Việt Nam đã có khoảng 40 đô thị biển. Đô thị biển Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng làm rõ động lực kinh tế của từng đô thị như du lịch, khai thác dầu khí, hàng hải, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng hải sản… Hướng tới tương lai xa, chúng ta lại phải nghĩ tới ngữ cảnh "định dạng lại địa chính trị biển” khi "địa kinh tế biển” có thay đổi.
Xưa kia khi giao thông trên biển chưa thuận tiện, bảo vệ bờ biển còn rất khó khăn trước ngoại xâm và thiên tai thì các hạng mục kinh tế biển chưa thể phát triển. Các quốc gia có biển mà chậm phát triển thường gặp khó khăn khi phải chống chọi với xâm lược và thiên tai từ đường biển. Trên thế giới, các nước ven biển đã phải giải quyết nhiều bài toán khó cho sinh kế cộng đồng dân cư ven biển.
Đất đai lúc khô lúc ngập, gần như không có tiềm năng tạo sinh kế. Nghề chính vẫn chỉ là làm muối, đánh bắt và nuôi trồng hải sản ven biển. Hoàn cảnh tự nhiên khó khăn nên cuộc sống không khá lên được. Ngược lại, các cường quốc vùng biển thì tổ chức các đội tàu mạnh để phát triển thương mại đường xa trên biển và hải quân mạnh để xâm chiếm đất đai mọi nơi gần biển. Nhìn lại lịch sử thế giới thì thấy rõ điều này.
Ở Việt Nam, Pháp xâm lược từ đường biển với phát súng đầu tiên bắn vào Đà Nẵng và uy hiếp kinh đô Huế. Trước nữa, nhiều lần các triều đại phong kiến phương Bắc như Nam Hán, Nguyên Mông cũng vào nước ta từ đường biển. Trên thế giới, các đất nước, dân tộc có tiềm năng yếu mà giáp biển đều phải có ý chí quật cường lắm mới tồn tại được qua những cơ binh lửa từ đường biển đi vào.
Một thứ nữa cũng đáng sợ khi sống ở vùng biển, đó là những cơn thiên tai nặng nề cũng từ biển đi vào như bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt... hay nặng hơn là núi lửa, động đất sóng thần... Trong lịch sử thế giới, đã khá nhiều thành phố lớn biến mất chìm vĩnh viễn trong lòng đại dương. Ở nước ta, các tai biến thiên nhiên từ biển đi vào cũng có nhưng chưa có thể loại thiên nhiên khốc liệt. Những câu chuyện cổ còn lưu lại ở Việt Nam chỉ là tục xăm mình của dân sống ven biển để chống lại thủy quái.
Sau đại chiến thế giới 2, hòa bình trên toàn thế giới được thiết lập với khả năng chắc chắn hơn, ý tưởng các quốc gia chung sống hòa bình để phát triển kinh tế được thể hiện khá rõ ràng. Cuộc sống vùng ven biển được cộng đồng quốc tế quan tâm với lý thuyết "quản lý tích hợp dải ven bờ” (ICZM - Integrated Coastal Zone Management) và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS - United Nations Convention on Law of the Sea).
Những công cụ này đã được hầu hết các quốc gia có biển tán thành và áp dụng, một mặt mang lại lợi ích quốc gia và mặt khác cũng làm cho cuộc sống người dân ven biển tốt hơn. Từ đó, ngoại xâm từ biển gần như không còn, các quốc gia chỉ tập trung vào khai thác biển dưới góc độ kinh tế. Các ngành kinh tế biển thường nghe thấy như dầu khí, khai thác khoáng sản biển, đánh bắt - nuôi trồng hải sản, vận tải biển... phát triển ngày càng mạnh.
Tiếp theo mạch khai thác kinh tế, nhiều ngành kinh tế mới đã ra đời như du lịch biển, khai thác năng lượng tái tạo biển, nông nghiệp... Sự khai thác kinh tế biển mạnh dần là cho nhu cầu phát triển đô thị biển ngày một lớn. Đô thị biển không còn chỉ trên vùng bờ biển, trên các hải đảo, mà còn được xây dựng trên mặt biển và cả dưới lòng biển. Nhiều quốc gia có biển đã chọn cách phát triển từ vùng biển ngược lên vùng núi và nhiều quốc gia có biển đã mở rộng diện tích ra biển bằng cách lấp biển.
