rong số hàng trăm người có mặt tại khu trưng bày 234 dự án lọt vào vòng chung kết phía Bắc cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016 đang diễn ra tại TP.Hải Phòng, có hai cậu học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, em Đỗ Đức Minh (lớp 12 chuyên toán) và Bùi Hoàng Linh (lớp 12 chuyên hóa).
Gian hàng của hai học sinh này không có thiết bị, máy móc trưng bày, chỉ có bản công bố dự án nghiên cứu liên quan đến quang phân hủy nước, khá đơn điệu. Nhưng dừng lại quan sát và lắng nghe các em thuyết trình, tôi và nhiều vị khách tham quan đã bị “hút” vào những điều tưởng chừng như khó hiểu này. Từ lâu nay, điện phân nước được xem là phương pháp phổ biến nhất trên thế giới để thu khí hydro. Vì vậy, thật khó có thể tưởng tượng khi hai chàng trai 17 tuổi đã tư duy tìm ra cách thu được loại khí này trong nước dưới tác động của ánh sáng mặt trời.
|
|
Vòng chung kết phía Bắc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức từ ngày 5-8.3 tại TP.Hải Phòng. 234 dự án của 35 đơn vị tranh tài ở 20 lĩnh vực như: Hóa học, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học trái đất và môi trường, khoa học vật liệu, vật lý và thiên văn... Theo hội đồng chấm thi, nhiều đề tài, thiết bị kỹ thuật lọt vào vòng chung kết này có tính khả thi cao, thể hiện được sự quan tâm, trăn trở của thế hệ trẻ với những vấn đề bức thiết trong cuộc sống. |
| |
Minh cho biết, em rất trăn trở khi thế giới xảy ra những cuộc chiến tranh giành dầu lửa, khí đốt, nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, khí thải động cơ hủy hoại môi trường sống, làm trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu. “Hydro chính là loại khí sạch, có sẵn trong nước, một nguồn tài nguyên dồi dào, nên đây là nguồn năng lượng tiềm năng để nhân loại thay thế dầu lửa, than đá. Chúng em đã tìm hiểu những bài báo khoa học tiếng Việt và tiếng Anh và biết rằng trên thế giới hiện vẫn chưa ai tìm ra được biện pháp tối ưu để thu được lượng lớn khí hydro từ nước”, Minh nói.
Minh đã chia sẻ ý tưởng với Linh và bắt tay nghiên cứu mẫu vật liệu xúc tác để quang phân hủy nước. 2 em đã chọn được một vật liệu xúc tác cho quá trình quang phân hủy nước rất khả dĩ. Linh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hóa điều kiện xúc tác phản ứng quang phân hủy nước.
Kết quả này đã khiến cho người hướng dẫn Minh và Linh làm đề tài là thầy Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên khoa hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, vô cùng bất ngờ.
Thầy Dũng cho biết, qua kiểm tra bằng thiết bị đo khí cầm tay của Viện Công nghệ môi trường cho thấy, bọt khí bay lên chính là hydro. Theo thầy Dũng, quang phân nước vốn rất phức tạp, cả thế giới chưa ai làm được, mới chỉ dừng lại ở điện phân nước. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao, lại tiêu tốn điện năng rất lớn nên mới chỉ dừng lại ở trong các phòng thí nghiệm hoặc quy mô nhỏ.
“Hai em chỉ là học sinh cấp 3 đã tìm ra một loại vật liệu đơn giản, rẻ tiền để tách thành công khí hydro trong nước dưới ánh sáng mặt trời. Kết quả này đã khiến cho cả khoa hóa học và Viện Công nghệ môi trường bất ngờ”, thầy Dũng nói và bày tỏ sự kỳ vọng vào phương pháp này sẽ tạo ra một sự đột phá mới trong an ninh năng lượng.
Theo báo Thanh niên