Ông Abraham Tenne, người phụ trách chương trình khử mặn nước biển thuộc Cơ quan Quản lý tài nguyên nước của Israel cho biết: “Các nhà máy sản xuất nước ngọt của nước này đã sử dụng điện để xử lý nước biển theo hai chu trình, trong đó áp dụng công nghệ màng lọc nhiều lớp thẩm thấu nước ngọt, sau đó thải muối trở lại môi trường biển”.
Nguồn nước sau khi qua xử lý tại các nhà máy còn được bổ sung thêm nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, trước khi được cung cấp làm nước sinh hoạt cho các hộ gia đình theo mạng lưới đường ống nước quốc gia.
Giới chức Israel kỳ vọng, đến năm 2020, lượng nước ngọt được sản xuất thông qua khử mặn nước biển sẽ đạt 750 triệu m3/năm, thậm chí có thể hơn, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân trên cả nước.
Được biết, Israel đang sở hữu công nghệ khử mặn nước biển được xem là hiện đại bậc nhất thế giới mà giá thành lại tương đối “dễ chịu”, chỉ 0,55USD/m3 (tương đương 12.000 VND/m3).
Israel hiện cũng đã chuyển giao công nghệ khử mặn tiên tiến này tới nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Brazil…
“Quán quân” tái chế nước thải
Ngoài khử mặn nước biển khá hữu hiệu như trên, Israel là quốc gia đứng đầu thế giới về tái chế nước thải với 75% lượng nước thải được sử dụng lại (xếp hạng thứ hai là Tây Ban Nha). Đất nước với 2/3 diện tích là sa mạc đã xử lý gần như tất cả lượng nước thải và tái sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Cụ thể, nguồn nước thải công nghiệp, hay sinh hoạt ở Israel đều sẽ được thu gom vào các hệ thống xử lý tập trung. Với công suất xử lý 370.000 m3 nước thải mỗi ngày, Shafdan là nhà máy lớn nhất trong hơn 100 tổ hợp tái chế nước thải sinh hoạt ở Israel.
Các hệ thống xử lý nước thải thường sử dụng các giải pháp từ tính (sử dụng thanh nam châm để tách các chất hữu cơ độc hại như dầu, chất tẩy rửa, hóa chất nhuộm và kim loại nặng trong nước thải); xử lý bằng phương pháp kết đông điện từ (xử lý loại bỏ kim loại nặng trong nước bằng việc đưa hydroxit kim loại trùng hợp, là phương pháp dùng để xử lý nước thải công nghiệp và đô thị); xử lý bằng cách làm lắng đọng (nước được làm sạch bằng việc lắng chất bẩn có thể được sử dụng trong nông nghiệp)…
Việc lựa chọn sử dụng giải pháp cụ thể còn phụ thuộc vào từng loại nước thải. Tuy nhiên, thông qua hệ thống xử lý sinh hóa, màng lọc…, các chuyên gia Israel khử bỏ được độc tố, tạp chất hữu cơ, kim loại nặng trong nước thải để tạo ra nước sạch. Thực tế, nước qua xử lý đã đạt tới chất lượng có thể uống được, nhưng hiện được tận dụng riêng cho nông nghiệp, tưới tiêu.
Về lâu dài, số tiền đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống nước của Israel đến năm 2050 sẽ lên tới khoảng 206 tỉ Schekel (tương đương 54.99 tỉ USD). Israel đang lên kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân trong cả nước cùng tham gia góp vốn và công nghệ.
“Người dẫn đầu” tiết kiệm nước sạch
Nhiều năm qua, Israel luôn là quốc gia đi đầu trong công nghệ tái chế nước thải thành nước sinh hoạt. Không những thế, nước này cũng áp dụng các công nghệ biến nước mặn thành nước ngọt dù chi phí khử mặn không hề nhỏ. Bước đột phá trong việc xử lý nước biển là công nghệ màng khử mặn đã giúp giảm đáng kể chi phí, từ 1USD/m3 xuống còn 0.55USD/m3.
Trong vòng 10 năm, Israel đã hoàn thành việc xây dựng năm nhà máy khử mặn dọc bờ Địa Trung Hải tại các thành phố Ashkelon, Ashdod, Sorek, Palmachim và Hadera, với chi phí khoảng 400 triệu USD/nhà máy. Cả năm nhà máy đều thuộc sở hữu tư nhân, nhưng nhà nước đã cam kết mua sản phẩm nước từ các cơ sở này và bán lại cho người dân.
Nhờ đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt, Israel có điều kiện để tập trung cho các dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.
Nhà máy khử mặn nước biển Hadera cung cấp 127m3 nước ngọt mỗi năm
Được biết, Israel cũng đã tiến hành phát triển nhiều công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm và tăng tối đa hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp, trong đó được biết đến nhiều nhất là phương pháp tưới nhỏ giọt.
Từ một bể chứa trung tâm, nước được dẫn qua một hệ thống ống dẫn tới các thiết bị tạo giọt đặt sát gốc cây đã hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, cỏ dại và tiết kiệm tới 60% lượng nước. Ngoài ra, năng suất cây trồng ở Israel cũng tăng gấp đôi khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và hơn 80% các nông phẩm từ phương pháp tưới này đang được xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, phương pháp tưới tràn làm lãng phí khoảng một nửa lượng nước do bay hơi, trong khi tưới nhỏ giọt đạt hiệu quả tới 90-95% lượng nước và tăng sản lượng vụ mùa. Tại Israel hiện có tới 75% cánh đồng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và 25% còn lại được tưới phun mưa.
Ngoài ra, để hạn chế sự thất thoát nước trong toàn bộ đường ống cấp nước, chỉ trong 10 năm, Nhà nước Isareal đã chi khoảng 123 triệu USD cho công tác củng cố hệ thống đường ống cấp nước trên toàn quốc.
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt, giới chức Israel đã mở một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về tiết kiệm nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Kết quả là chương trình này đã giúp tiết kiệm được 20% lượng nước sinh hoạt.
Israel hiện đứng thứ 6 thế giới về tiết kiệm nước tính theo đầu người.