng Khoa kỹ thuật Môi trường, Trường ĐH Xây dựng, qua kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tế, Hệ thống lọc UF hoàn toàn phù hợp để xử lý nước sông Đà cho mục đích ăn uống. Chất lượng sau quá trình lọc UF đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/ BYT và tiêu chuẩn nước đầu vào cho hệ thống sản xuất nước siêu sạch RO. Với kích thước lỗ rỗng trên màng 0.02 µm, hệ thống lọc UF cho phép loại bỏ các cặn nhỏ dưới 1 µm, loại bỏ tảo, các vi khuẩn, virut mà công nghệ lọc cát truyền thống không thực hiện được. Độ đục, độ màu, hàm lượng cặn, các ion kim loại sau lọc đều rất thấp giúp giảm chi phí hóa chất khử trùng, giảm tần suất thau rửa đường ống. Cấu tạo đặc biệt của module giúp rửa màng nhanh, sạch và tiết kiệm lượng nước rửa lọc ( chỉ chiếm khoảng 1%). Hệ thống vận hành tự động, số lượng công trình tối giản, tiết kiệm diện tích xây dựng à giúp giảm chi phí nhân công vận hành...
Các tin khác
Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 39-2023 với những nội dung chính như sau:
Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 36-2023 với những nội dung chính như sau:
Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 34-2023 với những nội dung chính như sau:
Chuyên trang Quản lý môi trường trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 35-2023 với những nội dung chính như sau: