Loại bỏ nỗi lo nguồn nước nhiễm asen bằng công nghệ NANO VAST

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/5/2016 | 10:31:51 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) - Ô nhiễm nguồn nước đang là một vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Đặc biệt là nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng do quá trình xả thải công nghiệp, nó có thể bay trong không khí, ngấm xuống nguồn nước ngầm…

Ở Việt Nam, theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), khoảng trên 15 triệu người Việt Nam, tức là cứ 5 người thì có 1 người có thể phải đối mặt với nguy cơ tiềm tàng về nhiễm độc asen do sử dụng các nguồn nước ô nhiễm không được xử lý triệt để. 

Ngay tại Hà Nội, rất nhiều hộ dân trong một thời gian dài phải "sống chung với lũ" mà không hề hay biết như vụ việc gần một vạn dân tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 nhiều năm qua phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng asen cao gấp nhiều lần mức cho phép. Sự việc bị “vỡ lở” khi người dân thấy nước có đục, mùi hôi, tanh, và tự đem đến Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) kiểm nghiệm thì mới biết được rằng, hàm lượng asen trong nước sinh hoạt cao gấp 4 lần mức cho phép.

Trước tình trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước, nhiễm độc asen trong nước ngầm ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, các nhà khoa học thuộc phòng Hóa vô cơ - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN đã nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống xử lý nước nhiễm asen và kim loại nặng sử dụng công nghệ NANO VAST. Đây được coi là một giải pháp loại bỏ asen và các kim loại nặng hiệu quả, an toàn và kinh tế. Công nghệ NANO VAST là nền tảng để có thể thiết kế hàng loạt các hệ xử lý asen cho nước ăn uống sử dụng ở quy mô gia đình, cụm gia đình, cơ quan xí nghiệp, trường học, bệnh viện….

Từ năm 2008, hệ thống NANO VAST đã được triển khai ứng dụng tại trạm xá xã Nhân Khang, Lý Nhân, Hà Nam, có khả năng loại bỏ asen từ 200 ppb xuống dưới 5 ppb (tiêu chuẩn là 10 ppb) với công suất xử lý 1,5m3/h đạt tiêu chuẩn về asen trong nước ăn uống. Hà Nam vốn là một điểm nóng về ô nhiễm nguồn nước ngầm do con sông Nhuệ chảy qua với con số kinh hoàng 300.000/1 triệu dân bị phơi nhiễm asen nồng độ cao. 

Việc đưa vào ứng dụng hệ thống lọc đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân cũng như các y, bác sĩ của Trạm xá. Bác sỹ Phan Văn Hải, Trạm trưởng trạm Y tế xã Nhân Khang vui mừng cho biết: "Trước đây Trạm dùng hệ thống lọc thông thường gồm cát, đá, sỏi, than, nhưng nước sau lọc vẫn tanh, đục, giờ qua hệ thống lọc nước NANO VAST cảm quan thấy nước trong, không mùi, ngoài ra, khi kiểm định nguồn nước đầu ra là đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống".

Loại bỏ, nỗi lo, nguồn nước, nhiễm asen, công nghệ, NANO VAST

Kỹ sư chính Phạm Văn Lâm bên chiếc máy lọc nước hộ gia đình do ông  làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, chế tạo.

Kỹ sư chính Phạm Văn Lâm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về Công nghệ NANO VAST xử lý asen và kim loại nặng trong nước ăn uống, cho biết: "Kể từ khi nghiên cứu bắt đầu với hệ thống công suất lớn, suốt 8 năm qua, chúng tôi đã cải tiến chiếc máy lọc sử dụng trong hộ gia đình với phổ lọc tổng quát, đảm bảo an toàn về nước ăn uống trên một diện rộng các nguồn nước khác nhau. 

