Ứng dụng công nghệ 4.0 vào dự báo hạn mặn tại ĐBSCL, giúp người dân giảm thiểu rủi do hạn mặn (Ảnh minh họa: Vnexpress).
Theo đó, chỉ với thao tác đơn giản, nhấn vào đường link http://waterdata.vn/mekong/mrss hoặc tải app MRSS (Mekong MRSS) trên Google Play nền tảng Androi, chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngay lập tức, các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết.
Phần mềm không chỉ thuận tiện cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng mà bất kỳ người dân nào có nhu cầu đều có thể sử dụng, cập nhật nhanh chóng về tình hình hạn mặn.
PGS,TS Nghiêm Tiến Lam, Trưởng bộ môn Quản lý tổng hợp vùng ven biển, Đại học Thủy lợi miền Nam cho biết, để bảo đảm tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại 20 trạm khí tượng và kết hợp các số liệu đo thực tế tại Nhà máy nước Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) và Nhà máy nước Nhị Thành (Long An), làm cơ sở tham khảo và phân tích.
Phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại ĐBSCL trong khoảng thời gian 30 ngày. Phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng tới để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn mặn tại địa phương.
Phần mềm dự báo hạn mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng ĐBSCL, hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương, người dân sớm có phương án ứng phó, phòng chống hạn mặn trong sinh hoạt và sản xuất.
Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn cho biết, đây là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, không chỉ góp phần giúp các sở ban, ngành địa phương và người dân chủ động trong việc ứng phó thiên tai mà còn là nguồn dữ liệu, hỗ trợ rất lớn trong công tác nghiên cứu, dự báo và chống biến đổi khí hậu.
Phó Tổng Giám đốc Nhà máy nước Nhị Thành (Long An) Vũ Anh Tuấn cho biết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào dự báo hạn mặn đã hỗ trợ rất nhiều cho Nhà máy nước Đồng Tâm, Nhà máy nước Nhị Thành trong việc chủ động lên kế hoạch sản xuất nước ngọt, phục vụ dân sinh trong mùa hạn mặn.
Cùng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đơn vị đã đề xuất xây dựng dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải nhằm cung cấp nguồn nước thô ổn định, bảo đảm chất lượng, không bị nhiễm mặn cho ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Dự án cũng đã nhận được sự thống nhất và ủng hộ tối đa của UBND, các sở, ngành và địa phương ba tỉnh. Các nội dung đề xuất của dự án nêu trên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho phép điều chỉnh cục bộ trong Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thông qua quyết định phê duyệt số 287/QĐ-TTg ngày 2-3-2021 vừa qua.
Thanh Phong/Báo Nhân dân