Cộng đồng lưu vực Mê Công quan ngại về các dự án đập thủy điện

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 4:10:36 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn)- Ngày 14/03 tại Chiang Khong, Thái Lan, Diễn đàn nhân dân Mê Công đã được các nhóm cộng đồng Thái Lan chủ trì tổ chức. Tại đây, các cộng đồng Thái Lan, Campuchia cùng các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong khu vực đã nêu lên các quan ngại về việc phát triển đập thủy điện trên dòng sông Mê Công.

Diễn đàn được tổ chức vào ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông nhằm tôn vinh dòng sông Mê Công – nguồn sống của hàng triệu người dân sống trong lưu vực, đồng thời đây cũng là dịp để người dân bày tỏ những quan ngại đối với tương lai của dòng sông này.

Tại diễn đàn, các đại diện của cộng đồng người dân Thái Lan và Campuchia sống trên lưu vực cho biết họ đã chứng kiến những thay đổi lớn trên dòng sông Mê Công như sự thay đổi mực nước bất thường, chất lượng nước và nguồn cá suy giảm, xói lở bờ sông… Tất cả những điều này được cho là do ảnh hưởng chủ yếu từ các đập trên thượng nguồn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sinh kế của người dân.

Ông Socheat, người dân sống trên làng nổi lòng hồ Tongle Sap, Camphuchia cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng vì ngày càng có thêm nhiều đập được xây dựng trên dòng sông Mê Công. Đến nay Xayaburi đã được xây dựng gần xong, Don Sahong đang được xây dựng và sắp tới là đập Pak Beng. Việc này khiến dòng sông Mê Công bị ngăn cách thành từng khúc. Là một cộng đồng sống trên làng nổi, chúng tôi chủ yếu dựa vào nguồn cá trên sông Mê Công vì vậy việc xây đập sẽ tác động vô cùng lớn tới cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không cần các dự án này vì chúng không mang lại lợi ích gì cho chúng tôi.”

Cùng chung nỗi quan ngại với đại diện cộng đồng dân cư Tongle Sap, anh Campai, người dân làng Hulleck, một trong hai ngôi làng của Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu đập Pak Beng được xây dựng, cho biết: Chúng tôi sống sát biên giới với Lào, dự án Pak Beng sắp tới xây dựng tại Lào vì thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chúng tôi. Ngay bây giờ chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi của dòng sông rồi. Trước kia chúng tôi đánh bắt được rất nhiều cá, nay thì manh mún.”

Bên cạnh những lo lắng về hiện trạng và tương lai của dòng sông, người dân cũng thể hiện sự quan ngại đối với trách nhiệm cung cấp thông tin từ phía các cơ quan chính quyền về các dự án phát triển. Các cộng đồng cũng đồng thời bày tỏ mong muốn có một diễn đàn chung của người dân các nước trên lưu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong các hoạt động chung vì sự bền vững của dòng sông Mê Kông.

Diễn đàn kết thúc với việc ký Tuyên bố Chiang Khong, đồng thời tổ chức lễ tri ân và cầu nguyện cho sự bền vững của dòng sông Mê Công ngay trên bờ dòng sông Mê Công thuộc làng Hua Vieng, huyện Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.

Người dân Mê Công với những biểu ngữ thể hiện tình yêu với dòng sông mẹ. (Ảnh: PanNature)

Một thiếu niên Thái Lan đại diện cho nước nhà đọc bản Tuyên bố Chiang Khong. (Ảnh: PanNature)

Những lá cờ ghi lại tâm nguyện của người dân Mê Công được cắm vào chiếc bè bằng chuối, thả trôi trên sông Mê Công. (Ảnh: PanNature)

Thông điệp từ nhóm Việt Nam. (Ảnh: PanNature)

Cùng ký tên thể hiện sự đồng lòng bảo vệ dòng sông Mê Công. (Ảnh: PanNature) 

  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...