Sau 5 năm gánh chịu nạn hạn hán liên tục, lão nông Edivaldo Brito đã không còn nhớ lần cuối hồ Boqueirao đầy nước là khi nào. Nhưng ông chưa bao giờ thấy nó khô cạn đến mức này.
"Chúng tôi đã mất tất cả. Giờ đây, chúng tôi còn phải đi bộ hơn 3km chỉ để giặt quần áo", ông Brito nói.
Toàn bộ khu vực phía Đông Bắc của Brazil, đặc biệt là bang Paraiba cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán lớn nhất trong lịch sử.
Hồ Boqueirao, nguồn nước chính cung cấp cho hơn 400.000 người dân sống tại thành phố Campina Grande hiện đang cạn trơ đáy với mực nước còn lại chỉ đạt khoảng 4% dung tích được thiết kế ban đầu.
Thảm hoạ thiếu nước tại Brazil
Sau 2 năm ròng, người dân bắt đầu nhận thấy nguồn nước mà họ thường sử dụng đã trở nên bẩn thỉu, bốc mùi và không thể uống được.
Đa phần họ đều phải chuyển sang mua nước đóng chai để nấu nướng, đánh răng hay thậm chí là tắm rửa nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để phung phí như vậy.
"Nếu hồ chứa nước Boqueirao không được bổ sung thì toàn bộ hệ thống cung cấp nước sạch của thành phố sẽ sụp đổ vào giữa năm nay. Đó sẽ là một thảm họa thực sự. Chính quyền sẽ phải tiến hành di tản toàn bộ khu dân cư", ông Janiro Costa Rego - Giáo sư về Tài nguyên nước tại Đại học Campina Grande cho biết.
Hiện giờ, người dân tại đây chẳng còn cách nào khác là tiếp tục chờ đợi chính phủ thực hiện những lời hứa của mình.
Xác động vật nằm la liệt trên nền đất khô cằn.
Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng
Trong hàng chục năm qua, chính phủ Brazil đã nhiều lần hứa hẹn dẫn nhánh sông São Francisco, con sông dài nhất tại nước này để cung cấp nguồn nước ổn định cho người dân tại 4 bang thiếu nước ở khu vực Đông Bắc.
Nhưng phải tới năm 2005, chính quyền của Tổng thống Brazil lúc bấy giờ là ông Luiz Inacio Lula da Silva mới có thể đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa lời hứa trên.
Theo đó, nước sông São Francisco sẽ được vận chuyển qua hệ thống kênh dẫn dài hơn 400km và thậm chí là bơm qua nhiều ngọn đồi để bổ sung cho những lòng sông thiếu nước tại 4 bang Ceara, Rio Grande do Norte, Pernambuco và Paraiba.
Mặc dù hơn 10 năm đã qua, song dự án quan trọng ấy vẫn được thực hiện với tiến độ "rùa bò" và nhiều lần bị trì hoãn do nhiều tranh cãi chính trị giữa các chính đảng lớn cũng như tình trạng đội vốn do tham nhũng.
"Tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng tại Brazil nói chung và khu vực Đông Bắc nói riêng đang khiến tốc độ hoàn thành trở nên chậm chạp hơn, đặc biệt là trong hai năm trở lại đây", một người dân cho biết.
Hiện nay, Tổng thống đương nhiệm ông Michel Temer vẫn đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của dự án này nhằm cải thiện sự ủng hộ của người dân tại khu vực Đông Bắc đối với chính phủ lâm thời.
Ông Temer dự định sẽ khánh thành một con kênh mới vào đầu tháng 03/2017 để "giải cứu" cho người dân tại thành phố Campina Grande bằng nguồn nước bổ sung.
"Nhưng phải mất rất nhiều tuần để dòng nước có thể di chuyển dọc theo lòng sông Paraiba đã gần như trơ đáy và đến được với hồ chứa nước Boqueirao", nhiều cư dân tỏ ra khá lo ngại.
Chất lượng nguồn nước tại thành phố Campina Grande vẫn đang bị suy giảm từng giờ, từng phút mà chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Theo Giáo sư Costa Rego, tới khoảng tháng 03/2017, nguồn nước cung cấp cho thành phố Campina Grande sẽ đạt tới mức không thể xử lý được.
Điều này sẽ gây hưởng nghiêm trọng tới điều kiện sức khỏe của những người dân không đủ tiền mua nước đóng chai để sử dụng.
