Kính tiết kiệm năng lượng: Mảnh ghép hoàn hảo cho công trình xanh
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/1/2022 | 11:03:05 Sáng
Nhờ sự cải tiến liên tục về hiệu suất cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng. Kính đã trở thành vật liệu xây dựng thiết yếu cho các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Trong các loại vật liệu được sử dụng cho lớp vỏ bao che tòa nhà, kính đang là một trong những vật liệu được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Ngành công nghiệp sản xuất kính xây dựng trong những năm gần đây đã có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Nhờ sự cải tiến liên tục về hiệu suất cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng. Kính đã trở thành vật liệu xây dựng thiết yếu cho các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay, đa số các tòa nhà cao tầng tại các TP lớn đều được lắp đặt các mặt dựng bằng kính nhằm mang lại giá trị thẩm mỹ cao hơn cho công trình. Mặt khác, mặt dựng bằng kính giúp cho các tòa nhà nhẹ hơn, giảm bớt tải trọng cho nền móng. Cách đây nửa thế kỷ, ngay cả trước khi công nghệ kính hiện đại ra đời, các KTS đã có tư duy sử dụng kính một cách sáng tạo để thiết kế những tòa nhà gần như không sử dụng năng lượng mà ngày nay chúng ta gọi là "Zero energy building”.
Trong những thập kỷ tiếp theo, với sự tiến bộ về công nghệ sản xuất kính đã giúp việc thiết kế các tòa nhà không sử dụng năng lượng trở nên khả thi hơn. Đổi mới công nghệ như việc sử dụng các sản phẩm kính kiểm soát năng lượng mặt trời "Solar control”, kính phát xạ thấp "Low-E” đã cải thiện đáng kể khả năng cách nhiệt và cản nhiệt của kính. Các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng cho phép tối đa hóa ánh sáng tự nhiên ban ngày vào nhà và có thể hạn chế mức tăng nhiệt từ mặt trời, tùy thuộc vào nhu cầu và mục tiêu mong muốn.
Ngày nay, có rất nhiều giải pháp về chủng loại kính và hệ mặt dựng kính để đáp ứng nhu cầu của các KTS và kỹ sư xây dựng khi thiết kế và xây dựng các tòa nhà đạt mức xếp hạng công trình xanh cao nhất.
Kính – vật liệu được lựa chọn hàng đầu cho các tòa nhà bền vững.
Các tòa nhà bền vững sẽ thu được lợi nhuận từ việc tác động tối thiểu đến môi trường của kính. Khi các công trình xây dựng mới ngày càng trở nên tiết kiệm năng lượng thì việc đánh giá tác động môi trường sẽ không còn được xem xét về mức độ tiêu thụ năng lượng, mà dựa trên các tác động của quá trình sản xuất vật liệu xây dựng, cũng như các công đoạn xây dựng và phá dỡ. Về mặt này, kính tạo ra tác động tối thiểu đến môi trường, khiến nó trở thành sản phẩm được lựa chọn rộng rãi cho các tòa nhà bền vững. Kính được làm từ nguồn nguyên liệu thô tự nhiên phong phú như: Cát, Soda, mảnh thủy tinh vỡ… không gây ô nhiễm, quá trình sản xuất đạt hiệu quả năng lượng cao, yêu cầu lượng nước thấp và tạo ra ít chất thải.
Trên thực tế, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kính xây dựng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong việc tác động đến môi trường của một tòa nhà từ khi xây dựng cho đến phá vỡ. Hơn nữa, các sản phẩm kính xây dựng đều có thể tái chế hoàn toàn. Ngay cả khi được tái chế trong các sản phẩm thủy tinh mới, các mảnh thủy tinh còn giúp tiết kiệm cả nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất.
Khi kính xây dựng bị vỡ, nó vẫn an toàn và ổn định, không phát thải bất kỳ chất độc hại nào ra môi trường. Vì vậy, ngay cả khi thủy tinh không được tái chế, nó vẫn tác động một cách tối thiểu đến môi trường.
Kính Low-E tiết kiệm năng lượng như thế nào?