Khi kinh tế biển phát triển mạnh như vậy, lại làm cho tình trạng hấp dẫn của biển mạnh lên, khai thác mà thiếu quy hoạch không chỉ làm cho thiếu hiệu quả mà còn làm cho thiên tai mạnh hơn. Điều đáng sợ hơn là những tranh chấp lãnh thổ trên biển ngày một nhiều hơn, "cái lý” thường vẫn thuộc bên mạnh. Luật Biển UNCLOS của Liên Hợp Quốc chỉ như một ước lệ vì không có lực lượng quân sự mạnh nào để bảo vệ việc thực thi Công ước này. Hướng tới tương lai xa, chúng ta lại phải nghĩ tới ngữ cảnh "định dạng lại địa chính trị biển” khi "địa kinh tế biển” có thay đổi.
Từ góc nhìn thiên tai vùng biển, con người vẫn chưa thể chế ngự được các thiên tai biển như núi lửa, động đất, sóng thần, siêu bão... Đấy là những rủi ro khó tránh khỏi bị hủy diệt khi xảy ra. Những ví dụ gần đây đã có cả như sóng thần ở Phuket đánh vào du lịch, động đất - sóng thần đánh vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima và nhiều siêu bão ở Mỹ, Philippines làm tổn hại cuộc sống người dân ven biển, trên các hải đảo. Đây là những yếu tố tạo nên khó khăn làm cho kinh tế biển khó tạo được bền vững.
Mặc dù câu chuyện kinh tế biển còn phức tạp, nhưng đó vẫn là một hình thái kinh tế hấp dẫn và triển vọng lớn. Khi kinh tế phát triển thì các dạng không gian đô thị sẽ hình thành phục vụ công nghiệp biển, nông nghiệp hiện đại biển và kinh doanh dịch vụ biển, từ đó kinh tế bất động sản biển phát triển như một hạ tầng cần thiết để phát triển đô thị biển.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cái nhìn mới về kinh tế biển
Khai thác biển vẫn làm một công việc mang lại rất nhiều lợi ích cho con người kể từ ngày xưa. Nghề mà dễ dàng gắn với người dân vùng biển nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Kể từ khi dầu khí dưới đáy biển được phát hiện có tiềm năng lớn ở nhiều nơi, các quốc gia ven biển đã có hướng mở rộng hoạt động kinh tế trên biển, tập trung vào khai thác dầu khí, các khoáng sản dưới đáy biển và vận tải biển.
Bên cạnh lợi ích từ khai thác biển, các thiệt hại do thiên tai từ biển gây ra cũng là một trở ngại lớn cho khai thác biển. Các đô thị biển, căn cứ kinh tế, quốc phòng ven biển thường được giấu kín để tránh sự tàn phá của thiên tai từ biển gây ra.
Do một mặt, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển và mặt khác nữa, không khí chung sống hòa bình trên thế giới cũng mở rộng hơn nhiều, việc khai thác biển ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả cao hơn và khả năng ngăn ngừa tai biến thiên nhiên từ biển cũng chủ động hơn. Nhừng ngành mới về khai thác biển đang và sẽ hình thành ngày một nhiều, cụ thể như mô tả dưới đây.
1) Khai thác năng lượng tái tạo từ biển
Việc khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch của trái đất là một trong những công nghiệp cơ sở quan trọng nhất của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong từng bước phát triển, loài người đã nhận thấy rằng sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên nhân gây phát thải lớn gắn với hiệu ứng nhà kính.
Công nghệ cao đã dẫn con người tới việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục tiêu sản xuất điện. Hệ lụy môi trường gần như không có nhưng rui ro khi không kiểm soát được các tai nạn do phản ứng hạt nhân gây ra. Thực tế đã cho thấy tai nạn thảm khốc tại nhà máy Chernobyl do con người gây ra và tại nhà máy Fukushima do thiên tai gây ra. Xu hướng toàn cầu dẫn tới bài bác các nguồn năng lượng từ phản ứng hạt nhân.