Công nghệ NANO VAST với 6 cột lọc cho phép loại bỏ toàn bộ các tạp chất, phốt phát, amoni, asen, kim loại nặng và vi khuẩn có hại cho con người, hơn thế nữa, công nghệ nano còn giúp giữ nguyên các chất khoáng có lợi cho sức khỏe ở dạng vi lượng. Do đó, nước sau lọc có thể uống trực tiếp mà không cần đun sôi".

Phòng Hóa Môi trường, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN là một trong các địa chỉ uy tín nhận các mẫu nước cần xét nghiệm từ cơ quan, tổ chức và cá nhận có nhu cầu. PGS.TS. Lê Văn Cát, Trưởng phòng Hóa Môi trường cho biết: "Nhu cầu kiểm định chất lượng nguồn nước của người dân ngày càng tăng. Giờ đây, trước khi lựa chọn mua máy lọc nước, người dân đã biết đưa nước đi kiểm nghiệm chất lượng trước và sau khi lọc. Điều này là rất tốt, vì việc kiểm nghiệm nguồn nước trước lọc sẽ giúp xác định được chính xác các thành phần có trong nước, là cơ sở để lựa chọn loại máy phù hợp với điều kiện nguồn nước. Còn việc kiểm nghiệm nước sau lọc, cũng giúp người sử dụng yên tâm hơn, khi biết nước sau lọc đảm bảo đúng tiêu chuẩn nước sinh hoạt".

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Kỹ sư chính Phạm Văn Lâm vẫn tiếp tục nghiên cứu và cải tiến chiếc máy lọc nước dùng cho hộ gia đình bởi đây là một trong những mặt hàng "nóng" được yêu cầu từ khắp mọi miền tổ quốc. Đó là bởi loại máy này không chỉ có phổ lọc rộng, thích hợp với nhiều vùng miền có điều kiện thổ nhưỡng, chất lượng nước khác nhau, mà còn bởi các ưu điểm khác mà không phải chiếc máy ngoại nhập nào cũng có. 

Kỹ sư chính Phạm Văn Lâm cho biết: "Công nghệ nano sử dụng áp lực nước để đẩy nước qua các cột lọc, vì vậy, chiếc máy lọc nước hộ gia đình hoàn toàn không cần dùng điện, không có ống xả thải (tiết kiệm nước). Với những hộ gia đình có chiều cao hạn chế, không đủ để tạo áp lực nước sẵn dùng ngay khi mở vòi (nước qua lọc) thì chúng tôi cũng đã có cách khắc phục đó là "treo" máy lên cao, phía dưới sẽ đặt bình dự trữ nước đã được lọc dung tích 10l, đảm bảo luôn có nước sạch để sử dụng ngay khi cần". 

Một điều đáng ghi nhận khác là việc làm chủ công nghệ đã giúp giảm giá thành sản phẩm xuống đến mức tối đa, chi phí để lắp trọn bộ máy lọc nước này chỉ trong khoảng 5 triệu đồng, tầm giá trung bình của các dòng máy lọc được quảng cáo rầm rộ hiện nay. 

Còn với đầu lọc số 1, là lõi lọc thô, theo yêu cầu kỹ thuật, được khuyến cáo nên thay sau 3 - 6 tháng sử dụng, anh Phạm Văn Lâm cho hay, hộ gia đình có thể mua luôn 3 chiếc về thay dần trong cả năm, với giá tận xưởng sản xuất chỉ 20.000 đồng. 

Trong khi đó, các lõi lọc tương tự như vậy trên thị trường bán không dưới 100.000 đồng, công thay thế là 50.000 đồng. Việc thay thế lõi lọc là rất dễ dàng, "Chỉ như vặn nước chai lavie thôi", anh Lâm cười hiền lành cho biết.

Theo Vũ Lê/KTĐT

  •  
Các tin khác

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Ngành sản xuất xe tải toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn để đạt được mức phát thải bằng không.

Sau khi được đào tạo, các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đưa ra dự báo trong vài giây, thay vì thời gian dài mà các mô hình truyền thống yêu cầu.

Công nghệ này có nhiều tiềm năng ứng dụng rộng rãi ở các khu vực có nước lợ, dễ dàng vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.