Kính Low-E là tên gọi viết tắt của Low Emissivity (kính có độ phát xạ thấp), trong đó, độ phát xạ biểu thị cho khả năng bức xạ năng lượng của một vật liệu. Kính Low-E đóng vai trò rất quan trọng đối với các tòa nhà có diện tích mặt dựng kính lớn. Các lớp phủ Low-E đã được phát triển để giảm thiểu lượng tia cực tím và tia hồng ngoại có thể truyền qua kính mà không làm ảnh hưởng đến lượng ánh sáng nhìn thấy. Lớp phủ Low-E cải thiện một cách đáng kể khả năng cách nhiệt của kính.
- Lớp phủ Low-E làm giảm độ phát xạ của kính, giúp giảm hệ số U-value;
- Hệ số hấp thụ nhiệt mặt trời (SHGC) của kính Low-E thấp, dẫn đến tiết kiệm năng lượng và chi phí làm mát;
- Kính Low-E hoạt động như một tấm chắn ngăn cản tia UV truyền qua kính, giúp bảo vệ các đồ vật bên trong nhà khỏi tác động làm phai màu của ánh sáng mặt trời;
- Vào mùa hè, kính Low-E giúp chặn hầu hết các bức xạ hồng ngoại truyền vào trong. Nhờ đó lượng nhiệt vào nhà giảm đi đáng kể, giúp cho không gian bên trong nhà luôn mát mẻ;
- Vào mùa đông, kính Low-E không cho phép nhiệt thoát từ bên trong nhà ra ngoài. Do đó, ngôi nhà luôn được giữ ấm. Đây là một cách hiệu quả để bảo tồn năng lượng sưởi ấm trong nhà vì kính có độ phát xạ thấp hoạt động giống như một bình giữ nhiệt, ngăn cản bức xạ nhiệt ra bên ngoài;
- Kính Low-E cải thiện hiệu quả năng lượng cho tòa nhà, giúp tiết kiệm đáng kể hóa đơn tiền điện do hiệu quả cách nhiệt và cản nhiệt của kính;
- Kính Low-E có thể hạn chế sự ngưng tụ hơi nước có thể xảy ra do sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường bên trong và bên ngoài tòa nhà.
Cách kiểm tra hiệu suất cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng của kính
Hiện nay, các nhà sản xuất kính thường công bố rất nhiều thông số kỹ thuật đối với sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng của họ để khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm kính phù hợp với mục tiêu thiết kế.
Một số thông số kỹ thuật được sử dụng để xác định hiệu suất cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng của kính bao gồm:
- Hệ số truyền nhiệt U-value (W/m2.K): Đây là thông số đặc trưng cho sự truyền nhiệt của kính, thể hiện lượng nhiệt ổn định trong một đơn vị thời gian truyền qua một đơn vị diện tích bề mặt kính, với mỗi đơn vị nhiệt độ chênh lệch giữa các môi trường ở mỗi mặt của tấm kính. Hệ số U-value càng thấp, khả năng cách nhiệt của kính càng cao.
- Hệ số hấp thụ nhiệt mặt trời (SHGC): Là tổng lượng nhiệt mặt trời truyền qua trực tiếp và hệ số truyền nhiệt thứ cấp (nhiệt được truyền bởi đối lưu và sự bức xạ bước sóng hồng ngoại dài của lượng bức xạ mặt trời được hấp thụ bởi tấm kính) vào bên trong tấm kính. Hệ số SHGC càng thấp, khả năng cản nhiệt của kính càng cao.
- Độ truyền sáng (VLT): Là lượng ánh sáng chiếu tới, trong khoảng bước sóng từ 380nm đến 780nm, truyền qua tấm kính. Độ truyền sáng càng cao, lượng ánh sáng tự nhiên vào nhà càng cao.
Công ty Kính nổi Viglacera sau hơn 20 năm phát triển, hiện đang cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Solar control, Low-E với sự đa dạng về màu sắc và tính năng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Các công trình xanh sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam như: Khu đô thị Eco Green Sài Gòn Quận 7, Khu đô thị Masterise Centre Point Thủ Đức, Khu đô thị xanh Ecopark Hưng Yên… Những khu đô thị này chính là bằng chứng thuyết phục nhất về hiệu suất cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng của kính.
Nguồn Tạp chí Kiến trúc
Các tin khác
Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.
Ngành sản xuất xe tải toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn để đạt được mức phát thải bằng không.
Sau khi được đào tạo, các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đưa ra dự báo trong vài giây, thay vì thời gian dài mà các mô hình truyền thống yêu cầu.
Công nghệ này có nhiều tiềm năng ứng dụng rộng rãi ở các khu vực có nước lợ, dễ dàng vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.