Người ta đã nghĩ tới nguồn năng lượng từ thủy điện mà đặt cho tên gọi là "nguồn năng lượng không khói”. Nhưng rồi, loài người cũng nhận ra những nhược điểm vô cùng lớn của thủy điện. Nhà máy này thường phải đặt trên vùng núi gắn với ngập nước nhiều vùng rừng lớn. Cây mục trong nước là nguồn phát thải CO2 khá lớn, gây tổn hại cho môi trường không kém gì đốt nhiên liệu hóa thạch. Mặt khác, thủy điện còn gây ngập lụt cho cộng đồng cư dân địa phương mỗi khi các nhà máy thủy điện đồng bộ xả nước.
Phát hiện mới gần đây là sử dụng năng lượng tái tạo từ thiên nhiên bao gồm ánh sáng mặt trời và gió. Đúng là các nguồn năng lượng tái tạo này không trực tiếp gây bất kỳ hệ lụy môi trường nào. Nhưng rồi con người cũng nhận ra nhược điểm lớn của các nhà máy điện năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời và gió là: (1) tốn quá nhiều diện tích đất; (2) các tấm pin ánh sáng mặt trời, ác-quy chứa điện lại tạo ra nguồn rác thải lớn khó xử lý.
Người ta rồi cũng không muốn hưởng ứng việc phát triển năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời và đưa các cánh đồng cánh quạt gió thu năng lượng tái tạo ra các vùng đất đai ít khả năng sử dụng và có nhiều gió, nhất là vùng bãi biển ngập nước, đảo xa ít người ở.
Gần đây nhất, con người đã nghĩ tới nguồn năng lượng tái tạo từ biển mà cụ thể là từ sóng biển và từ thủy triều. Thực tế đã cho thấy một số nhà máy khai thác nguồn năng lượng tái tạo từ biển đã đi vào hoạt động khá hiệu quả. Năm 2016, các nhà sản xuất điện từ sóng biển và thủy triều quy mô lớn đầu tiên đã khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhà máy điện từ sóng biển của hãng ECO Wave Power (EWP) đặt tại Gibraltar đã khánh thành vào ngày 26/5/2022 và từ thủy triều của dự án MeyGen tại Scotland đã khánh thành vào ngày 12/9/2022. Các máy phát điện này đều sử dụng các tuabin nên gần như không gây tác động xấu đến môi trường. Từ đó, nhiều dự án lớn đã được tư duy, đề xuất, thực hiện ở nhiều nơi, có cả ở Việt Nam, tạo nên một xu hướng mới rất tích cực.
2) Nông nghiệp biển
Đánh bắt hải sản vốn là nghề khai thác kinh tế biển từ lâu đời. Theo tư duy truyền thống, người ta dẫn tới nghề nuôi trồng hải sản trên biển, trong đó có cả thực vật và động vật biển, không chỉ động vật sống dưới nước mà cả động vật bay trên trời sống nhờ vào biển. Nhiều loại tảo biển có nguồn dinh dưỡng đặc biệt mà rau trên cạn không có cũng được đưa vào canh tác.
Động vật cũng vậy, cả động vật sống dưới biển và sống nhờ vào biển đều cung cấp những dinh dưỡng mà nông nghiệp trên đất không tạo ra được.Lúc đầu, người ta còn chỉ nghĩ tới nông nghiệp vùng biển nông, sau đó vùng canh tác đi dần ra vùng biển xa hiệu quả cao hơn.
3) Thể thao và du lịch biển
Khi các quốc gia và con người có thu nhập nhiều hơn thì thể thao và du lịch là các yếu tố có cơ hội phát triển mạnh để đáp ứng những nhu cầu mới của con người. Môi trường biển là nơi sinh ra được các yếu tố mới này. Nhiều môn thể thao trên biển đã hình thành như lướt ván theo sóng biển, đua thuyền trên biển, bơi biển và được đưa vào thi đấu quốc tế.
