Tái chế nhựa, giấy và kim loại là chuyện bình thường nhưng phần lớn quần áo được sử dụng hằng năm trên thế giới cuối cùng lại bị quăng bỏ ở các bãi chôn rác và lò đốt rác. “Chỉ 10% quần áo được tái chế và trong số đó có quần áo cũ. Ở nước nào cũng như vậy cả”, Masaki Takao, đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Jeplan (trụ sở đặt tại Tokyo), cho biết.
Takao và nhóm của anh đang thực hiện một kỹ thuật chiết xuất sợi polyester từ quần áo qua nhiều chu trình chưng cất và bay hơi. Quy trình này tạo ra phân nửa lượng khí carbon dioxide mà được thải ra khi sản xuất vật liệu này ngay từ đầu. Đưa polyester lên mức độ tinh khiết cao là phần cực khó. “Không ai làm điều này cả vì nó rất khó”, Takao nói.
Takao đã rời trường để thành lập Công ty Jeplan vào năm 2007 cùng với Michihiko Iwamoto, một nhân viên kinh doanh làm trong lĩnh vực dệt. Jeplan đã hợp tác với Đại học Osaka để phát triển công nghệ tái chế cotton. Đến năm 2010, Jeplan bắt đầu thương mại hóa, tư vấn các vấn đề liên quan đến tái chế cho các khách hàng trong đó có hãng Mitsubishi và NTT Docomo. Jeplan đã huy động được số vốn 13 triệu USD kể từ khi được thành lập. Trong số các nhà đầu tư rót vốn vào Jeplan có cả Docomo và công ty đầu tư mạo hiểm Jafco.
Trong bộ phim Trở Về Tương Lai, nhà khoa học điên Emmett “Doc” Brown đã cho cả vỏ chuối và một nửa lon bia vào một thiết bị Mr. Fusion có kích cỡ bằng máy xay cà phê. Quy trình của Jeplan thì không đơn giản như thế mà đòi hỏi phải xây dựng cả một nhà máy. Công ty đang xây dựng một nhà máy ở hòn đảo phía Nam Kyushu, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào mùa hè này, có thể tái chế 2.000 tấn quần áo mỗi năm. Một lượng lớn trang phục cũ chứa polyester hiện đang được chất đống, chờ được đưa vào tái chế một khi nhà máy được khánh thành.
Để thúc đẩy, quảng bá những nỗ lực tái chế của Jeplan, Takao đã đặt hàng một bản sao giống y hệt, đúng kích cỡ của chiếc DeLorean như trong bộ phim Trở Về Tương Lai. Anh đã phải gửi một đơn yêu cầu chính thức đến Universal Pictures trước khi hãng phim này bán lại cho anh chiếc xe DeLorean và cho anh quyền được thực hiện các chương trình quảng bá liên quan. Anh không tiết lộ số tiền nhưng đưa mô hình xe này về Nhật tốn khoản chi phí 5 triệu yen (tương đương 44.000 USD).
Chiếc DeLorean sẽ chạy trên nhiều con phố, đến các cửa hàng, trung tâm mua sắm khắp nước Nhật để quảng báo cho những nỗ lực tái chế của Jeplan. Để cạnh tranh với các phương thức sản xuất truyền thống, Công ty cần 30.000 tấn quần áo polyester mỗi năm. Takao đang hy vọng chiếc xe sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người dân và sau khi hiểu rõ hơn về quy trình tái chế của Jeplan, họ sẽ tặng quần áo cũ của mình.
Công ty đã đặt các thùng thu gom quần áo cũ tại 2.100 địa điểm trên khắp nước Nhật, trong đó có cả tại các trung tâm thương mại, kết hợp với Ryohin Keikaku, chủ sở hữu nhà bán lẻ Muji và Seven & I Holdings, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng 7-Eleven. Takao cũng lên kế hoạch “kết nạp” nhiều nhà sản xuất quần áo vào chương trình thu gom này và bán lại quần áo làm ra từ vật liệu được tái chế cho các nhà sản xuất hàng may mặc.
Không chỉ vậy, Jeplan đang thương thảo với các nhãn hàng thể thao và các đội bóng đá trên toàn thế giới về các sáng kiến tương tự. Bởi vì Takao nhận thấy một cơ hội “chạm” đến một lượng fan hâm mộ hùng hậu. Ngoài ra, trang phục của các cầu thủ đều có hàm lượng polyester cao, rất phù hợp cho việc tái chế. “Rất khó để khuyến khích người tiêu dùng bằng sự thành khẩn hay bằng cách gợi mối quan tâm của họ về môi trường, nhưng chắc chắn họ sẽ tham gia nếu sáng kiến nào đó tỏ ra thú vị”, anh nói. “Bằng cách triển khai các sự kiện này, chúng tôi kỳ vọng sẽ gây sức ảnh hưởng, tạo ra một sự thay đổi văn hóa về tái chế”, Takao tin tưởng.