Ông Helder Barbalho, người đứng đầu dự án cung cấp nước cho vùng Đông Bắc đã lên tiếng khẳng định về việc nước sạch sẽ đến với người dân trong tháng 04/2017 bằng bất cứ giá nào.
Tình trạng hạn hán đang ngày một tồi tệ
Trong 30 năm qua, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến nạn hạn hán tại khu vực Đông Bắc của Brazil trở nên rất tồi tệ.
Nhiệt độ rung bình tăng trong khi lượng mưa lại giảm dần khiến nhu cầu thủy lợi dành cho nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Thế nhưng, nguồn nước cung cấp lại liên tục giảm thấp và nước cũng bốc hơi nhanh hơn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng.
Giáo sư Costa Rego cho rằng: "Nguyên nhân dẫn tới nạn hạn hán bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm và tham những tràn lan của chính phủ Brazil, khi mà đất nước này là khu vực dự trữ nước ngọt lớn nhất toàn cầu".
Nguồn nước chính cung cấp cho thành phố São Paulo, khu đô thị lớn nhất Brazil với hơn 20 triệu dân đã gần như cạn kiệt vào năm 2015.
Sau đó, chính quyền thủ đô Brasilia cũng hạn chế cung cấp nguồn nước sạch cho người dân trong những năm tiếp theo.
Tại thành phố Fortaleza, thủ phủ của bang Ceara và là đô thị lớn thứ hai khu vực Đông Bắc, hồ chứa nước chủ chốt castanhao hiện chỉ còn chưa tới 5% dung tích thiết kế tối đa.
Mặc dù được ưu tiên nhận nguồn nước bổ sung từ dự án dẫn nhánh sông São Francisco nhưng nước sẽ không thể đến với người dân thành phố Fortaleza do nhà thầu chính của dự án này đã cho dừng thi công sau khi bị điều tra vì có liên quan tới một vụ án tham nhũng lớn.
"Nước từ sông São Francisco rất quan trọng. Nguồn nước của chúng tôi chỉ có thể cung cấp tới khoảng tháng 08/2017 mà thôi", Thống đốc bang Ceara ông Camilo Santana cho biết.
Nếu không được bổ sung nguồn nước kịp thời, bang Ceara sẽ phải sử dụng nước từ những giếng khẩn cấp và buộc phải giảm nguồn thủy lợi dành riêng cho nông nghiệp để ưu tiên cung cấp cho người dân thành phố.
Vì vậy, nó đã gây ảnh hưởng lớn tới nông dân trồng hoa, trồng dưa hấu cũng như những hộ chuyên chăn nuôi gia súc.
"Đầu tiên chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị. Sau đó, chúng tôi mới có thể nghĩ tới việc sản xuất thêm của cải vật chất", ông Joao Fernandes da Silva - đại diện cơ quan quản lý tài nguyên nước địa phương nhấn mạnh.
Nhiều người dân không có nước sạch để sử dụng do các hồ chứa nước đã bị cạn từ lâu.
Các hộ dân thường xuyên phải tích trữ nước trong những can nhựa tái sử dụng.
Hạn hán kéo dài khiến hoạt động trồng trọt bị gián đoạn hoàn toàn.
Các loài động vật lăn ra chết do không có nước để uống và lương thực để ăn.
Trận hạn hán lịch sử đã gây nhiều ảnh hưởng tới những cộng đồng người nghèo đang sinh sống ở Brazil.
Cắt giảm 20% lượng nước máy
Nguồn nước máy dành cho việc sinh hoạt của người dân sẽ phải chịu kiểm soát và bị cắt giảm ít nhất 20%. Việc này đã gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới những cộng đồng nghèo đang sinh sống tại các thành phố lớn ở Brazil.
"Chúng tôi thường xuyên bị cắt nước. Chẳng mấy ai có tiền để mua bể chứa nước nên đành phải tích trữ một lượng nước ít ỏi trong những can nhựa tái sử dụng", nhiều người dân bức xúc nói.
Đối với tầng lớp nông dân nghèo đang sinh sống bên ngoài các thành phố lớn thì những lời hứa của chính phủ chỉ đáng tin khi chúng được thực hiện thành công.
Trở lại với lão nông Brito, ông cho biết: "Nếu không có chương trình hỗ trợ Bolsa Familia, có lẽ chúng tôi đã chết đói từ rất lâu rồi. Năm sau là năm bầu cử nên họ cứ hứa hẹn để chúng tôi bỏ phiếu cho họ. Còn sự thực thì chẳng biết thế nào".