Du lịch biển đảo không phải là mới, nhưng hình thái du lịch đã thay đổi nhiều, ví dụ như gắn với các hình thức trải nghiệm, khám phá, tìm cảm giác mới trong môi trường mặt biển, nước biển hay đáy biển.
4) Xu hướng lấn biển và đô thị biển
Trước đây, việc gia cố bờ biển để bảo vệ đất liền được coi như nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia. Hiện nay, các quốc gia có biển đều có xu hướng lấn biển để mở rộng lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển ở mức độ cao nhất. Singapore là quốc gia mua cát của các nước láng giềng để lấn biển nhằm mở rộng lãnh thổ. Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình trên các đá ngầm để mở rộng lãnh thổ ở biển xa phía Đông. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã tạo nên quần thể đô thị trên biển hình cây cọ rất độc đáo phục vụ du lịch. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 đã như quá hẹp so với nhu cầu mở rộng hoạt động lấn biển của các quốc gia có biển. Nhu cầu tái định dạng địa kinh tế biển đang được đặt ra.
Quá trình lấn biển thể hiện ở tính đa dạng trong phát triển các hình thái đô thị biển. Trước đây, các quốc gia chỉ muốn giữ an toàn cho các đô thị ven biển nên thường bố trí khuất xa bờ biển và dựa vào các vịnh nhỏ tự nhiên tạo lợi thế tiếp cận biển sâu. Đến nay, con người đã chủ động phòng tránh thiên tai, đụng độ trên biển nên các hình thức đô thị biển gắn với phát triển kinh tế đã phong phú hơn xưa rất nhiều.
Có đô thị ven bờ, có đô thị trên hải đảo, có đô thị trên mặt biển, và có cả ý tưởng thành lập các đô thị ngầm đáy biển. Tất nhiên, hình thái đô thị phải phù hợp với khả năng khai thác kinh tế biển tại khu vực với tầm nhìn dài hạn, đô thị phải có mật độ kinh tế cao.
Việc lấp biển và lấn biển là một xu hướng được coi như cần khuyến khích. Ở đây dễ nói tới cái lợi vì đơn giản là lãnh thổ được mở rộng, giá thành đất đai do lấn biển chắc chắn rẻ hơn đất đai có sẵn trên đất liền. Thế nhưng, có một điều rất quan trọng cần khảo sát nghiên cứu sâu là lấp biển ở chỗ nào đó sẽ tạo ra các yếu tố mới về địa hình biển, có khi lại là nguồn cơn gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường biển, gây hại cho quốc gia và con người.
Những thuận lợi và rủi ro trong phát triển đô thị biển Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có biển với đường bờ biển dài tới 3.260 km dọc theo Biển Đông từ Móng Cái tới Mũi Cà Mau và từ đó tới Hà Tiên trên bờ Vịnh Thái Lan. Vùng biển của Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, nhiều đảo lớn như Phú Quốc, Côn Sơn, Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ và nhiều đảo khác. Từ thời phong kiến, Việt Nam đã có 2 đô thị biển tham gia vào thương mại quốc tế gồm Vân Đồn và Hội An.
Trong thời Pháp thuộc, Pháp đã cho phát triển nhiều đô thị biển phục vụ hàng hải và du lịch bao gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu. Người dân vùng ven biển sống chủ yếu bằng nghề chài lưới ven bờ, thu nhập không cao và luôn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ ven biển.
Trong giai đoạn hiện nay, mãi tới 2007 Nhà nước mới ban hành chiến lược biển Việt Nam. Trên thực tế, kinh tế biển nước ta phát triển ở mức độ chưa cao, chủ yếu là khai thác dầu khí và một số loại khoáng sản biển, đánh bắt cá xa bờ, giao thông đường biển và du lịch biển thông thường. Phát triển kinh tế mạnh hơn tư duy về phát triển các đô thị. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 40 đô thị biển, trong đó đô thị biển lớn nhất là TP.HCM và cũng là đô thị lớn nhất cả nước. Tiếp đó là Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang...
