Bảo tàng Thiên văn học Thượng Hải
"Concept của Bảo tàng được cách điệu từ một số quy luật cơ bản của vật lý thiên văn. Trong phạm vi của dự án, chúng tôi muốn tòa nhà này thể hiện được bản chất của vũ trụ. Vì thế, sẽ không có bất kỳ đường thẳng hay góc vuông nào trong không gian”, KTS Thomas J Wong, thành viên của dự án chia sẻ.
Nằm ở Lingang, phía Tây Nam Thượng Hải, công trình là một phần của Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, với diện tích 39.000m2. Ennead Architects thiết kế công trình ở 3 khối riêng biệt, cảm hứng bắt nguồn từ sự chuyển động của các vật thể trong vũ trụ.
Thiết kế bảo tàng lấy cảm hứng từ vũ trụ
Wong chia sẻ: "Chúng ta đang ở trong 1 thế giới không ngừng chuyển động, đôi khi những thứ cốt yếu lại dễ bị bỏ qua. Có 3 nơi trong công trình cung cấp thấu kính để quan sát quỹ đạo chuyển động của Trái Đất: phần Mái vòm ngược, Khối hình cầu treo lơ lửng và Oculus (nghĩa là "đôi mắt” theo tiếng Latin) được đặt ngay sảnh đón”.
Sảnh đón của Bảo tàng là phần không gian đưa ra 40m tính từ trụ đỡ bê tông, rất nặng nề nhưng cũng rất bồng bềnh. Tiếp đến là một hình nón cụt được ốp tấm kính màu vàng óng và có view nhìn hướng thẳng lên bầu trời, có tên gọi là "The Oculus”.
"Không có bất kỳ đường thẳng hay góc vuông nào trong không gian”
Oculus chiếu một vòng tròn ánh sáng trên quảng trường lối vào
Sảnh vào có mái vòm ngược
Wong cho biết: "Chúng tôi cũng rất quan tâm đến trải nghiệm của du khách, mong muốn tạo ra các khoảnh khắc đáng nhớ và ấn tượng trong quá trình tham quan.
Có 3 trụ bê tông chính đỡ phần đường giao thông xoắn ốc ở sảnh trung tâm (chiếc kiềng 3 chân), đưa du khách đến các không gian trưng bày khác nhau cũng như đỡ phần mái vòm ngược. Tất cả tạo ra cảm giác choáng ngợp khi bước vào không gian”.
Cung thiên văn có dạng hình cầu
Khối còn lại là khu vực đài quan sát – nổi bật với 1 quả cầu được treo lơ lửng với 3 giá đỡ, tạo cảm giác như không trọng lực. Quả cầu xuyên qua phần mái, có các khoảng hở giúp đưa ánh sáng xuống bên dưới. Nhìn từ trên cao, quả cầu như thể đang nhô ra khỏi đường chân trời, hiện lên tầm nhìn bao quát xung quanh.
Đài quan sát được "treo lơ lửng”, tạo cảm giác như không trọng lực
Một không gian trên tầng mái được thiết kế để nhìn lên bầu trời
Công trình được kỳ vọng sẽ là nơi tổ chức nhiều hơn các buổi triển lãm, giúp du khách tìm hiểu về vũ trụ và các hành tinh. Dù ở độ tuổi hay trình độ học vấn nào, mọi người đều có thể quan sát và hiểu thêm về thiên văn học thông qua một loạt các trải nghiệm thực tế. "Không gian vũ trụ nghe có vẻ rất trừu tượng, nhưng chúng tôi muốn tạo ra một cái gì đó hữu hình và sinh động”, các KTS chia sẻ.
Nguồn Tạp chí Kiến trúc