Lãnh đạo châu Á cảnh báo về xung đột tài nguyên nước
- Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2013 | 10:40:05 Sáng
Lãnh đạo các quốc gia châu Á –Thái Bình Dương cảnh báo cuộc cạnh tranh khốc liệt liên quan đến tài nguyên nước có khả năng dẫn đến xung đột nghiêm trọng. Từ Trung tới Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đều phụ thuộc vào tài nguyên nước trong bối cảnh bùng nổ dân số.
Từ đó, các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng cảnh báo, các bên cần phải hợp tác để chia sẻ nguồn tài nguyên nước đang ngày càng suy kiệt, nếu không muốn chứng kiến kịch bản xung đột nghiêm trọng bùng nổ trong khu vực.
“Có thể có một cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên nước”, trừ phi các quốc gia thống nhất chia sẻ với nhau nguồn nước quý giá, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhấn mạnh tại một diễn đàn an ninh nguồn nước trong khu vực được tổ chức tại thành phố Chiang Mai, miền Bắc nước này.
“Không có một quốc gia nào trong khu vực có thể đơn độc xử lý những thách thức có liên quan đến nguồn nước”, bà Yingluck khẳng định và ca ngợi các diễn đàn như Hội nghị về nguồn nước châu Á-Thái Bình Dương được xem là lộ trình nhằm thỏa mãn cơn khát nước một cách hòa bình của các quốc gia trong khu vực.
Các quốc gia châu Á hiện cần đầu tư khoảng 380 tỷ USD vào nguồn nước từ nay cho đến năm 2020. |
“Các cam kết quan trọng” trở thành yếu tố chống lại cuộc cạnh tranh nguồn nước khốc liệt đang diễn ra và “có nguy cơ dẫn đến tranh chấp quốc tế”, Quốc vương Brunei tuyên bố.
Một trong những tranh chấp như vậy đang xảy ra giữa Uzebekistan và láng giềng Tajikistan khi cả 2 nước đều muốn xây dựng các nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.
Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon, phát biểu tại diễn đàn, lên tiếng bảo vệ quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng cam kết sẽ ủng hộ “giải pháp hòa bình” để giải quyết tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng có dấu hiệu leo thang mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Còn Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina dẫn một hiệp ước về chia sẻ tài nguồn nước giữa nước này và Ấn Độ trên sông Hằng là một ví dụ điển hình về sự thành công của giải pháp ngoại giao nguồn nước.
"Không còn cách nào khác ngoài việc kiểm soát một cách thận trọng quyền sử dụng các nguồn tài nguyên nước" mới giúp ngăn ngừa xung đột, bà Hasina nhấn mạnh.
Vùng trũng Bangladesh với ước tính 30 triệu dân đang phải đối mặt với sự gia tăng mực nước biển và các vấn đề biến đổi khí hậu trong khu vực dẫn đến các trận lụt thảm khốc ngày càng trở nên phổ biến.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á tháng trước đưa ra cảnh báo, gần 2/3 dân số trong khu vực không có nước sạch hay các đường ống dẫn nước tại nhà bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực. Nguyên nhân được cho là do thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý yếu kém.
Theo kienthuc.net.vn
Các tin khác
Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.
Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...