Bên cạnh đó, nhiều đô thị biển hiện tại chưa phát triển nhưng có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong... Đô thị biển Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng làm rõ động lực kinh tế của từng đô thị như du lịch, khai thác dầu khí, hàng hải, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng hải sản...
Hiện nay, phát triển đô thị biển phục vụ du lịch đang được các địa phương quan tâm phát triển. Cũng vì hướng đi này đã dẫn đến cách thức phát triển với tầm nhìn ngắn hạn. Nhiều địa phương đã cho phép xây dựng các nhà cao tầng rất cao chạy dọc bờ biển như một tường thành ngăn trở giữa đất liền và biển. Dân địa phương không còn đường đi xuống biển kiếm sống, phản ánh những bức xúc lên lãnh đạo cấp tỉnh.
Nhiều lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt dự án rồi lại quyết định dẹp bỏ nhà cao tầng đã xây dựng để mở lối xuống biển cho dân. Như vậy, quy hoạch chỉ như có tầm nhìn ngắn hạn, thiếu đầy đủ và chưa toàn diện.
Bên cạnh những tiềm năng kinh tế lớn, đô thị biển Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý rủi ro do thiên tai từ biển. Trong tháng 10 và tháng 11/2020, thảm họa bão lụt đã gây tổn thất lớn về người, nhà cửa và tài sản của nhiều hộ gia đình trong một dải ven biển miền Trung từ Nghệ An cho tới Bình Định. Riêng 2 cơn bão số 6 (Linfa) và cơn bão số 7 (Nangka) đã làm 154 người chết và mất tích; 6.235 ngôi nhà bị cuốn trôi và 377.500 ngôi nhà bị ảnh hưởng; gần 16,7 nghìn héc-ta hoa màu, 2,7 triệu vật nuôi và hơn 100 nghìn tấn lương thực bị mất trắng.
Xét về kinh tế, khoảng 460 km kênh thuỷ lợi và 580 km đường giao thông bị hỏng, thiệt hại lên tới 15.470 tỷ đồng. Đấy là chưa kể tới các cơ sở văn hoá, y tế, giáo dục, thể thao gần như bị hỏng, chưa thể khôi phục để vận hành trở lại. Tiếp theo, cứ vài ngày là có một bão mới. Những tên bão như Sandel (số 8), Molave (số 9), Goni (số 10), Khanun (số 11), Etau (số 12), Vamco (số 13) đã hành hạ người dân, các đô thị, làng mạc trên suốt dải đất ven biển miền Trung. Thực trạng này cho thấy ta đã ý thức được rủi ro thiên tai trên vùng ven biển nhưng chưa có hành động cụ thể về quản lý rủi ro.
Cũng vào tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới hoàn thành nghiên cứu về rủi ro thiên tai và giải pháp cho khu vực ven biển Việt Nam. Báo cáo mang tên "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: phát triển khu vực ven biển Việt Nam - cơ hội và rủi ro thiên tai”. Từ thực tiễn, báo cáo này đã chỉ ra rằng "Dù có tiến bộ đáng kể nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Báo cáo này đã chỉ ra con số "11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm, kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (0,5% GDP) và 316.000 việc làm do lũ sông và lũ ven biển”.
Năm 2021, bão xuất hiện muộn hơn mọi khi, có 8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, ít hơn 3 cơn so với năm 2020 (năm 2020 có 13 cơn bão). Tổng lượng mưa mùa mưa, lũ cũng thấp hơn 2020. Trong số 8 cơn bão, có 6 cơn đi vào đất liền các tỉnh nước ta. Mặc dù vậy, bão lũ năm 2021 được đánh giá là gây ít thiệt hai hơn 2020.
Vào năm 2022, từ cuối tháng 8/2022, hàng loạt bão lớn lại đổ bộ hoặc ảnh hưởng mạnh tới con người và tài sản của người dân vùng biển nước ta. Bắt đầu là cơn bão số 3 đổ bộ vào phía Nam Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng gây mưa lớn ở vùng núi phía Bắc nước ta. Tiếp theo là các cơn bão từ số 4 (Noru), số 5 (Sonca), số 6 (Nesat) và số 7 đang hình thành, gây mưa quá lớn suốt một dải ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Định chịu đựng tổn thất lớn, nước ngập khắp nơi, thiệt hại cả tính mạng con người, nhà cửa và tài sản, mùa màng và hạ tầng. Hình ảnh những cánh đồng ngập trắng nước dài ngày không còn xa lại với dân vùng biển.
Theo quy luật chung, các cơn bão có xu hướng chậm hơn những năm xưa. Khi tôi còn bé, các cụ vẫn nói rằng tới rằm tháng 7 mà không có bão thì yên tâm không còn bão nữa. Ngày nay, bão thường muộn hơn nhiều, dồn dập từ cuối tháng 8 âm lịch. Quy luật của bão cũng không còn như xưa theo chiều chạy từ Bắc xuống Nam, nay thì bất thường, bão đang chuyển dần xuống Nam lại xuất hiện cơn bão sau ở phía Bắc. Đúng là biến đổi khí hậu tạo ra hình thái mới.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 về "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: phát triển khu vực ven biển Việt Nam - cơ hội và rủi ro thiên tai” đã đề xuất 5 khuyến nghị cho Việt Nam:
1. Cần thiết lập và tăng cường hệ thống dữ liệu như công cụ trợ giúp ra quyết định tích cực. Dữ liệu là một yếu tố không thể thiếu để biết khả năng chống chịu của các vị trí, từ đó mới có thể tìm giải pháp hợp lý cho quy hoạch, giám sát và đánh giá thực thi quy hoạch và dự báo các tiêu cực có thể xảy ra.
2. Chú trọng tới quy hoạch vùng ven biển dựa trên phân tích lợi thế kinh tế và các rủi ro thiên tai. Lúc này bài toán quy hoạch rất cần những số liệu khảo sát vùng ven biển để làm rõ khả năng khai thác kinh tế biển và khả năng chống chịu các rủi ro do thiên tai có thể gặp phải tại những khu dân cư, khu kinh tế ven biển.
3. Tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng và dịch vụ công vùng ven biển. Đây là cách tiếp cận phù hợp để xây dựng hệ thống hạ tầng và dịch vụ công cho vùng ven biển. Hệ thống này phải đảm bảo bảo tính bền vững trong hoạt động, có tính đến sức chịu đựng trước các rủi ro thiên tai vùng biển có thể xảy ra.
4. Tận dụng các giải pháp thuận thiên, có nghĩa là không tiếp cận theo kiểu chống lại thiên nhiên mà tiếp cận theo kiểu phát hiện quy luật thiên nhiên để nương theo quy luật đó mà tồn tại và phát triển.
5. Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có những phương án để phát hiện nhằm phòng ngừa, ứng phó và giải pháp phục hồi có hiệu quả khi thên tai xảy ra.
Các khuyến nghị này chắc chắn sẽ giúp ta nâng cấp tư duy và quy hoạch cụ thể phát triển đô thị biển nước ta. Tiềm năng kinh tế lớn trong khung cảnh quan hệ quốc tế êm dịu hơn là một lợi thế, nhưng tai biến thiên nhiên trên vùng biển vẫn là rủi ro rất lớn. Chúng ta đặt hy vọng lớn vào quá trình phát triển thông minh sẽ giúp ngăn ngừa những tiêu cực từ biển tốt hơn.
Nhìn lại, có thể thấy Nhà nước ta đã đưa ra các chủ trương đúng, thường chậm hơn các nước khác, nhưng cái chính là thiếu các giải pháp đồng bộ và khả thi. Đây là kinh nghiệm cần rút ra để đổi mới trong phát triển các đô thị biển nước ta. Chúng ta cần xem lại cách thức phát triển chưa chuyên nghiệp trong thời gian qua và tạo cách nhìn mới mang tính chuyên nghiệp cho phát triển trong thời gian tới. Việt Nam nói chung và các đơn vị hành chính cấp tỉnh ven biển nói riêng cần xây dựng tầm nhìn mới để quy hoạch phát triển kinh tế biển như một trọng tâm. Từ đó, lan tỏa sự phát triển đi các địa phương khác không có biển.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường